Chiều 7/4, tại Hội nghị giao ban, cung cấp thông tin báo chí, tỉnh Lâm Đồng đã cho biết thời gian dự kiến khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý 3 năm 2023. .
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP tại quyết định vào năm 2022.
Tuyến cao tốc dài khoảng 66km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11km; đi qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.200 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn sở hữu các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng.
Dự án thuộc nhóm A do UBND tỉnh làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư dự án gồm Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh), Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung.
Quốc lộ 20 qua huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), nơi có dự án cao tốc đi qua. (Ảnh: Võ Anh)
Dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn 1, cao tốc Tân Phúc - Bảo Lộc nền đường rộng 17m, 4 làn xe, có các điểm dừng khẩn cấp không liên tục với khoảng cách 4-5km/vị trí, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Ở giai đoạn 2, đầu tư hoàn thiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, chiều rộng 22m, 4 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục, dự kiến thực hiện sau năm 2035.
Tại hội nghị, ông Lê Quỳnh Mai (Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả) cho biết, doanh nghiệp đã triển khai việc khảo sát địa hình, địa chất, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cũng như bố trí nguồn vốn. Hiện tại, các địa phương nơi tuyến cao tốc đi qua đã thống nhất hướng tuyến, vị trí giao cắt, nút giao, hầm chui, đường gom dân sinh… Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đã hoàn thành.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả thông tin dự án cao tốc tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Ngọc)
Theo dự kiến, trong quý 3 năm nay, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hoàn thành, trình phê duyệt. Trên cơ sở đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ xem xét, dự kiến khởi công dự án vào tháng 9/2023.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt, dài 208km, quy mô 4 làn xe. Công trình sẽ góp phần tạo động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung thông qua kết nối thuận lợi các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp trong khu vực.