Thất bại của U23 Việt Nam ở tứ kết giải U23 châu Á 2022 để lại nhiều tiếc nuối. Các học trò của HLV Gong Oh-kyun đã chơi tốt trong 40 phút đầu, tạo ra nhiều cơ hội nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, U23 Ả Rập Xê Út tinh quái hơn, tận dụng sự non nớt và lưỡng lự của U23 Việt Nam để bứt lên và chiến thắng.
HLV Gong Oh-kyun đã đề ra chiến thuật hợp lý, giúp học trò thi đấu tự tin. Song chính sự hơn thua ở một tích tắc kinh nghiệm đã giúp U23 Ả Rập Xê Út chiếm ưu thế.
Kinh nghiệm ấy đến từ đâu? 23 cầu thủ U23 Ả Rập Xê Út dự giải chơi tổng cộng 759 trận ở giải vô địch quốc gia, trung bình mỗi cầu thủ chơi 33 trận. Trong khi đó, 4 cầu thủ U23 Việt Nam đá chính ở V-League, số còn lại dự bị, hoặc đang chơi ở giải hạng Nhất.
Bùi Hoàng Việt Anh (số 4) là cầu thủ U23 hiếm hoi có chỗ đứng tại V-League.
Phần lớn đội hình U23 Việt Nam là tập hợp của lứa cầu thủ sinh năm 1999-2001, tức là rơi vào khoảng 21 đến 23 tuổi. Chỉ khoảng 1, 2 năm nữa, sẽ không còn ai gọi Quan Văn Chuẩn, Phan Tuấn Tài, Nhâm Mạnh Dũng hay Lý Công Hoàng Anh là cầu thủ trẻ.
Thời gian bước qua ngưỡng trẻ để trưởng thành luôn gấp gáp, nhưng lại là giai đoạn then chốt, quyết định cầu thủ có thể bứt lên bậc thang phát triển mới trong sự nghiệp hay không. Bóng đá Việt Nam từng có nhiều cầu thủ nổi danh ở giải trẻ, nhưng không thể thăng tiến như kỳ vọng.
Màn trình diễn của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á cho thấy HLV Gong Oh-kyun đang có trong tay nhiều hạt giống tốt. Tuấn Tài bùng nổ ở hành lang trái, Khuất Văn Khang và Nguyễn Văn Trường chơi chững chạc ở tuổi 19, hay Văn Chuẩn là người gác đền tiềm năng cho đội tuyển.
Dù vậy, hạt giống nào cũng cần đất tốt để nảy mầm. Vấn đề của đội U23 Việt Nam hiện tại nằm ở kinh nghiệm. Nếu không tính các giải quốc tế gối đầu từ tháng 3/2022 đến nay, số trận ra sân của các cầu thủ ở cấp độ CLB chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ngoại trừ 4 tuyển thủ là Nguyễn Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Văn Toản và Hoàng Anh, 19 cầu thủ U23 Việt Nam có thể chia thành 2 nhóm. Một là ngồi dự bị ở V-League, hầu như không có cơ hội ra sân. Hai là chơi ở hạng Nhất, với số trận ít ỏi và trình độ chuyên môn kém hơn.
Quan Văn Chuẩn (áo vàng) chưa được ra sân ở V-League.
Dịch COVID-19 khiến số trận ra sân của các cầu thủ trẻ bị thu hẹp. Trong năm 2020, một cầu thủ chơi ở giải hạng Nhất chỉ được thi đấu tối đa 17 trận. Nếu được tham gia các giải trẻ, cầu thủ sẽ chơi thêm khoảng 4, 5 trận vòng loại và 3, 4 trận ở vòng chung kết.
Tổng cộng, một cầu thủ trẻ được chơi thường xuyên ở giải hạng Nhất và đá đủ các giải trẻ, chỉ có thể đá khoảng 25 trận/năm, trung bình 2 trận/tháng, với mức độ cạnh tranh không cao so với cấp độ V-League.
