Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khả năng ‘soán ngôi’ hải quân Mỹ nhìn từ tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc

(VTC News) -

Năm 2021, tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc sẽ được đưa vào hoạt động, trong khi tàu sân bay thứ 4 có khả năng được hạ thủy.

9 năm trước, Hải quân Trung Quốc (PLAN) chưa từng vận hành một tàu sân bay nào. Tuy nhiên, từ những năm 1980, PLAN đã bắt đầu thể hiện tham vọng tiến xa hơn.

Tham vọng tàu sân bay

Trong khoảng năm 1982 đến năm 1997, Đô đốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing), với tư cách là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đưa ra kỳ vọng vào năm 2000 Trung Quốc sẽ khởi động một lực lượng hải quân “cận duyên” (green-water, chủ yếu hoạt động ven bờ) có khả năng bảo vệ lãnh hải, và đến năm 2010 là một lực lượng hải quân “viễn dương” (blue-water, hoạt động ở các vùng biển xa) có thể thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên tham vọng toàn cầu của nước này bị trì hoãn do không đủ kinh phí và thiếu bí quyết chế tạo tàu sân bay đúng cách, theo Aerotime.

Tàu sân bay Sơn Đông. (Ảnh: Tyg728)

Năm 1985, Trung Quốc có những nỗ lực đầu tiên trong việc thiết kế lại tàu khi mua lại HMAS Melbourne, một tàu sân bay hạng nhẹ của Australia, phục vụ lần đầu trong Hải quân Hoàng gia Anh. Tuy nhiên cuối cùng tàu này bị bỏ.

Sau khi Liên Xô tan rã, các tàu Liên Xô gia nhập thị trường. Các tàu sân bay hạng nặng Minsk và Kiev lần lượt được Trung Quốc mua lại vào năm 1998 và 2000. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng cuối cùng trở thành điểm du lịch dành cho khách tham quan.

Năm 1998, Varyag, tàu chị em của tàu Hải quân Nga Admiral Kuznetsov, được một công ty có trụ sở tại Ma Cao mua lại từ Ukraine. Không giống như ba thương vụ mua lại trước đó, Varyag đang đóng dở, mới chỉ hoàn thành khoảng 70% khi được kéo từ bến cảng ở Biển Đen đến nhà máy đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, trên bờ biển phía Bắc Trung Quốc.

Sau khoảng 10 năm sửa chữa cải tạo, tàu được đổi tên thành Liêu Ninh và cuối cùng được PLAN đưa vào hoạt động vào năm 2012. Được chỉ định là Type 001, nó có khả năng chở 40 máy bay, bao gồm một nhóm tác chiến 26 máy bay chiến đấu J-15 (phiên bản Trung Quốc của Su-33 Nga).

Tiếp theo là tàu Sơn Đông (Type 002) vào năm 2018. Mặc dù có những điểm tương đồng, tàu sân bay thứ hai này dài hơn 10 mét và rộng hơn bốn mét so với tàu đầu tiên. Thiết kế của nó không hẳn là bản địa, nhưng nó là tàu sân bay đầu tiên được đóng hoàn toàn ở Trung Quốc.

Một mẫu tàu sân bay mới, Type 003, đang được triển khai. Vào tháng 10/2019, sau khi phân tích hình ảnh vệ tinh do Airbus cung cấp, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ xác định rằng tàu sân bay thứ ba này sẽ lớn hơn những tàu trước và do đó có thể có boong phẳng và hệ thống phóng điện từ, cho phép vận hành máy bay nặng hơn. Con tàu có thể được hạ thủy cuối năm 2021, đưa vào hoạt động năm 2025.

Tàu sân bay Liêu Ninh. (Ảnh: AP)

“Năm 2021 là một năm đầy kỳ vọng với sự ra mắt của tàu sân bay Type 003 và cả máy bay ném bom H-20”, chuyên gia quân sự kiêm nhà bình luận Trung Quốc Song Zhongping nhận xét trên kênh CCTV. Xian H-20 là máy bay ném bom chiến lược tàng hình có khả năng mang tên lửa siêu thanh trên quãng đường 8.000 km.

Tờ SCMP đưa tin rằng một tàu chị em khác thuộc lớp Type 003 có thể được đưa vào khảo sát tại xưởng năm 2021. Một loại tàu sân bay mới (có thể là Type 004), chạy bằng năng lượng hạt nhân, được cho là đang được nghiên cứu.

Số lượng chính xác tàu sân bay sẽ được quân đội Trung Quốc vận hành vẫn chưa được xác nhận. Một số ước tính cho rằng Trung Quốc có thể vận hành một hạm đội 6 tàu sân bay vào năm 2030, vẫn đứng sau Hải quân Mỹ với 11 tàu sân bay.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Kể từ năm 2012, PLAN đã tăng hơn gấp đôi trọng tải tàu của mình và vào tháng 9/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo rằng hải quân Mỹ đã bị vượt qua. Bộ cho biết: “Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với lực lượng chiến đấu tổng thể khoảng 350 tàu và tàu ngầm, bao gồm hơn 130 tàu chủ lực tác chiến mặt nước". Lực lượng chiến đấu của Hải quân Mỹ là khoảng 293 tàu vào năm 2020.

Một phép so sánh khác, cứ 4 năm Trung Quốc lại tung lực lượng tương đương với 118 tàu mạnh của Hải quân Pháp, theo ghi nhận của Tham mưu trưởng, Đô đốc hải quân Pháp Pierre Vandier trước quốc hội. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu thủy thủ để điều khiển những con tàu hoàn toàn mới của mình.

