Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện đồng thời của hải quân hai nước này ở Ấn Độ-Thái Bình Dương nêu bật nguy cơ xung đột giữa các cường quốc khi Bắc Kinh tiếp tục khẳng định các yêu sách chủ quyền và Washington tập trung chiến lược chống lại Trung Quốc.
Diễn biến mới này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Manila vẫn đang tranh cãi về sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines khẳng định các tàu này do dân quân điều khiển trong khi Trung Quốc một mực nói đây chỉ là tàu đánh cá.
Hôm 5/4, Bộ Ngoại giao Philippines nói tuyên bố của Trung Quốc rằng các tàu nước này đang trú ẩn do thời tiết xấu là sai sự thật và tường thuật sai trái về các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Căng thẳng khu vực gia tăng sau sự hiện diện bất thường của hàng trăm tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu. (Ảnh: AP)
Manila đồng thời bác bỏ khẳng định của Bắc Kinh rằng bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa là ngư trường truyền thống của Trung Quốc và một lần nữa yêu cầu các tàu thuyền rời khỏi khu vực.
Mỹ, Nhật Bản, Indonesia cũng đang gia tăng sức ép lên Trung Quốc.
Hôm 4/4, nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ do USS Theodore Roosevelt dẫn đầu tiến vào Biển Đông từ eo biển Malacca.
Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI, trụ sở ở Bắc Kinh) cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ cũng đang hoạt động ở biển Hoa Đông và tiến sát sông Dương Tử của Trung Quốc hôm 3/4.
Cùng ngày, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua eo biển Miyako ngoài khơi phía Tây Nam Nhật Bản. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thúc giục Nhật Bản “dừng mọi động thái khiêu khích” đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.
Tokyo trước đó nhiều lần bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh mà Trung Quốc thông qua hồi tháng 1, cho phép hải cảnh này bắn các tàu nước ngoài được coi là xâm phạm bất hợp pháp các vùng biển của Trung Quốc.
Căng thẳng cũng gia tăng ở khu vực Đài Loan. Hôm 5/4, 10 chiến cơ Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc bay gần hòn đảo này trong hai ngày trước đó.
Mỹ tiến hành nhiều cuộc tập trận với đồng minh trong khu vực vào tuần trước. Trong số này bao gồm cuộc diễn tập với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, với Australia ở phía đông Thái Bình Dương và với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Ben Schreer, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie (Australia) nhận định việc tàu sân bay Mỹ đi qua Biển Đông là để nhằm chống lại các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Nó cũng báo hiệu cho các đồng minh, chẳng hạn như Philippines, rằng Washington là một “đồng minh hiệp ước đáng tin cậy và có năng lực".
Đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay do USS Theodore Roosevelt dẫn đầu. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Trong khi đó, Trung Quốc dường như muốn thể hiện tham vọng của mình trong việc bảo vệ những gì họ coi là lợi ích lãnh thổ cốt lõi của mình thông qua cuộc tuần tra của Liêu Ninh ở Biển Hoa Đông.
“Đó là một tín hiệu cho Nhật Bản, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển khả năng tác chiến tàu sân bay mặc dù vẫn chưa đạt được điều này ở hiện tại”, Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho hay.
Theo ông Collin, Washington đang phát đi tín hiệu rằng họ cam kết duy trì sự hiện diện quân sự đáng tin cậy trong khu vực với các đồng minh và tìm cách ngăn cản Bắc Kinh có “bất kỳ hành động quyết liệt nào” ở đá Ba Đầu.
Năm 2020, Mỹ cũng thực hiện nhiều cuộc tập trận khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia gia tăng ở Biển Đông.
Ông Collin cho biết hoạt động của hải quân Trung Quốc trong khu vực gần đây một phần là để nhấn mạnh "khả năng hoạt động chống lại sự ngăn cản do Mỹ dẫn đầu đối với các lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Singapore lo ngại sự hiện diện đông đúc của các tàu tại các vùng biển trong khu vực có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ ngẫu nhiên.
Xue Chen, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải đồng tình với quan điểm này. Xue cho rằng có thể phát sinh lỗi con người trong các tình huống căng thẳng cao độ. Ông này cũng lưu ý, không quân và hải quân Mỹ đã tăng tần suất và quy mô hoạt động ở Biển Đông, biển Hoa Đông và đang tiến gần hơn đến lãnh thổ Trung Quốc.
Cũng theo Xue, sự hiện diện của USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông dường như là một thông điệp gửi đến Trung Quốc. Dù vậy, ông không cho rằng nó có liên quan tới sự vụ gần đây ở đá Ba Đầu.