Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Du lịch gặp ‘khó chưa từng thấy’: Làm gì để khách có chỗ tiêu tiền?

(VTC News) -

Trước những khó khăn chưa từng có vì COVID-19, phát triển kinh tế đêm để du khách “tiêu tiền” được coi là điều kiện "cứu cánh" của ngành du lịch.

COVID-19 diễn biến phức tạp khiến ngành du lịch Việt Nam đứng trước những khó khăn chưa từng thấy, thậm chí có nguy cơ gây đổ vỡ hàng loạt. Tại Hội nghị du lịch toàn quốc 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” tổ chức ở Quảng Nam, đại diện hàng trăm doanh nghiệp liên tục hiến kế, đưa ra đề xuất giải pháp phục hồi du lịch. Trong đó, phát triển kinh tế đêm được coi là "cứu cánh".

Phát triển kinh tế đêm để du khách “tiêu tiền”

Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Sunworld Holding (Sun Group) nhận định, giữa bộn bề khó khăn do đại dịch COVID-19 gây nên, để gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách thì việc đẩy mạnh loại hình kinh tế đêm là điều phải làm mà một số nước láng giềng như Thái Lan đã làm rất hiệu quả từ lâu.

"Đây là giai đoạn thích hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm và trước mắt nên triển khai tại một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Chúng ta cần thiết lập các khu mua sắm tập trung, gia tăng các show nghệ thuật, ẩm thực đêm để du khách có chỗ tiêu tiền. Đồng thời tăng cường liên minh phát triển du lịch để phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương. Như vậy mới tạo ra nhiều chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và giá thành”, ông Nam nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Vietravel cho rằng, dịch vụ kinh tế đêm ở nhiều địa phương còn khá tẻ nhạt. “Trung ương và địa phương cần dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch, trong đó có chính sách thiết thực để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng”, ông Kỳ đề xuất.

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà, Đà Nẵng.

Trong khi đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nêu quan điểm đồng tình với chính sách khuyến khích phát triển du lịch đêm và đề xuất các giải pháp phải vừa giữ gìn điểm đến an toàn, vừa phát triển kinh tế.

Bà Hạnh mong Chính phủ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách giảm giá điện, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay ưu đãi, ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho đầu tư hạ tầng du lịch.

Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, ông Nguyễn Quang Trung cho biết, dù còn nhiều khó khăn của dịch bệnh nhưng với những chính sách đúng đắn cùng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao, vì thế ngành du lịch trong nước sẽ sớm hồi phục, trong đó khả quan nhất là trong năm 2021 sẽ phục hồi về tương đương với mức năm 2019.

Cũng theo ông Trung, qua khảo sát, Vietnam Airlines nhận định mối quan tâm của du khách hiện nay xoay quanh vấn đề an toàn. Các điểm đến phải đảm bảo phòng chống dịch tốt, chính sách hoàn chuyển đổi booking cần linh hoạt và hướng đến lợi ích khách hàng nhiều hơn nữa.

Hiện du khách chuộng việc đặt các chuyến bay cận ngày, du lịch thời gian ngắn ngày, đi theo nhóm nhỏ vì vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ chủ trì, ban hành các quy định chung về an toàn với du khách, nâng cao công tác an toàn điểm tham quan, xây dựng chương trình du lịch có trọng điểm, duy trì kích cầu dài hạn để phát huy hiệu quả về lâu dài”, ông Trung kiến nghị.

Dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Một năm khó khăn chưa từng có

Ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết, giai đoạn 2015 - 2019, du lịch Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát đã có tác động đến du lịch toàn cầu, Việt Nam chủ động có những biện pháp để ứng phó với dịch nhưng ngành du lịch vẫn không tránh khỏi tổn thất nặng nề.

Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11.2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỉ đồng (tương đương 23 tỉ USD).

Lễ hội mùa đông tại Sun World Ba Na Hills.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, đề xuất, để tránh nguy cơ này, tạo đà phát triển mạnh sau đại dịch, Chính phủ cần nghiên cứu bảo lãnh cho các doanh nghiệp có thể vay bằng đúng số tiền nộp thuế trong năm 2019, cho phép khoanh nợ và tái cầu trúc các khoản vay đến hết năm 2021.

Nêu giải pháp về kích cầu tạo thị trường, ông Kiên cho rằng, các điểm tham quan cần nhanh chóng giảm phí đến hết năm 2021 với mức giảm ít nhất 50%.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng như các tỉnh, thành cần ủng hộ mạnh mẽ việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, bởi đây cũng là một giải pháp tốt để thu hút khách nội địa. Cùng với đó là cần tạo ra các thông điệp có ý nghĩa, lan tỏa đến du khách, đơn cử như: Việt Nam an toàn - đi du lịch là yêu nước”, ông Kiên nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Vietravel cho hay, việc đổi mới nhận thức và tư duy về định hướng phát triển là yếu tố sống còn để ngành du lịch chống chọi và thích ứng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số sẽ thay đổi bản chất ngành du lịch, trở thành ngành công nghiệp dịch vụ số.

Theo ông Kỳ, cần cơ cấu ngành du lịch đảm bảo phát triển theo đúng định hướng ngành kinh tế tổng hợp bao gồm các nhóm tiểu ngành. Kết nối các tiểu ngành bao gồm: vận chuyển, lữ hành, lưu trú, dịch vụ đồng bộ trở thành một chuỗi giá trị cung ứng với các nhóm nhỏ gồm vận chuyển, lưu trú, dịch vụ, lữ hành…

XUÂN TIẾN

Tin mới