Tàu sân bay Trung Quốc mang những gì?

Để PLAN bảo vệ các vùng biển gần, chưa nói đến việc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, các tàu sân bay của họ cần vận hành nền tảng vũ khí tối tân. Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc hầu như không có bất kỳ tàu sân bay nào đủ khả năng đối đầu với các đối thủ, theo Aerotime.

Máy bay chiến đấu duy nhất của Trung Quốc có thể hoạt động từ tàu sân bay đến nay là Shenyang J-15. Là phiên bản địa phương của Sukhoi Su-33 Nga, dựa trên Su-27 được thiết kế vào những năm 1980, máy bay này khó có cơ hội chống lại F-35C của Hải quân Mỹ, F35B của Hải quân Hoàng gia Anh, hay Rafale Marine của Hải quân Pháp.

Máy bay Shenyang FC-31. (Ảnh: Danny Yu)

Do đó, Trung Quốc hiện đang nghiên cứu việc chuyển đổi một trong những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của nước này sang máy bay có khả năng hoạt động trên tàu sân bay. Shenyang FC-31 “Gyrfalcon” và Chengdu J-20 “Mighty Dragon” đang được xem xét. Nhẹ hơn và nhỏ hơn J-20, FC-31 có vẻ phù hợp hơn với tàu sân bay. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đi vào hoạt động và chứng minh khả năng của mình.

Vào ngày 8/9/2020, hình ảnh một nguyên mẫu nâng cấp của Gyrfalcon xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, có vẻ ám chỉ rằng thành phố Thẩm Dương vẫn đang tích cực làm việc về các máy bay. Ngoài ra, một máy bay chiến đấu có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STVOL) đang được nghiên cứu tại Thành Đô, theo China Daily.

Nhóm tác chiến tàu sân bay không chỉ bao gồm máy bay chiến đấu, vì còn cần thực hiện các nhiệm vụ quan sát. Do đó, việc có máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) là điều cần thiết. Đối với vai trò này, hầu hết các quốc gia sở hữu tàu sân bay đều sử dụng trực thăng như Westland Sea King, ngoại trừ Mỹ và Pháp. Hải quân của họ sử dụng máy bay cánh cố định Grumman E-2 Hawkeye.

Trung Quốc cũng có thể sớm gia nhập “câu lạc bộ” này. Vào năm 2018, nhà sản xuất Xian xác nhận việc phát triển máy bay AEW. Hai năm sau, vào tháng 8/2020, KJ-600 cất cánh lần đầu tiên. Máy bay này có nét tương đồng nổi bật với Hawkeye, sẽ được trang bị radar loại AESA (mảng pha điện tử chủ động). Các nhà phân tích nhiệt tình của Trung Quốc cho rằng chúng sẽ có khả năng phát hiện các máy bay tàng hình như F-35, do Hải quân Mỹ, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc vận hành. Máy bay dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2022 đến năm 2025.

(Ảnh minh họa)

Phần chìm của tảng băng

Thoạt nhìn, có thể dễ dàng cho rằng PLAN đang chạy đua để "soán ngôi" của Hải quân Mỹ. Nhiều thập kỷ công nghệ tân tiến khiến phương Tây quen với việc Trung Quốc sao chép những gì hiệu quả từ các đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc có thể không thể hiện rõ ràng như các thiết kế. Trong báo cáo về quá trình hiện đại hóa của PLAN, chuyên gia về các vấn đề hải quân Ronald O'Rourke lập luận rằng khó có kịch bản để khi xung đột cường độ cao giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ xảy ra, Trung Quốc giành được chiến thắng.

Thế nên nhiều khả năng Trung Quốc đang sử dụng hình ảnh gắn liền với những con tàu đồ sộ cho cả những mục tiêu khác.

Việc bố trí một nhóm tác chiến tàu sân bay có thể truyền tải thông điệp chính trị mạnh mẽ. Vào tháng 8/2020, khi căng thẳng nóng lên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp về việc khai thác các nguồn tài nguyên hàng hải, Pháp đã cử tàu sân bay Charles de Gaulle sẵn sàng chiến đấu ở Đông Địa Trung Hải để thể hiện sự ủng hộ cho Athens. Gần đây hơn, vào ngày 24/1/2021, Hải quân Mỹ đã triển khai một nhóm tác chiến do tàu USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đến khu vực Biển Đông, thúc đẩy “tự do hàng hải, trấn an các đồng minh và đối tác”.

Hải quân Trung Quốc, vẫn là một hạm đội khu vực cách đây hai thập kỷ, hiện đã triển khai trên khắp thế giới. Các nhóm hải quân của PLAN xuất hiện ở bất cứ đâu mà Bắc Kinh cho là có lợi ích, từ Biển Đông đến Địa Trung Hải. Năm 2017, một đội tàu nhỏ của Trung Quốc thậm chí còn tham gia các cuộc tập trận ở Biển Baltic cùng với Hải quân Nga.

Với việc đóng tàu sân bay, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu củng cố vị thế chính trị của mình. Và trong khi không chủ động hướng đến một cuộc đối đầu với Hải quân Mỹ, nhưng PLAN chắc chắn đang cố gắng đưa ra những giải pháp hiện thực hóa tham vọng trên biển.

Hướng đi này, bên cạnh thể hiện sự đe dọa, cũng có thể giúp Trung Quốc nhắm đến các quan hệ đối tác quốc phòng mới.

Phương Anh (Nguồn: Aerotime)

Tin mới