Khi Liu Yilin, một giáo viên trung học về hưu ở Vũ Hán, Trung Quốc, nghe tin dịch bệnh lan truyền tại thành phố này, ông đã bắt đầu tích trữ các loại thực phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, mỳ tôm, thịt sấy khô và cá. Việc này đã giúp ông tránh khỏi phải chen chúc ở siêu thị mua đồ dự trữ khi thành phố bắt đầu phong tỏa hồi tháng 1/2020.
Nhưng thời gian trôi qua, khi người dân vẫn bị hạn chế rời khỏi nhà, để có được thực phẩm tươi, ông phải nhờ đến dịch vụ giao hàng.
“Dịch vụ giao hàng phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc đã khiến cuộc sống trong thời điểm khó khăn này trở nên dễ dàng hơn”, ông nói.
Nhu cầu tăng đột biến
Hu Xingdou, nhà kinh tế học chính trị tại Bắc Kinh nhận định: “Giao hàng tận nhà đóng vai trò quan trọng khi dịch bệnh bùng phát. Ở một mức độ nào đó dịch vụ đã giúp mọi người không bị đói, đặc biệt là trong những trường hợp chính quyền địa phương phải áp dụng các biện pháp mạnh để cách ly”.
Các công ty thương mại điện tử ăn nên làm ra trong COVID-19. (Ảnh minh họa: EPA-EFE)
Theo Liu, khi phong tỏa người dân phải ở nguyên trong khu của mình, các lối vào ra đều có nhân viên hoạt động xã hội túc trực. Mỗi buổi sáng, ông sẽ gửi giấy ghi số điện thoại và mã đơn hàng ra các điểm chờ, để sau đó nhận được hàng.
Sự tiếp xúc giới hạn chỉ còn trên internet. Người dân đặt đồ online và những người ở cổng ra vào sẽ giúp phân phối đồ vào trong.
Nhờ mật độ dân số cao ở các khu vực đô thị, lực lượng lao động dồi dào và sự đón nhận của người dân với cuộc sống số, Trung Quốc đã xây dựng được một mạng lưới giao hàng tận nhà rất phát triển. Các công ty công nghệ đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm, hậu cần và dữ liệu lớn, cũng như điện toán đám mây để giúp họ cải thiện dịch vụ, dự đoán hành vi của người dùng.
Theo công ty thương mại điện tử JD.com, nhu cầu dịch vụ thương mại điện tử và giao hàng đã tăng đột biến trong thời gian bùng phát COVID-19.
Các nhà phân tích cho biết các nhà cung cấp thương mại điện tử đã tận dụng cơ hội này để thể hiện thiện chí và cải thiện mối quan hệ của họ với khách hàng và đối tác. Các công ty thương mại điện tử như Meituan Dianping, Alibaba và JD.com đều báo cáo thu nhập cao trong quý 2 năm 2020 khi các quy định phong tỏa được áp dụng.
Dịch vụ giao hàng cũng giúp các mặt hàng nông sản khỏi tình trạng bi đát ế ẩm mùa dịch.
Một số công ty cũng áp dụng các chiến lược công nghệ cao để thích nghi với đại dịch, như phương tiện tự lái.
Các công ty thậm chí còn “chia sẻ” nhân viên để đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng.
Theo Sandy Shen, giám đốc nghiên cứu cấp cao tại công ty tư vấn toàn cầu Gartner, ngày càng có nhiều nhân viên từ các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ nói chung và các doanh nghiệp dịch vụ khác được các công ty giao đồ ăn "mượn".
Bà nói: “Những thỏa thuận này không chỉ đảm bảo tính liên tục của dịch vụ giao hàng mà còn giúp các doanh nghiệp giữ chân nhân viên trong thời gian dịch vụ trực tiếp ngừng hoạt động".
Khó khăn chồng chất
Tuy nhiên, việc nền kinh tế quá phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng cũng làm bộc lộ không ít vấn đề cho cả khách hàng và tài xế: sự quá tải, áp lực cạnh tranh và nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Nền kinh tế trong đại dịch ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ vận chuyển. (Ảnh minh họa: EPA-EFE)
Mo Xinsheng đã trở thành một nhân viên được công ty vận chuyển "mượn" sau khi khách hàng không còn đến nhà hàng Bắc Kinh nơi anh làm phụ bếp.
“Tôi vẫn muốn kiếm tiền và giúp đỡ những người bị mắc kẹt ở nhà", anh nói.
Nhưng trước khi bắt đầu công việc, anh phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế kéo dài. Anh cũng phải làm việc nhiều giờ trong thời tiết gió và lạnh của mùa đông Bắc Kinh và mang vác nặng.
“Tôi làm việc khoảng 10 giờ mỗi ngày chỉ để kiếm vài nghìn nhân dân tệ (vài trăm USD) một tháng”, anh nói.
“Đôi khi tôi gần như không thở được trong khi tay chất đầy những gói gạo, dầu và những thứ khác. Nhưng tôi biết mình đang làm một công việc quan trọng, đặc biệt là vào thời điểm khủng hoảng”, Mo nói. “Mãi cho đến lúc đó, tôi mới nhận ra rằng mọi người đã trở nên quá phụ thuộc vào hệ thống giao hàng tận nhà”.
Những khách hàng như ông Liu phản ánh tình trạng giá cả các mặt hàng tăng và không có nhiều sự lựa chọn khi mua thực phẩm trên mạng.
“Nhưng tôi không phàn nàn. Thật tốt khi chúng ta vẫn có thể có được rau tươi vào thời điểm khó khăn”, ông nói.
Các nhân viên giao hàng tại Trung Quốc chờ tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: Getty)
Nguy cơ lây nhiễm cũng là một vấn đề lớn.
Tháng 6/2020, ngay khi các quan chức y tế của Bắc Kinh bắt đầu thông báo rằng đợt dịch mới đang được kiểm soát, một nhân viên giao hàng từ sàn giao hàng thực phẩm hàng đầu Trung Quốc ele.me được xác nhận mắc COVID-19.
Theo các cơ quan y tế ở Bắc Kinh, người đàn ông giao hàng 47 tuổi (được gọi là Kong) đã giao hàng tại một khu vực rộng lớn ở thủ đô từ ngày 1/6 đến ngày 17/6. Ông giao trung bình 50 đơn hàng mỗi ngày trong thời gian này.
Công ty sau đó đã tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên. Trong khi đó những người giao hàng đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh bị cấm nhận đơn đặt hàng và cách ly tập trung.
Tuy các quan chức y tế Trung Quốc trấn an rằng nguy cơ lây nhiễm qua thực phẩm là rất thấp, song nhiều người dân vẫn không khỏi lo lắng. Cư dân mạng nước này cũng bàn luận về một ngày làm việc kéo dài 16 giờ của Kong và những căng thẳng mà ông phải trải qua.
“Làm việc 16 tiếng một ngày, kiếm sống không hề dễ dàng chút nào", một bình luận viết.
Một tài xế khác, Feng bình luận: "Việc nhận tới 50 đơn hàng một ngày là điều khá bình thường, bởi vì chúng tôi cần đáp ứng đủ chỉ tiêu. Nói thật thì công việc rất khó khăn, nhưng nếu tôi có thể làm việc khác thì tôi đã không làm việc này".