"Ở cấp độ trẻ, thứ các cầu thủ cần là thi đấu và thi đấu. Mỗi cầu thủ cần ra sân ít nhất 40 trận mỗi năm, nhưng tôi thấy rất ít cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại có tiêu chí này. Nhâm Mạnh Dũng, ngôi sao số 1 trên hàng công, chỉ sắm vai dự bị ở CLB chủ quản. Chúng ta cần lưu tâm hơn về điều này", cựu HLV tuyển nữ Việt Nam, ông Steve Darby nhấn mạnh.
Phần lớn trụ cột của U23 Việt Nam được đào tạo ở CLB Viettel và Hà Nội. Hai đội bóng này thường gửi gắm cầu thủ trẻ cho các đội hạng Nhất sử dụng. Khi trở lại đội chủ quản, các cầu thủ có rất ít cơ hội chơi bóng. Nguyễn Hữu Thắng là một ví dụ. Cầu thủ gốc Huế chơi cho đội Bình Định ở hạng Nhất năm 2020, nhưng khi được kéo trở lại Viettel, Hữu Thắng không cạnh tranh được suất đá chính, rồi mất luôn vị trí ở đội U23.
Nguyễn Hai Long cũng là niềm tiếc nuối. "Sao mai" của CLB Quảng Ninh được Hà Nội chiêu mộ, nhưng cũng không cạnh tranh được với Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Quyết, phải ngồi dự bị và không chứng minh được nhiều ở đội U23.
Ngay cả với những trụ cột đội U23 hiện nay cũng chưa hẳn có chỗ đứng vững chãi. Bùi Hoàng Việt Anh thua kém về kinh nghiệm nếu đặt cạnh Nguyễn Thành Chung hay Đỗ Duy Mạnh. Hoàng Anh khó cạnh tranh ở hàng tiền vệ đông đảo của CLB Bình Định, hay Văn Toản có thể mất suất bắt chính nếu sa sút phong độ.
Hai Long (số 17) chưa cạnh tranh được ở đội Hà Nội.
Đặt cạnh thế hệ đàn anh dự giải U23 châu Á 2018, 2020, U23 Việt Nam hiện nay không thể sánh bằng ở kinh nghiệm. Ở tuổi 21, Nguyễn Quang Hải đã là vua giải trẻ, Trần Đình Trọng là "chuyên gia săn Tây" ở CLB Sài Gòn, hay Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng có 4 năm chơi ở V-League.
Lựa chọn đôn lứa U19 lên chơi ở V-League của bầu Đức năm 2015, hay việc bầu Hiển đan cài các sản phẩm của lò đào tạo lên đội một là quyết định của cá nhân ông bầu ở các đội bóng. Hai quyết định khác thời điểm, nhưng giúp bóng đá Việt Nam hội tụ hai thế hệ tài năng.
Khi hào quang của lứa 1995-1997 qua đi, bóng đá Việt Nam lại nói về chuyện muôn thuở: bao giờ cầu thủ trẻ mới được trao cơ hội ở CLB?
HLV Gong Oh-kyun đã tận dụng rất tốt tiềm năng của các học trò để xây dựng đội bóng giàu triển vọng, dù vậy, phát triển cầu thủ thế nào lại không phải quyền hạn của ông. Tính cả thời gian tập huấn và thi đấu, trung bình cầu thủ chỉ có khoảng 1, 2 tháng mỗi năm tập trung cùng đội tuyển. Toàn bộ thời gian còn lại là thi đấu ở CLB.
Từ giờ đến SEA Games 31, gần như chắc chắn U23 Việt Nam không còn giải đấu chính thức nào. 11 tháng tới, các học trò của thầy Gong sẽ trở lại cuộc chiến giành giật vị trí tại CLB. Đây là 11 tháng quan trọng, quyết định cầu thủ có phát triển đúng hướng hay không.
