Thế nhưng, suốt 3 tuần qua, chàng trai 22 tuổi không dám bước chân ra khỏi nhà ở Vũ Hán, Trung Quốc – nơi tâm dịch hiện bị cách ly để phòng sự lây lan của Covid-19.
Ngay cả khi Xu có thể ra khỏi nhà thì Mỹ - nơi cậu theo học trong suốt 4,5 năm qua – cũng không cho phép cậu trở lại.
Cách đó hơn 1.000 km, ở Bắc Kinh, Alex (đã đổi tên) cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Cô dành suốt 2 tuần qua để nhốt mình trong nhà. Alex lo lắng sẽ không kịp bay đến Sydney để bắt đầu chương trình học vào cuối tháng này. Rất có thể, cô sẽ phải nhận bằng muộn hơn một học kỳ so với dự kiến.
Khi Covid-19 bùng phát, hơn 60 quốc gia ra lệnh hạn chế đi lại với công dân Trung Quốc. Cả Úc và Mỹ đưa ra lệnh cấm tạm thời đối với công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó.
Như vậy, không chỉ riêng Xu Mingxi hay Alex, rất nhiều sinh viên Trung Quốc khác đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Năm 2017, ước tính có khoảng 900.000 sinh viên Trung Quốc đi du học. Khoảng một nửa trong số đó đến Mỹ hoặc Úc, đóng góp hàng tỷ đô la cho nền kinh tế những nước này. Nhưng việc chính phủ ra “lệnh cấm” khiến các quốc gia này chịu thiệt hại lớn về kinh tế.
“Sự bùng phát của Covid-19 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán khiến nhiều sinh viên Trung Quốc bị mắc kẹt không thể trở lại Úc học tập. Đây có lẽ là khủng hoảng lớn nhất đối với giáo dục quốc tế của Úc”, GS Andrew Norton, Giám đốc Chương trình Giáo dục đại học tại Học viện Grattan nói.
Một người đàn ông đeo khẩu trang khi đi bộ ở Vũ Hán vào ngày 13/2.
Ban đầu với Xu Mingxi, đây chỉ là một kỳ nghỉ Tết như thường lệ. Cậu vẫn đi gặp bạn bè ở Vũ Hán và đến các quán ăn. Sự bùng phát của virus nCoV dường như không phải là vấn đề quá lớn. Chàng trai 22 tuổi vẫn đeo khẩu trang và tránh những khu vực xung quanh chợ hải sản – nơi chỉ cách nhà vài km.
Ngày 23/1, đêm trước khi chuẩn bị bay về New York, Xu nhận được tin chính quyền Vũ Hán tuyên bố “khóa chặt” thành phố. Dù vẫn còn thời gian để rời đi nhưng cậu quyết ở lại vì nghĩ, việc đóng cửa thành phố sẽ không kéo dài quá lâu.
Ngày 27/1, chương trình sau đại học của Xu Mingxi bắt đầu trở lại. Đến ngày 31/1, Mỹ tuyên bố cấm mọi công dân nước ngoài từ Trung Quốc bay tới quốc gia này.
Xu Mingxi nhận được thông báo cậu có thể tham gia các lớp học từ xa. Nhưng việc phải trả tới 62.000 USD/ năm cho khóa học đã buộc cậu phải trì hoãn lại việc tốt nghiệp trong vòng 6 tháng nữa.
Trung Quốc là quốc gia có nhiều sinh viên tới Mỹ và Úc.
Tương tự, tại Đại học Sydney - nơi Alex đang theo học - cũng hỗ trợ sinh viên có thể học từ xa, bắt đầu học kỳ muộn vài tuần hoặc sẽ phải trì hoãn việc lấy bằng. Alex quyết định chi trả khoảng 30.280 USD/ năm cho việc học từ xa – nhiều hơn các sinh viên địa phương cho hình thức này.
Khi Úc áp đặt lệnh cấm kể từ ngày 1/2, thời điểm đó có 80 người Trung Quốc quá cảnh, bao gồm 47 sinh viên. Ủy viên Lực lượng Biên phòng Úc, ông Michael Outram cho biết, 18 người quyết định quay trở lại Trung Quốc, trong khi những người khác bị cách ly 14 ngày.
David, một sinh viên 24 tuổi đang theo học ngành Kỹ thuật tại Đại học Sydney cho rằng, hành động của chính phủ Úc khiến cậu cảm thấy “hoàn toàn bị lãng quên”.
“Tôi là người đã đóng thuế, tôi tham gia vào xã hội và hiến máu. Sau tất cả những điều đó, tôi vẫn không được coi là một phần của xã hội này”.
Người biểu tình giơ bảng hiệu chống lại lệnh cấm với du khách nước ngoài đến từ Trung Quốc tại Sydney.
Nếu hàng ngàn sinh viên không thể tham gia kỳ học tới, điều đó đồng nghĩa với việc các trường đại học ở Úc và Mỹ sẽ mất đi hàng tỷ đô la.
Tại Úc, 23,3% tổng doanh thu của các trường đại học trong năm 2017 đều đến từ sinh viên Trung Quốc. Sinh viên Trung Quốc cũng chiếm hơn 38% tổng số sinh viên quốc tế tại quốc gia này vào năm 2018. Tổng cộng, giáo dục quốc tế đã đóng góp 25 tỷ USD cho nền kinh tế Úc trong năm 2018-2019.
Tại Mỹ, sinh viên Trung Quốc cũng đóng góp 14,9 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2018, theo dữ liệu của chính phủ.
GS Andrew Norton tin rằng, hầu hết sinh viên Trung Quốc tại Úc sẽ phải trì hoãn việc học ít nhất 3 tháng đến một học kỳ. Điều đó có nghĩa, trong thời gian ngắn, các trường đại học ở Úc sẽ phải đối mặt với việc mất đi khoảng 2-3 tỷ USD từ việc sinh viên không đến lớp.
“Chính phủ cũng nhận ra những thiệt hại kinh tế này đối với các trường đại học và những nhà cung cấp dịch vụ”, GS Norton cho hay.
Không chỉ Mỹ hay Úc, tại Hàn Quốc – nơi có 70.000 sinh viên Trung Quốc theo học sẽ bắt đầu học kỳ mới vào tháng 3. Tuy nhiên, một số trường đại học đã phải trì hoãn việc bắt đầu học kỳ hai tuần vì virus corona.
Các chuyên gia dự đoán, tác động kinh tế do Covid-19 gây ra có thể còn lớn hơn so với dịch SARS 2003 trước đó.
Mặt khác, nếu nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, cha mẹ Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc việc cho con cái đi du học nước ngoài.
“Khi chất lượng các trường học tại Trung Quốc tiếp tục cải thiện, việc học tập tại chính đất nước mình cũng là một sự lựa chọn hấp dẫn với nhiều phụ huynh”, Choudah, chuyên gia giáo dục đại học cho biết.