Chiều 5/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khoá XV, các đại biểu nghe Giám đốc Công an TP (CATP) Hà Nội Đoàn Duy Khương trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tiếp đó, các đại biểu bắt đầu đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Duy Hoàng Dương. (Ảnh: PH)
Đại biểu Duy Hoàng Dương dẫn lại báo cáo, cho biết, năm 2019 tình trạng đối tượng mắc bệnh tâm thần, có biểu hiện tâm thần gây ra các vụ án giết người xảy ra 3 vụ, tăng 3 vụ so với năm 2018. Ngoài ra, các vụ hành hung, gây thương tích cho người thân trong gia đình và người ngoài xảy ra ở các quận, huyện như Hoàng Mai có 2 vụ, Đông Anh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ đều xảy ra 1 vụ.
"Đề nghị Giám đốc CATP làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp phòng ngừa, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân, cũng như kiểm soát, quản lý chặt các đối tượng tâm thần này, để trong năm 2020 và thời gian tiếp theo, tình hình an ninh trật tự tại các địa phương được đảm bảo", ông Dương nói.
Trả lời vấn đề trên, Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, trong tháng 8/2016, CATP tổ chức 3 cuộc hội thảo để đưa ra được khái niệm "thế nào là ngáo đá".
Từ khái niệm này, CATP chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là công an cơ sở khảo sát, rà soát và lên danh sách các trường hợp "ngáo đá".
Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn chiều 5/12. (Ảnh: DT)
"Tháng 8/2016, toàn thành phố có 257 đối tượng ngáo đá. Chúng tôi đưa ra quyết tâm, trước tết Nguyên đán phải đưa hết số này vào cai nghiện", ông Khương nhấn mạnh.
Giám đốc CATP Hà Nội cũng thừa nhận, việc đưa những người "ngáo đá" vào cai nghiên trong hành lang pháp lý như hiện nay rất khó khăn. Chỉ có gia đình tự nguyện đưa đi mới được.
"Tôi yêu cầu Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống ma tuý 4h chiều hàng ngày phải nhắn tin cho tôi số lượng lên xuống của các đối tượng ngáo đá. Chính số này gây ra nhiều vụ án, có thể nói là thảm án không chỉ với người dân xung quanh và ngay cả với thân nhân gia đình", ông Khương nói.
Giám đốc CATP Hà Nội cũng cho rằng việc xử lý nhóm đối tượng bị tâm thần rất khó khăn vì đưa vào điều trị phải có kinh phí. Trong khi đó, chính quyền "không thể đủ tiền để làm từ thiện cái này, mà chính gia đình phải có trách nhiệm", nhiều gia đình cũng không có điều kiện mà bệnh viện không thể điều trị miễn phí.
Từ đó, Giám đốc CATP đề nghị đề nghị UBND thành phố nên có kiến nghị với HĐND thành phố để có khoản kinh phí nhằm giải quyết vướng mắc trên, "đảm bảo cho người dân có quyền được sống, và sống trong an ninh, an toàn".