Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dòng chảy phương Bắc 2 đang bị 'khai tử' vì xung đột Nga-Ukraine

(VTC News) -

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 – một dự án năng lượng khổng lồ với tổng kinh phí đầu tư 11 tỷ USD và mất nhiều năm để xây dựng cũng không tránh khỏi vạ lây.

Ngay cả trước khi chiến sự nổ ra, dự án đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi dài 1.234 km, được thiết kế để tăng gấp đôi dòng chảy khí đốt từ Nga đến Đức đã vấp phải nhiều rào cản lớn. Hiện giờ, nó trông giống như bị “khai tử”, một nhà phân tích nhận định.

“Chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài”

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được khởi công vào năm 2018, nhưng đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi tại châu Âu và Mỹ trước khi được hoàn thành vào tháng 9/2021. Đến tháng 11/2021, lại có thêm những trở ngại mới khi cơ quan quản lý năng lượng của Đức tạm thời dừng quá trình cấp phép vận hành đường ống. Động thái này diễn ra sau khi Nga triển khai hàng chục nghìn binh sỹ và khí tài quân sự dọc theo biên giới của Ukraine.

“Chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài” của Nord Stream 2 xuất hiện vào tháng 2/2022 khi Nga chính thức công nhận độc lập cho 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine. Điều đó đã khiến chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz đình chỉ hoàn toàn quá trình cấp giấy chứng nhận.

Dòng chảy phương Bắc 2. (Ảnh: Sputnik)

Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra sau đó đã đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng địa chính trị chưa từng có trong nhiều năm và khiến các dự án chung như Dòng chảy phương Bắc 2 cùng quan hệ đối tác kinh doanh giữa Nga với châu Âu đứng trên bờ vực.

Bà Kristine Berzina, thành viên cấp cao của Quỹ Marshall Đức ở Mỹ nhận định: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho Dòng chảy phương Bắc 2. Rất khó tưởng tượng Đức hoặc bất cứ quốc gia châu Âu nào sẽ quay đầu và cấp phép cho dự án sau hành động của Nga. Ngay cả các đường ống khác đang hoạt động cũng đối mặt với một tương lai u ám. Dòng chảy phương Bắc 2 đang bị đóng băng trong trạng thái không hoạt động. Ngoài việc đảm bảo an toàn và ổn định cho cấu trúc này tôi không thấy triển vọng về việc vận hành nó”.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU tuyên bố sẽ “thoát ly” năng lượng Nga với quyết định cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ nước này vào cuối năm 2022 và tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030. Đáp lại, Nga cảnh báo dừng xuất khẩu khí đốt sang các quốc gia “không thân thiện” nếu các khoản thanh toán không được thực hiện bằng đồng rúp. Tuy nhiên, nhóm G7 đã từ chối yêu cầu này.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, ngày càng có nhiều hoài nghi về tương lai của Dòng chảy phương Bắc 2. Kateryna Filippenko, nhà nghiên cứu khí đốt châu Âu tại Wood Mackenzie nhận định: “Chúng tôi không tin rằng Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được vận hành. Thái độ của châu Âu với khí đốt Nga hiện giờ rất khó đảo ngược và họ đang quyết tâm đa dạng hóa nguồn cung. Trong khi đó Nga lại cảnh báo ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Thật khó để thấy một triển vọng hợp tác giữa hai bên giúp tạo điều kiện bật đèn xanh cho dự án”.

Cuộc chiến sẽ quyết định tất cả

Đơn vị chủ quản của Dòng chảy phương Bắc 2 là Nord Stream 2 AG - công ty con của tập đoàn khí đốt khổng lồ Nga Gazprom, có trụ sở tại Thụy Sỹ. Tuy nhiên, dự án cũng được sự đồng tài trợ của một số công ty châu Âu khác như công ty dầu khí Wintershall Dea của Đức, công ty đa quốc gia về dầu, khí và hóa dầu của Áo OMV, công ty điện lực đa quốc gia Engie của Pháp và một công ty dầu khí đa quốc gia Shell plc của Anh.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp phương Tây ồ ạt rút khỏi Nga do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt, những công ty năng lượng liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 buộc phải chấp nhận thua lỗ lớn vì dự án này. Vào đầu tháng 3/2022, Wintershall Dea thông báo rằng họ sẽ xóa bỏ khoản tài trợ 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) cho đường ống. OMV cũng có động thái tương tự còn Shell thì rút khỏi dự án. Nord Stream 2 AG đang xem xét nộp đơn xin phá sản trong những ngày tới.

Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính ING (Hà Lan), cho rằng “dự án như đang chết chìm trong biển nước” và tương lai của nó luôn trong tình trạng lấp lửng. “Kế hoạch của EU muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào năm 2030 cho thấy, khí đốt tự nhiên khó có thể chảy qua đường ống này”.

Chuyên gia này đánh giá, Nord Stream 2 AG có thể cần phải chờ đợi xem liệu có bất cứ triển vọng nào đối với dự án sau khi chiến tranh kết thúc hay không. “Nếu không họ sẽ phải đưa ra quyết định từ bỏ hoặc thu hồi nó. Dù sao đi chăng nữa, thì đây vẫn là quyết định đầy tốn kém”.

Số phận của Dòng chảy phương Bắc 2 phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ kết thúc như thế nào. Có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét chẳng hạn như liệu Tổng thống Putin có đạt được các mục tiêu ông đặt ra hay không, liệu các bên có đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hay xung đột sẽ tiếp tục leo thang.

Nhiều người lo ngại rằng, đây sẽ là một cuộc chiến hao người tốn của mà không bên nào chiến thắng. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa hai bên nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình vẫn còn nhiều khó khăn.

Sơ đồ dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Vẫn có cơ hội hồi sinh

Một số nhà phân tích lưu ý, vẫn có những hy vọng mong manh đối với việc xoay chuyển số phận của Dòng chảy phương Bắc 2. Ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và nguồn tài nguyên tại Eurasia Group cho rằng: “Dự án này có thể không được cấp phép hoặc vận hành nếu cuộc chiến Ukraine không đi đến hồi kết”.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Kịch bản duy nhất cho sự hồi sinh chính là việc chính phủ Nga tiến hành cải tổ hoặc thay đổi quan điểm. Nhưng ngay cả khi đó, tôi vẫn cho rằng Đức sẽ không sẵn sàng chấp nhận dự án này ở dạng thức trước đây. Berlin có thể tìm cách biến nó thành một đường ống dẫn hydro. Nhưng điều này có vẻ hơi xa vời ở thời điểm hiện tại”.

Kristine Berzina, chuyên gia tại Quỹ Marshall của Mỹ cho biết, trong nhiều năm qua đã có những suy đoán về việc đường ống dẫn khí đốt của Dòng chảy phương Bắc 2 và các tuyến đường ống khác có thể được sử dụng để vận chuyển hydro trong tương lai và Nga sẽ là một nhà cung cấp tiềm năng cho năng lượng này.

“Vẫn còn phải xem xét liệu các nhà chính trị ở Đức có muốn khôi phục quan hệ với Nga bằng năng lượng thế hệ mới được khử carbon hay không? Nhưng liệu châu Âu có chấp nhận phụ thuộc vào Nga thêm một lần nữa? Bởi điều đó chắc chắn sẽ làm giàu cho nước Nga”, chuyên gia Kristine Berzina, lưu ý.

Hồng Anh (VOV.VN)

Tin mới