Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất xem xét chủ trương dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê do CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với các lý do như báo cáo tác động môi trường được phê duyệt cách đây 4 năm hiện không còn phù hợp thực tế triển khai, năng lực tài chính của TIC sẽ không đáp ứng được nhu cầu vốn của Tổ hợp dự án theo tiến độ triển khai; đầu ra của sản phẩm “về dài hạn chưa chắc chắn”…
Mới đây, Bộ Công Thương đã có cuộc họp và trả lời về đề xuất trên.
Bộ KHĐT đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê vì các tác động xấu đến môi trường và tính khả thi của dự án
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập các Hội đồng thẩm định, gồm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khai thác mỏ, bảo vệ môi trường, biển đảo, trong đó có các chuyên gia do VUSTA, Uỷ ban Khoa học Công nghệ môi trường Quốc hội, đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh tham gia.
Hội đồng đã có những nhận định: “Đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện, phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam”.
Video: Công ty thép Formosa xin lỗi người dân Việt Nam vì gây ra thảm họa môi trường
Vấn đề về môi trường, theo Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng các giải pháp của chủ đầu tư đưa ra để giải quyết là phù hợp theo từng giai đoạn.
Về hiệu quả kinh tế, Bộ Công Thương cho biết, dự án có hiệu quả là khả thi. Về năng lực tài chính của chủ đầu tư và tính khả thi trong việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho rằng khi dự án được khởi động lại hoàn toàn có thể đáp ứng, Bộ Công Thương đã nêu rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tháng 2/2017.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết, phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác..