Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dòng chảy của tiền đang đổ về đâu?

(VTC News) -

Lãi suất tiền gửi giảm đã tác động mạnh mẽ các kênh đầu tư tài chính và dòng tiền đang dần chuyển hướng đến trái phiếu, cổ phiếu của nhiều công ty bất động sản.

Tuy nhiên, cũng không ít gia đình lại chọn con đường riêng tận hưởng thú vui du lịch nội địa trong môi trường an toàn hiếm có.

 

Khi tiền gửi đổ về trái phiếu

Trung tâm phân tích chứng khoán SSI - SSI Research vừa có báo cáo đánh giá tác động của kênh trái phiếu và kênh tiền gửi. Theo đó, so với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất.

Theo dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành ước khoảng 783.000 tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến 6 tháng năm 2020.

Cũng theo SSI, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng. Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ tại 31/3/2020 là khoảng 398.000 tỉ đồng.

Nếu loại trừ số này, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống. Nhìn lại, lượng trái phiếu doanh nghiệp các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020.

Rõ ràng trái phiếu doanh nghiệp đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định”, SSI nhận định.

Mặc dù dòng tiền đang chạy mạnh mẽ từ tiền gửi ngân hàng về trái phiếu nhưng  vừa qua Bộ Tài chính tiếp tục phải cảnh báo rủi ro khi các công ty chứng khoán, ngân hàng có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu bằng mọi giá.

Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Không chào mời trái phiếu bằng mọi giá mà phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ như tình hình tài chính của doanh nghiệp, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo... Đồng thời, tổ chức phân phối cũng phải có biện pháp mua lại trái phiếu đúng hạn như cam kết với nhà đầu tư.

Tại sao doanh nghiệp bất động lại phát hành trái phiếu mà không bán sản phẩm?

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, kịch bản “đóng băng” bất động sản (BĐS) khó có thể lặp lại ở giai đoạn hiện nay. Ông nhận định: “Dự kiến, năm 2020 sẽ có nhiều văn bản mới nhằm tháo gỡ và giúp doanh nghiệp địa ốc gỡ khó. Tuy nhiên, khi chưa kịp tháo gỡ thì dịch COVID-19 ập đến. Cú bồi cùng tai nạn kép liên hoàn đã hạ gục một số doanh nghiệp địa ốc. Thị trường diễn ra cuộc sàng lọc thay thế doanh nghiệp. Doanh nghiệp mạnh, tốt, nhiều lực sẽ trụ lại. Doanh nghiệp yếu văng ra và thị trường lại đón nhận những doanh nghiệp có tiềm năng nhảy vào!

Theo nhiều chuyên gia trên thị trường tài chính nhận định, việc các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu hoặc tăng bán cổ phiếu không phải là tín hiệu tích cực cho ngành bất động sản. Để mua một sản phẩm bất động sản bất kỳ cần có lượng tiền lớn và dòng tiền ổn định nếu vay ngân hàng. Vì vậy trái phiếu và cổ phiếu của các công ty bất động sản được phát hành mạnh mẽ trong thời gian qua là hình thức “gom tiền lẻ” nên sẽ dẫn đến hệ lụy việc tăng giá bán sản phẩm trong tương lai.

Vì vậy, nhiều chuyên gia gần đây trấn an người dân đừng vội rút tiền mua trái phiếu doanh nghiệp mà nên mua hoặc chờ mua sản phẩm bất động sản nếu đủ tài chính. Còn việc vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản lại càng không nên.

Sức bật của ngành du lịch

Ngành du lịch và vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong mừa dịch cũng là ngành hồi phục nhanh nhất. Với nhiều chiến dịch quảng bá và thu hút khách du lịch trong nước, cùng với tình hình ổn định không lây nhiễm cộng đồng, ngành du lịch trong nước đã hồi phục hơn 50% nhờ vào lượng khách nội địa. Ngược lại với những đầu tư tài chính, tất nhiều gia đình đang tập trung vào các chuyến du lịch và chấp nhận chi tiêu lớn cho mùa hè.

 

Chị Anh Thu (Quận 3 – TP.HCM) chia sẻ lựa chọn: “Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về việc đầu tư vào đâu, có nên thay đổi gì không khi diễn biến các kênh tài chính quá phức tạp. Cuối cùng tôi chọn phương án đi du lịch. Tiền có kiếm được nhiều hay ít cứ tạm gác lại hết, dành nhiều thời gian cho các con vui chơi vì lỡ đâu ngày nào đó có lây nhiễm cộng đồng lại phải ở nhà trốn dịch”.

Tại phố biển Nha Trang, ngay khi học sinh vừa thi xong học kỳ, khách sạn bắt đầu lấp đầy 50% số phòng. Riêng trục đường chính Trần Phú đối diện bãi beiern được tạp chí US News (Mỹ) đưa vào danh sách Top 50 bãi biển cát trắng đẹp nhất thế giới, các khách sạn 4 và 5 sao có tỷ lệ lấp đầy 80% phòng.

Cùng thời điểm này, ngành du lịch Việt liên tiếp đón nhận sự kiện Công viên Địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu; Vịnh Hạ Long vào Top 50 kỳ quan thế giới 2020 do tạp chí Hotelworld bình chọn; Ngày hội du lịch TP.HCM 2020 tung nhiều sản phẩm, tour du lịch có chất lượng với giá ưu đãi giảm đến 30 - 70%...

Trần Phụng

Tin mới