Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đơn hàng xuất khẩu giảm, trông chờ vào gạo dịp cao điểm cuối năm

Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 313 tỷ USD (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước), với trị giá xuất siêu khoảng 9,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại khi nhu cầu từ các thị trường lớn đều giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng mất đơn hàng và phải cắt giảm lao động hàng loạt.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2022, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 30,3 tỷ USD (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 10 tháng của năm 2022, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 313 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp chính cho tăng trưởng xuất khẩu, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với giá trị ước đạt 270 tỷ USD (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, nhóm nông, lâm thủy sản đạt gần 45 tỷ USD (tăng 14%), xuất khẩu giày dép - túi xách đạt hơn 23 tỷ USD (tăng gần 40%). Tính đến hết tháng 10, nước ta xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Dù kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, song vẫn có những khe cửa hẹp để DN Việt tận dụng tăng xuất khẩu

Dù vậy, Tổng cục Hải quan cho rằng, trong bối cảnh các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ 2 thị trường hàng đầu của Việt Nam là Mỹ và châu Âu (EU). Hiện, một lượng đơn hàng xuất khẩu của DN Việt và DN FDI có dấu hiệu giảm sút. Trong tháng 9, xuất khẩu giảm hơn 5 tỷ USD so với tháng 8 (khoảng 15%).

Ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt cho hay, theo thông lệ, những tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao. Tuy nhiên, năm nay tình hình trái ngược hẳn, nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU…đều giảm mạnh.

Đơn hàng quý 3 của DN chỉ còn khoảng 40-50% so với năm trước. Còn quý 4, số đơn hàng giảm còn mạnh hơn. Đến nay, DN cũng vẫn chưa có đơn hàng cho năm mới. Với tình hình này DN đang phải thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm một số lượng lớn lao động”, ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM (SLA) cho rằng, tỉ giá USD tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến các DN sản xuất trong các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu như dệt may, da giày, điện tử, nhựa…

Thông thường, các đơn hàng xuất khẩu da giày sẽ được phía đối tác ký dài hạn khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, gần đây, đối tác thường chọn ký ngắn hạn, trong đó yêu cầu DN phải giao hàng sớm, đúng ngày nên các DN da giày chịu áp lực rất lớn.

Từ nay đến hết năm, trông chờ vào gạo

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 713.546 tấn (tăng hơn 22% so với tháng 9) kim ngạch đạt hơn 341 triệu USD (tăng 24%), cao kỷ lục. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 6,1 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD (tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021).

Đặc biệt, gạo Việt Nam đang tăng giá mạnh là do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới những tháng cuối năm tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế. Đặc biệt, sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, nhiều đối tác đã chuyển hướng sang các thị trường khác, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu. Giá gạo Việt Nam đã tăng hơn 30 USD/tấn kể từ khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách. Dự báo về thị trường gạo cuối năm cho thấy, giá gạo Việt Nam xuất khẩu sẽ đạt mức cao trong cả tháng 12/2022.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, với bức tranh xuất khẩu gạo tích cực từ đầu năm đến nay, trong 2 tháng cuối năm chỉ cần mỗi tháng xuất được 600.000 tấn, cả năm sẽ xuất được 7,2 - 7,3 triệu tấn gạo. Đây là lượng gạo xuất khẩu lớn nhất kể từ sau năm 2012.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, từ nay đến cuối năm, động lực để đẩy mạnh xuất khẩu nằm ở các nhóm ngành như hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Đã “lộ diện” những ngành hàng xuất khẩu có khả năng cán đích và vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần đưa xuất khẩu của cả nước chạm mốc kỷ lục, như thủy sản, cà phê, gạo, dệt may…

Để duy trì được đà xuất khẩu, theo ông Doanh, các DN cần cập nhật tình hình nước nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng từ đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp. Đối với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và các mặt hàng lương thực, nhu cầu thế giới được đánh giá vẫn ở mức cao, song trước biến động tỉ giá, các DN cần lựa chọn thị trường xuất khẩu, đồng tiền thanh toán phù hợp, có lợi.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, dù tình hình thế giới trong những tháng cuối năm không thuận lợi với hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với lợi thế về các FTA, các DN cần tập trung khai thác tốt thị trường truyền thống và chuyển hướng sang thị trường mới ít biến động để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút.

Chẳng hạn, như mặt hàng rau quả, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu chỉ đạt 2,8 tỷ USD (giảm 6,5% so với cùng kỳ). Dù xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng cao, nhưng do thị trường Trung Quốc giảm mạnh, nhập khẩu đã kéo kim ngạch toàn ngành đi xuống. Đặc biệt, các DN cần chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất phục vụ xuất khẩu, đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước.

Nếu làm được những vấn đề trên, Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn hiện tại và hoàn thành được chỉ tiêu xuất khẩu 700 tỷ USD vào cuối năm”, ông Phú cho hay.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới