Cam kết chuyển giao hệ thống phòng không Gepard đã được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht công bố trong cuộc họp của các quan chức quốc phòng quốc tế tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ (Đức) hôm 26/4.
"Ngày hôm qua chúng tôi đã quyết định sẽ hỗ trợ Ukraine với các hệ thống phòng không ... đó chính là những gì Ukraine đang cần để bảo vệ không phận", Bộ trưởng Lambrecht nói.
Pháo tự hành Gepard 1A2 của Đức.
Động thái này có ý nghĩa quan trọng vì đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng này cho Ukraine để đối phó với Nga.
Kể từ năm 2010, quân đội Đức đã từng bước loại biên hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard, hiện chưa rõ Berlin sẽ chuyển giao tổ hợp vũ khí này cho Ukraine thế nào.
Ban đầu, Đức từ chối các lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Kiev, chỉ đồng ý cung cấp trợ giúp nhân đạo và thiết bị y tế. Cách tiếp cận đó phù hợp với chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Berlin là không cung cấp vũ khí sát thương cho vùng khủng hoảng.
Chính phủ Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết các gói viện trợ trị giá nhiều tỷ USD cho Ukraine, song từng loại trừ khả năng triển khai vũ khí hạng nặng nhằm tránh nguy cơ lún vào một cuộc xung đột trực diện với Nga.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine, chính phủ mới của Đức đã đồng ý xem xét lại chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí.
Tuy nhiên, đối mặt với áp lực từ các đồng minh và công chúng Đức, chính phủ buộc phải sửa đổi các quy tắc. Vào cuối tháng 2, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ bắt đầu chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine, mặc dù tại thời điểm đó, ông gọi những vũ khí này là nhằm mục đích "phòng thủ".
Ông cũng tuyên bố Đức sẽ bắt đầu bơm thêm tiền vào các lực lượng vũ trang của mình. Điều này cũng đã được công khai vào tháng trước khi Đức tuyên bố sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất .
Tuần trước, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng trong khi "các đối tác khác hiện đang cung cấp pháo" cho Ukraine, thì Berlin sẽ "giúp đào tạo và bảo trì".
Ukraine đề nghị nước ngoài hỗ trợ pháo hạng nặng và xe tăng trong bối cảnh lực lượng Nga tiến công nhiều mục tiêu ở phía nam và phía đông nước này. Một số nước Đông Âu chuyển vũ khí từ thời Liên Xô tới Ukraine để đổi lấy thiết bị thế hệ mới hơn của Mỹ. Còn Anh và Pháp viện trợ Kiev một số loại vũ khí và thiết bị quân sự hạng nặng do họ sản xuất.