Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Đột quỵ Hoa Kỳ, có khoảng 15% người bị đột quỵ có độ tuổi dao động từ 18 đến 45 tuổi. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này, hãy cùng bác sĩ Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tìm hiểu về khái niệm, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh Đột quỵ ở người trẻ.
Theo bác sĩ Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là bệnh lý thần kinh vô cùng nguy hiểm. Bệnh xảy ra khi quá trình vận chuyển nguồn máu cung cấp cho não đột ngột tắc nghẽn hoặc suy yếu. Khi não không có đủ oxy, các tế bào não sẽ bắt đầu chết trong vòng vài phút. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Bác sĩ Cường cho biết, FAST là cụm từ được nhiều tổ chức trên thế giới sử dụng để nói về các dấu hiệu cho thấy một người bị đột quỵ. “FAST” có nghĩa là nhanh chóng, viết tắt cho 4 chữ Face (Khuôn mặt), Arm (Cánh tay), Speech (Lời nói) và Time (Thời gian).
Khuôn mặt: Mặt méo là dấu hiệu dễ dàng để nhận ra. Trong khoảng vài giờ đồng hồ, khuôn mặt bệnh nhân đột nhiên bị méo một bên. Chẳng hạn như mi mắp sụp một bên, miệng méo sang một bên,...
Cánh tay: Tay hoặc chân bị liệt bên nửa người. Chẳng hạn như tay hoặc chân di chuyển kém hoặc không nhấc lên được.
Lời nói: Đột ngột nói đớ đi hoặc “á khẩu” trong khi đang nói chuyện.
Thời gian: Hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời khi có một trong những dấu hiệu trên.
Theo bác sĩ Trần Chí Cường, hiện nay tại Việt Nam, số ca đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng một cách đột ngột với số lượng bệnh nhân đột quỵ dưới 45 tuổi xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là sau dịch Covid. Bác sĩ còn chia sẻ một số ca đột quỵ trẻ mà mình đã từng điều trị. Trong đó, có trường hợp một bác sĩ trẻ 31 tuổi bị đột quỵ trong lúc khám bệnh hay thậm chí còn có trường hợp một bé trai 4 tuổi bị đột quỵ do xuất huyết não. Chính vì vậy, tuyệt đối không nên chủ quan vì đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng và không loại trừ bất kể một ai.
Hai nguyên nhân chủ yếu gây ra đột quỵ gồm xuất huyết não và nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu não). Trong đó, tắc nghẽn mạch máu não hay nhồi máu não chiếm 80% và xuất huyết não chiếm 20%. Phần lớn các trường hợp đột quỵ trẻ là do xuất huyết não nhiều hơn.
Do lối sống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...
Do dị tật, dị dạng trong hệ thống mạch máu não.
Người bị các vấn đề liên quan đến tim mạch, bị tiểu đường.
Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim.
Đột quỵ sẽ có thể dẫn đến tử vong, nhưng trong vài trường hợp may mắn còn sống thì đột quỵ cũng để lại rất nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của bệnh nhân.
Hầu hết các ca đột quỵ do nhồi máu não sẽ được giải quyết rất tốt. Ngoài ra, còn tùy thuộc rất nhiều vào thời điểm mà bệnh nhân tiếp cận phương pháp điều trị. Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng đều có thể điều trị đột quỵ như nhau, sẽ có sự khác biệt từ khâu chẩn đoán, sử dụng thuốc đến việc can thiệp sâu.
Trên thực tế, rất khó để cam kết được rằng 100% bệnh nhân sau đột quỵ sẽ được cứu sống mà có khoảng 30% đến 50% bệnh nhân sẽ có những di chứng sau đột quỵ với các mức độ khác nhau. Một số di chứng điển hình như: đi lại bằng nạng do yếu toàn thân, không thể nói được, không thể tự sinh hoạt được,...
Bác sĩ Trần Chí Cường chia sẻ, nhờ trình độ y học hiện đại, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị đột quỵ. Để chẩn đoán đột quỵ sớm, cần dựa vào hai nhóm bệnh nhân điều trị đột quỵ sau:
Đối với trường hợp tắc nghẽn mạch máu nhỏ: bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tan máu đông. Đây là một loại thuốc đặc biệt được gọi là thuốc tiêu sợi huyết rTPA. Sau khi tiêm, tỷ lệ thành công có thể lên tới 70% - 80%.
Đối với trường hợp tắc nghẽn mạch máu lớn: bệnh nhân sẽ được can thiệp nội mạch bằng máy DHA để tái thông mạch máu nhằm kéo cục máu đông hoặc cục huyết khối ra ngoài.
Đối với trường hợp bệnh nhân bị vỡ mạch máu não thì sẽ tùy thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây ra xuất huyết.
Do tăng huyết áp: điều trị kiểm soát huyết áp.
Do cục máu bầm quá lớn, đè ép cái vùng não lành: phẫu thuật lấy máu tụ.
Do bị vỡ phình mạch máu não: điều trị bằng phương pháp cầm máu.
Nhờ những phương pháp điều trị hiện đại, khoảng 80% các trường hợp đột quỵ có thể được giải quyết. Dù vậy 20% bệnh nhân đột quỵ có thể đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc là tàn phế nặng tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như là thời điểm mà bệnh nhân được đưa đi cấp cứu.
Theo chia sẻ của bác sĩ Cường, do sự chủ quan và ít quan tâm đến sức khỏe cũng như không biết cách nhận diện “yếu tố nguy cơ” nên tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là do lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Để giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ, bạn nên:
Hình thành một lối sống lành mạnh.
Thường xuyên tập thể dục thể thao.
Tránh xa các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
Tạo chế độ ăn hợp lý và có lợi cho sức khỏe như tăng cường việc ăn rau xanh, hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Tránh tình trạng áp lực, căn thẳng từ công việc.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa và được điều trị sớm nhất có thể.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính vô cùng nguy hiểm, gây tử vong và tàn phế nghiêm trọng đến người bệnh. Chính vì vậy, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, tuyệt đối không được chủ quan cũng như phải biết cách phòng ngừa và đi khám ngay lập tức nếu xuất hiện bất kỳ những dấu hiệu về đột quỵ kể trên.