Trong bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quần chúng nhân dân tại vườn hoa Ba Đình ngày 2/9/1945 có đoạn: Dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập.
Lời khẳng định của Bác đã phản ánh khát vọng cháy bỏng, thiết tha nhất của toàn dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ, đó là được sống trong tự do, độc lập. Quyền được sống trong độc lập là một trong những quyền cơ bản, thuộc về nguyên tắc của con người cũng như mỗi quốc gia dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã đem lại quyền độc lập cho người dân Việt Nam.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. (Ảnh: Tư liệu).
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự nhấn mạnh, lời khẳng định của Bác cũng chính là lời hiệu triệu để tập hợp, quy tụ sức mạnh của quần chúng nhân dân. Vui mừng, phấn khởi khi giành được độc lập nhưng Đảng và Bác Hồ cũng đã dự báo được những khó khăn, thử thách, nguy cơ đe dọa chính quyền non trẻ, nền độc lập vừa mới đòi lại được. Và sức mạnh để giữ nền độc lập lúc đó phải xây dựng từ nhiều yếu tố nhưng trước hết là tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng hy sinh tất thảy để bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được.
Lời khẳng định của Bác còn là tuyên bố đanh thép đối với kẻ thù về thái độ của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, thể hiện ý chí, quyết tâm không gì có thể lay chuyển của toàn thể dân tộc Việt Nam “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững nền độc lập”.
- Khi đất nước bị quân thù xâm lược thì độc lập được hiểu đơn giản là đánh đuổi quân thù ra khỏi đất nước. Khi đất nước đã hòa bình, có tự do, thống nhất, theo Thiếu tướng, độc lập ở đây cần được hiểu thế nào, nội hàm của nó là gì?
Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình mới, độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục là mục tiêu xuyên suốt, là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho đất nước có hoà bình, ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế và văn hóa, thống nhất về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Bởi lẽ, độc lập dân tộc là nền tảng để xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chỉ có Chủ nghĩa xã hội mới tạo cơ sở vững chắc để củng cố, bảo vệ độc lập dân tộc.
Độc lập dân tộc bao hàm hai nội dung cơ bản và gắn bó chặt chẽ với nhau:
Thứ nhất, trong phạm vi lãnh thổ, mỗi dân tộc phải có quyền lực tối cao, tức là phải có đầy đủ quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp để tự quyết định mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của mình; không lệ thuộc hoặc bị thao túng bởi các dân tộc khác.
Thứ hai, trong quan hệ hợp tác quốc tế, các dân tộc phải được hoàn toàn bình đẳng với nhau theo luật pháp quốc tế, có quyền tự quyết định mọi vấn đề mang tính chất đối ngoại của mình; đồng thời, cam kết và thực hiện cam kết tôn trọng độc lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
Hai mặt đối nội và đối ngoại nói trên luôn gắn bó mật thiết với nhau trong một thể thống nhất. Một dân tộc không thể được coi là có nền độc lập thực sự và đúng với nghĩa của từ này nếu một trong hai mặt ấy bị vi phạm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, những nội dung ấy về cơ bản vẫn không thay đổi, nhưng cần được duy trì và bảo đảm bằng những phương thức mới.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên trả lời phỏng vấn phóng viên VOV (Ảnh: PV/VOV2)
- Đối với quốc gia dân tộc, độc lập là quyền bất khả xâm phạm, mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào đều là vi phạm độc lập. Như vậy, mọi mưu đồ muốn can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta chính là vi phạm nền độc lập của đất nước ta, thưa Thiếu tướng?
Độc lập, tự chủ là vấn đề có tính nguyên tắc xuyên suốt, nhất quán, mang tính sống còn đối với mọi quốc gia trên thế giới, là nhân tố đóng vai trò quyết định trong mối quan hệ với hội nhập quốc tế. Hiện nay, độc lập, tự chủ được hiểu không phải là biệt lập với thế giới, đứng ngoài tiến trình hội nhập quốc tế. Độc lập là quyền dân tộc tự quyết và tự chủ là năng lực thực hiện quyền tự quyết ấy trên thực tế. Độc lập là tự mình xác định mục tiêu, hoạch định con đường, chiến lược phát triển, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp, sắp đặt nào từ bên ngoài và điều này phải được thực thi trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài “đấu tranh cho độc lập” để tìm mọi cách chống phá đất nước ta cả về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc.
Chúng ra sức tuyên truyền, kích động, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Dù được che đậy dưới bất kỳ hình thức nào, những hành động đó đều gây phương hại đến lợi ích chính đáng của nhân dân ta, vi phạm nghiêm trọng nền độc lập của Việt Nam, đi ngược lại xu thế hòa bình, độc lập, tự chủ của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
- Để giữ vững nền độc lập, chúng ta không thể đứng một mình mà phải hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế; chúng ta tự chủ chứ không lệ thuộc, thưa Thiếu tướng?
Trong điều kiện của thế giới hiện nay, toàn cầu hóa đạt tới trình độ phát triển chưa từng có, kéo theo tất cả các nước cùng tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế; và hội nhập quốc tế trở thành một tất yếu khách quan không thể bỏ qua hoặc cưỡng lại. Hội nhập để phát triển, muốn phát triển phải hội nhập. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế luôn là sân chơi với nhiều cơ hội và không ít thách thức.
Hội nhập quốc tế trong một môi trường cạnh tranh quyết liệt về chính trị, kinh tế, sự chi phối của các nước lớn và những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của thế giới, đòi hỏi phải giữ được độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ đất nước là một trong những mối quan hệ quan trọng đặc biệt cần giải quyết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Độc lập, tự chủ là ý chí sắt đá được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trở thành giá trị cốt lõi thiêng liêng.
Đảng ta coi độc lập, tự chủ là vấn đề có tính nguyên tắc, nhất quán trong thực hiện đường lối đối ngoại. Nhờ vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt, xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong công tác đối ngoại và thu được những thắng lợi ấn tượng. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, trong thời gian qua, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường hòa bình thuận lợi cho sự phát triển độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững”.
Con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn từ đầu thế kỷ XX đã được triển khai và thực hiện trên đất nước Việt Nam. (Ảnh: Phạm Cường).
- Hiện nay chúng ta vẫn kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, theo Thiếu tướng vì sao độc lập dân tộc lại phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cần hiểu vấn đề này thế nào?
Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó thể hiện sự lựa chọn sáng suốt của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả dân tộc Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại.
Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thì độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, cấp bách, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc tạo tiền đề, điều kiện để nhân dân lao động tự quyết định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời đại mới, Chủ nghĩa xã hội là xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách triệt để. Về lý luận, độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội thể hiện mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu cuối cùng; mối quan hệ giữa hai giai đoạn của một quá trình cách mạng. Cách mạng dân tộc dân chủ xác lập cơ sở, tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa khẳng định và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, để không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo, lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Do những đặc trưng nội tại của mình, Chủ nghĩa xã hội sẽ củng cố những thành quả đã giành được trong cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện để bảo đảm cho độc lập dân tộc và phát triển dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: chỉ có Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự chân chính.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng.