Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Động thái lạ của nhóm 'Bông hồng đen' khi tự ý lấy máu học sinh ở Hải Phòng

Theo lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, nhóm 'Bông hồng đen' đã tồn tại, hoạt động từ lâu.

Ngày 20/8, liên quan thông tin nhóm Bông hồng đen ở Hải Phòng tự ý lấy máu xét nghiệm cho hơn 200 người, trong đó có nhiều học sinh, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết ngay khi có thông tin ban đầu qua báo chí, ngày 19/8 lãnh đạo cục này đã gọi điện ngay cho Hải Phòng để nghe báo cáo sơ bộ qua điện thoại, sau đó gửi công văn đề nghị Sở Y tế Hải Phòng báo cáo chi tiết. 

Công văn được gửi sáng 20/8, đề nghị Sở Y tế Hải Phòng báo cáo, giải trình, làm rõ các nội dung liên quan tổ chức thực hiện, nhóm được hình thành triển khai theo dự án nào; tình hình triển khai xét nghiệm cho các học sinh, đánh giá việc tuân thủ quy định về xét nghiệm tại cộng đồng…

Bà Đ.T.U, 52 tuổi, đại diện nhóm Bông hồng đen. 

"Nhóm này tồn tại, hoạt động đã lâu"

Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết qua báo cáo sơ bộ của Hải Phòng, nhóm Bông hồng đen đã tồn tại từ lâu, có nhiều hoạt động cộng đồng trong truyền thông, phòng chống HIV/AIDS, phát hiện người nhiễm, chuyển tuyến điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao… trong một dự án của VUSTA (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).

"Vừa qua, họ cũng nhận triển khai một hoạt động dự án của Pháp có nội dung liên quan ngăn chặn lây nhiễm HIV cho người trẻ tuổi trong nhóm người sử dụng ma túy", ông Sơn thông tin. 

Theo bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, quy định điều kiện để thành lập các tổ chức cộng đồng, hướng dẫn hoạt động đã có đầy đủ, "không phải ai muốn thành lập cũng được và phải thực hiện đúng quy định", phải có giấy phép với đầy đủ chức năng phạm vi hoạt động và báo cáo chính quyền địa phương.

Ví dụ, tổ chức cộng đồng về HIV, các cán bộ thực hiện phải được đào tạo, cấp chứng chỉ, tập huấn bài bản; sinh phẩm có đúng hay không, nguồn gốc ra sao, chất lượng hay không, hay sinh phẩm tự mua trôi nổi, không được cấp số đăng ký lưu hành… Việc nhóm chưa báo cáo chính quyền địa phương, theo bà Hương là "hơi lạ".

Có nên lo lắng nguy cơ phơi nhiễm HIV sau khi lấy máu xét nghiệm?

Theo luật mới, tất cả mọi người đều có thể được tư vấn về phòng chống lây nhiễm HIV, nhưng nếu muốn lấy mẫu xét nghiệm, với trẻ từ 15 tuổi trở xuống cần sự đồng ý, cam kết bằng văn bản của người giám hộ. 

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011; có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20, thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học, đều là những yếu tố nguy cơ gia tăng số ca nhiễm HIV ở học sinh, sinh viên. Thực tế, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm. Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet liên quan việc Cục Phòng chống HIV/AIDS có chỉ đạo khám sức khỏe lại cho các trường hợp đã được nhóm Bông hồng đen lấy máu xét nghiệm hay không, theo ông Võ Hải Sơn, nếu chỉ chích nhẹ, lấy mẫu máu dưới da đầu ngón tay rồi đưa vào test kit xét nghiệm thì "nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm là không có".  

“Vấn đề chúng tôi lo lắng là các cháu học sinh có được tư vấn đầy đủ, chính xác hay không”, ông Hải Sơn nói.

Việc truyền thông, tư vấn cho người dưới 15 tuổi, có nguy cơ cao, thuộc nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM) về nguy cơ lây nhiễm HIV và cần xét nghiệm HIV rất quan trọng, cần làm càng sớm càng tốt. Nhưng việc tư vấn cần phải giúp trẻ bộc lộ trẻ là MSM, thuyết phục cha mẹ đồng ý để trẻ được xét nghiệm. Vị cục phó cũng bày tỏ quan ngại liệu nhóm người này có "làm liều" khi tự ý lấy mẫu xét nghiệm HIV của học sinh khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ hay không. 

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới