Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thuế từ ngành dầu khí chiếm khoảng 40% doanh thu của chính phủ Nga. Nước này thu được khoảng 700 triệu USD/ngày từ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu, khí đốt được chuyển đến châu Âu thu về thêm 400 triệu USD/ngày, tổng doanh thu của ngành dầu khí Nga đã lên đến con số 1,1 tỷ USD/ngày.
Tổng doanh thu của ngành dầu khí Nga là khoảng 1,1 tỷ USD/ngày. (Ảnh: Reuters)
Từ ngày 7/4, Mỹ, các nước phương Tây và Nhật Bản đã đưa ra thêm loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào các quan chức cấp cao của chính phủ Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin cùng các thành viên trong gia đình. Nhiều nhà tài phiệt Nga cũng bị đóng băng tài sản.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này vẫn chứa nhiều lỗ hổng, chúng không thể gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành năng lượng của Nga.
Dù Mỹ và Anh đã cấm vận dầu khí Nga, nhưng Tây Âu vẫn chưa quyết định về việc ngừng nhập khẩu xăng dầu và khí đốt tự nhiên từ nguồn này.
Hôm 6/4, Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, nhưng các ngành kinh doanh năng lượng lại là ngoại lệ đối với những hình phạt đó.
Ngân hàng Gazprombank của Nga, ngân hàng chuyên giao dịch trong lĩnh vực năng lượng, cũng nằm ngoài phạm vi trừng phạt của một số quốc gia.
Tại Liên minh châu Âu (EU), khu vực có 40% nhu cầu khí đốt phụ thuộc vào Nga, các đề xuất trừng phạt kinh tế nhằm vào ngành than và dầu khí đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ do mối lo ngại về giá năng lượng tăng cao và hậu quả của việc thiếu nguồn cung.
Cùng ngày 6/4, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố nước này sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Moskva về việc thanh toán cho khí đốt bằng đồng rúp - trái ngược với quyết định của EU và G-7.
Chuyên gia kinh tế Tatsuhiko Yoshizaki tại Viện nghiên cứu Sojitz (Tokyo, Nhật Bản) đánh giá những lỗ hổng này tồn tại là do lệnh cấm vận năng lượng từ Nga "cũng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho bên áp đặt lệnh trừng phạt”.