Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 6/5 nói nước này sẽ chuyển giao 7 hệ thống pháo tự hành đầu tiên cho Ukraine trong thời gian tới, ngoài ra còn có 5 hệ thống pháo khác của Hà Lan.
Kể từ cuối tháng 4, chính quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thay đổi quan điểm về giới hạn viện trợ quân sự bằng việc tăng cường chuyển giao các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Quyết định có phần đột ngột này của ông Scholz ít nhiều chịu sự tác động đến từ dư luận trong và ngoài nước Đức về việc hỗ trợ Ukraine quá hời hợt.
Cũng theo Bộ trưởng Lambrecht, các hệ thống pháo trên được rút ra từ kho dữ trự chiến lược của quân đội Đức, và sẽ được bàn giao ngay sau khi hoàn tất việc khôi phục trạng thái hoạt động trong những tuần tới.
Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000. (Ảnh: MilitaryLeak)
Còn theo Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Đức Đại tướng Eberhard Zorn, có khoảng 20 binh sĩ Ukraine sẽ tham gia quá trình chuyển loại đối với pháo Panzerhaubitze 2000 trong đợt chuyển giao đầu tiên.
Tướng Zorn cho biết Berlin cũng sẽ cung cấp một lô đạn pháo 155 mm của Panzerhaubitze 2000 cho Ukraine trong thời gian tới. Gói viện trợ này sẽ do nhà thầu quốc phòng KMW của Đức thực hiện.
Panzerhaubitze 2000 là một trong những mẫu pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của quân đội Đức, nó có tầm bắn hiệu quả lên đến 40 km và có khả năng triển khai nhiều loại đạn pháo khác nhau. Tốc độ bắn của mỗi hệ thống này có thể đạt đến 10 phát/phút.
Nhu cầu về vũ khí hạng nặng của Ukraine trong thời gian gần đây ngày càng tăng cao khi quân đội Nga chuyển hướng sang mặt trận Donbass (miền đông Ukraine).
Tuần trước, Berlin đã lần đầu tiên đồng ý cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev, cùng với đó là gói viện trợ pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard.
Pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard của quân đội Đức.
Hiện tại hầu hết vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi đến Ukraine cho đến nay đều là vũ khí có nguồn gốc từ Liên Xô còn trong kho của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu. Mỹ và một số đồng minh khác đã bắt đầu cung cấp cho Kiev các loại vũ khí chuẩn NATO.
Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2 nhằm bảo vệ các nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Nga cho biết mục tiêu của chiến dịch này là phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, đồng thời sẽ chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự.
Sau đó, phương Tây đã liên tục áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào nhiều lĩnh vực khác nhau của Nga như năng lượng, ngân hàng để phản ứng trước hoạt động quân sự của Moskva.