Theo chia sẻ của ông Kỳ, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trong tới ngành du lịch Việt Nam. Doanh nhân này chia sẻ, trong năm 2019, cả nước có 135.000 doanh nghiệp lưu trú với tổng cung 500.000 phòng. Toàn ngành du lịch khi đó đón 19 triệu lượt khách nước ngoài và 82 triệu lượt khách trong nước.
"Riêng Vietravel có 1 triệu lượt khách trong năm 2019, 64 văn phòng, 40 chi nhánh trong và ngoài nước. Doanh thu của chúng tôi khi đó từ 1,5 triệu USD/ngày đã trở về số 0 khi dịch bệnh xuất hiện", ông Kỳ cho hay.
"Chưa từng có ai trải qua khủng hoảng như vậy, chưa ai có kinh nghiệm, kể cả dịch SARS năm 2002 hay khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng không thể so sánh với tác động của Covid-19. Chúng tôi mất 10 ngày rơi vào tình trạng hoảng loạn", Chủ tịch Vietravel kể lại.
Theo Chủ tịch Vietravel, du lịch nội địa sẽ chỉ có thể phục hồi trong giai đoạn Tết Nguyên đán 2022. (Ảnh: Y Kiện)
Để sinh tồn trước tác động của dịch bệnh, ban lãnh đạo Vietravel đã buộc phải đưa doanh nghiệp vào trạng thái "ngủ đông tích cực". Ông Kỳ cho biết trong khi tối thiểu hóa hoạt động để giảm thiểu chi phí, Vietravel vẫn chủ động có những hoạt động để sẵn sàng trở lại nhanh nhất khi thị trường phục hồi.
"Chúng tôi nhìn nhận để phục hồi cần qua 4 giai đoạn là 'rã đông, khởi động, tăng tốc và về đích'. Hiện Vietravel đang ở giai đoạn khởi động vì giãn cách xã hội cũng chỉ vừa kết thúc vào tháng 10. Du lịch chỉ có thể quay trở lại vào dịp Tết Nguyên đán 2022 và chỉ có thể khôi phục du lịch nội địa", ông Kỳ nhận định.
Đồng tình với ông Kỳ, ông Đặng Tất Thắng - CEO của Bamboo Airways - cũng khẳng định hàng không và du lịch là hai ngành bị ảnh hưởng trực diện nhất vì dịch COVID-19.
Doanh thu Bamboo Airways cao điểm từ 2,5 - 3 triệu USD một ngày, trong khi chi phí vẫn ở mức khủng khiếp như vậy. Bamboo Airways cất cánh được 3 năm thì 2 năm gánh chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Ông Thắng nhận định Bamboo Airways có thể sinh tồn trong dịch như hiện nay là nhờ tầm nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp ngay từ khi dịch vừa bùng phát. "Ngay sau Tết Nguyên đán 2020, Bamboo Airways đã sớm đóng tất cả đường bay quốc tế, quay về thị trường nội địa trước cả khi có yêu cầu từ Chính phủ".
CEO của hãng bay này nhận định việc phản ứng nhanh đã giúp Bamboo Airways trở thành hãng hiếm hoi trên thế giới vẫn có tăng trưởng về đội bay trong dịch, từ 20 chiếc lên 30 chiếc, tăng trưởng thị phần từ 13% lên gần 20%.
Cũng theo ông Thắng, Bamboo Airways nhìn nhận thế giới sẽ chuyển sang xu hướng chung sống với dịch Covid-19 trong năm 2022 và hãng đã có sự chuẩn bị để mở rộng mạng bay quốc tế trong thời gian tới với đường bay thẳng Việt - Mỹ, Việt - Anh và tới đây là đường bay thẳng Việt - Đức.
"Tin vui mới là Bộ GTVT đã đồng ý người nhập cảnh vào Việt Nam có xét nghiệm âm tính sẽ không cần đi cách ly tập trung nữa. Đây sẽ là cánh cửa để chúng tôi mở lại các đường bay quốc tế và đón đầu xu thế", theo ông Thắng.
Còn theo ông Trần Xuân Ngọc - Tổng giám đốc Nam Long Group - vấn đề đầu tiên mà doanh nghiệp phải đương đầu khi dịch bệnh xuất hiện là cân nhắc chi phí lương cho người lao động. "Chúng tôi đã quyết định gồng mình, nếu dịch bệnh có thể chấm dứt sau 3 tháng thì 3 tháng đầu tiên đó chúng tôi sẽ cố gắng giữ nguyên thu nhập cho người lao động", ông Ngọc chia sẻ.
Tổng giám đốc Nam Long Group cũng cho biết trong quá trình thu mình chống dịch, doanh nghiệp đã tranh thủ để giải quyết những khúc mắc về thiết kế, về pháp lý nhằm trở lại mạnh mẽ nhất sau giai đoạn giãn cách xã hội.
Ông Bruce Delteil - giám đốc hợp danh, đại diện McKinsey & Company Việt Nam - chia sẻ nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam sau dịch. (Ảnh: Forbes Việt Nam)
Cũng tại diễn đàn, ông Bruce Delteil - Giám đốc hợp danh công ty McKinsey & Company Việt Nam - đã chia sẻ góc nhìn tương lai về nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch.
Theo ông Delteil, có thể thấy các ngành sản xuất chậm lại, các nhà đầu tư chần chừ khi phong tỏa xảy ra. Nhưng bên cạnh đó có những yếu tố lạc quan như tỉ lệ tiêm chủng ngày càng cao và các khu cách ly, phong tỏa giảm.
"Khi nhìn lại một năm trước và nhìn về năm 2022, McKinsey & Company Việt Nam nhìn thấy những kịch bản phục hồi khác nhau. Các kịch bản xây dựng dựa trên việc quốc gia kiểm soát Covid-19 như thế nào. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam giảm sút nhưng chúng tôi tin sau đó sẽ phục hồi mạnh mẽ. Điều đó có nghĩa dự báo GDP sẽ tăng trưởng dương vào năm tới", chuyên gia này nhận định.
Cũng theo ông Delteil, xét về cấu trúc nền kinh tế, những ngành đang tăng trưởng ở cấp số nhân có thể kể là chứng khoán và thương mại điện tử. Về hoạt động đầu tư, chuyên gia này cho rằng câu hỏi là các nhà đầu tư có tiếp tục đầu tư các dự án như trước khi đại dịch xảy ra như dự định hay không. "Chúng tôi đánh giá viễn cảnh này tương đối khả quan dù có thận trọng", ông Delteil cho hay.