Theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 4/12, tám nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Trung Quốc có tên trong danh sách “100 công ty sản xuất vũ khí và dịch vụ quân sự hàng đầu của SIPRI năm 2022”. Trong đó, có 3 công ty lọt vào top 10.
Tổng doanh thu của 8 công ty này trong năm 2022 đạt 108 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm trước đó và tăng năm thứ 4 liên tiếp.
Một gian hàng của AVIC tại triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế ở thành phố Chu Hải, Trung Quốc, năm 2022. (Ảnh: SCMP)
Norinco - tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm thương mại và quân sự, đứng thứ 7 trong danh sách, với doanh thu tăng 4,4% lên 22,1 tỷ USD vào năm ngoái.
Trong khi đó, tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), công ty vũ khí số 2 và là nhà sản xuất máy bay quân sự hàng đầu đất nước tỷ dân, đứng ở vị trí thứ 8 với doanh thu tăng 4,7%, lên 20,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, mức tăng ấn tượng nhất lại là Tập đoàn Công nghiệp Nam Trung Quốc (CSGC), với doanh thu tăng 12% lên 6,5 tỷ USD, nhảy vọt lên vị trí thứ 21 trong danh sách 100 của SIPRI.
Xiao Liang, nhà nghiên cứu của chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự SIPRI, cho biết động lực chính cho ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong năm 2022 và những năm trước đó là các chương trình hiện đại hóa của Bắc Kinh nhằm trở nên “tự chủ” hơn trong sản xuất vũ khí.
“Điều này được hỗ trợ bởi chi tiêu quân sự ngày càng tăng của nước này, vốn đã tăng liên tục kể từ năm 1995”, Liang nói.
“AVIC, nhà sản xuất máy bay chính của Trung Quốc, đã chứng kiến doanh thu tăng năm thứ 2 liên tiếp, phản ánh việc tăng cường sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và việc đưa vào sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 - Chengdu J-20”, Liang cho biết thêm.
Theo Liang, các nhà thầu quốc phòng trong nước đã phát triển khả năng đáp ứng tới 90% nhu cầu mua sắm của quân đội Trung Quốc.
Ông nói: “Trung Quốc là một trong ba quốc gia duy nhất sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và là nước tiên phong trong lĩnh vực máy bay không người lái có vũ trang".
Mặc dù vẫn còn một số phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ yếu là động cơ máy bay và máy bay trực thăng, nhưng có vẻ như Trung Quốc cũng đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong các lĩnh vực đó”.
Ngoài ra, hầu hết các công ty Trung Quốc cho đến nay chủ yếu dựa vào doanh số bán hàng trong nước nhưng nhiều công ty đang tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này có thể ảnh hưởng đến quy mô tăng trưởng của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc hiện giữ vị trí thứ 2 về doanh thu vũ khí với 18% thị phần. Dẫn đầu là Mỹ với 51% thị phần, nhưng doanh thu vũ khí của nước này đã giảm gần 8% so với năm 2021, xuống 302 tỷ USD.
Trong số 42 công ty Mỹ lọt vào danh sách 100 của SIPRI, có tới 32 công ty chứng kiến doanh thu sụt giảm.
Theo SIPRI, hầu hết các công ty cho biết vấn đề về chuỗi cung ứng và thiếu lao động từ sau đại dịch COVID-19 là những nguyên nhân chính ngăn cản các nhà thầu Mỹ tăng cường năng lực sản xuất, bất chấp các đơn đặt hàng tăng đột biến kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.