"Sau khi cống hiến trong màu áo đội tuyển quốc gia hay đội U23 Việt Nam, các cầu thủ sẽ trở về với các giải đấu trong nước. V-League 2022 tiếp tục khởi tranh vào đầu tháng 7 tới đây. Tôi hy vọng khi các giải đấu chuyên nghiệp của Việt Nam được tái khởi động, các cầu thủ trẻ vừa dự SEA Games 31 và giải U23 châu Á sẽ được ra sân.
Tôi nói với cầu thủ của mình là các bạn hãy quên những gì đã tập luyện với tôi trên U23 Việt Nam, quên những gì tôi chỉ dạy. Vì khi về CLB, các bạn sẽ tập cùng với HLV của mình. Cách sử dụng cầu thủ của tôi là không quá phụ thuộc vào độ tuổi. Tôi mong các CLB tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn. Tôi cũng mong chính các cầu thủ phải cố gắng hơn để được trọng dụng", HLV Gong Oh-kyun nhấn mạnh.
HLV Gong Oh-kyun mong học trò cạnh tranh được vị trí.
Việc chăm bẵm cho lứa U23 Việt Nam càng quan trọng hơn, bởi đây là thế hệ nòng cốt, sẽ đạt độ chín sự nghiệp khi vòng loại World Cup 2026 khởi tranh vào năm 2024. Đây là giải đấu bóng đá Việt Nam đặt kỳ vọng cao, trong bối cảnh World Cup 2026 mở rộng lên 48 đội.
Quyền Chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn, nêu quan điểm: VFF sẽ chủ động đưa ra những giải pháp như tận dụng nguồn chất xám của HLV nước ngoài và Việt Nam; tìm kiếm thêm nguồn tài trợ để có quỹ tài chính dồi dào phục vụ các đội tuyển; tiếp tục thông qua các mối quan hệ và sự hợp tác chặt chẽ với liên đoàn bóng đá các nước có nền bóng đá phát triển để đưa cầu thủ trẻ ra nước ngoài tập huấn.
Yếu tố quan trọng nhất vẫn là các CLB nên mở rộng cánh cửa hơn với các tài năng trẻ. Lứa U23 Việt Nam năm 2018 đã trưởng thành sau những năm tháng thử lửa tại sân chơi này, rồi nhanh chóng là trụ cột đội tuyển.
Tất nhiên, rất khó áp đặt việc CLB phải dùng cầu thủ trẻ, bởi áp lực thành tích luôn khiến các HLV "chùn tay". Sự thay đổi này không thể gượng ép, mà cần diễn ra tự nhiên, khi cầu thủ không ngừng nỗ lực thể hiện, còn các đội bóng cũng nhận thấy tầm quan trọng của ươm mầm và phát triển cầu thủ trẻ.
Nhâm Mạnh Dũng có cạnh tranh được với các tiền đạo ngoại của CLB Viettel?
Những nền bóng đá phát triển đều có tư duy cởi mở với cầu thủ trẻ, như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ả Rập Xê Út. Hệ thống thi đấu giải trẻ rộng khắp và dày đặc giúp tạo ra tấm lưới để không bỏ sót bất cứ tài năng nào. Bóng đá Việt Nam đang có hạt giống tốt, nhưng sẽ rất lãng phí nếu hạt giống ấy được gieo trên mảnh đất nghèo dinh dưỡng.
"VFF mong muốn các CLB sẽ ưu tiên việc sử dụng cầu thủ trẻ nhiều hơn bởi thực tế, họ đã trưởng thành vượt bậc qua những trận đấu có chất lượng chuyên môn cao tại SEA Games 31, giải U23 châu Á 2022. Chưa kể năm 2020 và 2021, có tổng cộng 6 đợt tập trung khác nhau cho U23 Việt Nam.
Các cầu thủ trẻ cần được thử lửa tại V-League. Như lứa từng dự World Cup U20 năm 2017, sau giải đấu tầm cỡ này được các CLB thử thách tại sân chơi quốc nội và trở thành chủ lực của tuyển Việt Nam", ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ.