Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh thu 2020 có thể hụt 3 tỷ USD vì Covid-19: PVN 'chống đỡ' thế nào?

(VTC News) -

PVN thực hiện loạt giải pháp nhằm ‘cứu’ doanh thu, lợi nhuận giảm sâu do ảnh hưởng kép từ giá dầu lao dốc và dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 và giá dầu lao dốc là hai nguyên nhân chính khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể giảm doanh thu 3 tỷ USD và mất 1 tỷ USD lợi nhuận trong 2020. Nhằm chống đỡ “vòng xoáy” Covid-19, PVN đưa ra loạt nhóm giải pháp về đầu tư, tài chính, quản trị và thị trường.

Khai thác dầu tại Mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: PVN)

PVN cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân vốn. Theo đó, Tập đoàn thực hiện đánh giá, rà soát các dự án đầu tư, xác định nhóm các dự án trọng điểm, ưu tiên trên cơ sở phù hợp khả năng cân đối, thu xếp vốn và dòng tiền cho nhu cầu đầu tư của từng dự án.

“Tập đoàn ưu tiên tập trung hoàn thành các dự án đầu tư dở dang (tổng tiền đầu tư của PVN tại các dự án dở dang là 85.000 tỷ đồng), đã có kế hoạch vốn và các dự án đầu tư mới có vốn thấp, thời gian đầu tư ngắn, thu hồi vốn nhanh”, đại diện PVN cho hay.

Đồng thời, xem xét điều chỉnh mốc thanh toán trong hợp đồng để giảm áp lực về tài chính, dòng tiền cho nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tại các đơn vị thành viên.

Về tài chính, PVN tập trung đánh giá biến động thị trường vốn trong giai đoạn hiện nay (có xu hướng chi phí vay vốn sẽ giảm trong thời gian tới) để có kế hoạch huy động vốn tối ưu, nhất là vốn lưu động.

Tăng cường quản lý, thu hồi công nợ, gia tăng dòng tiền. Được biết, nợ phải thu của PVN hiện rất lớn (riêng nợ ngắn hạn khoảng trên 114.000 tỷ đồng), chủ yếu tập trung tại các khoản ứng vốn cho ngân sách, nợ phải thu của khách hàng…

PVN cũng ưu tiên xử lý các tồn đọng chi phí còn treo để kịp thời thu hồi chi phí và lành mạnh hóa tình hình tài chính của Tập đoàn. Trong đó, chú ý hai mảng chi phí lớn là: chi phí dầu khí chưa/không có khả năng thu hồi (khoảng trên 35.000 tỷ đồng) và chi phí tìm kiếm thăm dò chưa xử lý quyết toán (khoảng trên 11.000 tỷ đồng).

Trong trường hợp biến động tỷ giá, PVN cho biết sẽ tối ưu hóa quản lý dòng tiền, bám sát và có biện pháp ứng phó kịp thời.

Về quản trị, PVN cho biết sẽ quản trị danh mục đầu tư theo hướng cấu trúc lại các dự án có hiệu quả đầu tư thấp, không sinh lời. Người đại diện vốn của Tập đoàn tại các đơn vị có giải pháp thực hiện.

Tập đoàn cũng sẽ quản trị chi phí sản xuất kinh doanh bằng cách rà soát, cắt giảm, tiết kiệm chi phí quản lý; tối ưu hóa hàng tồn kho để tiết kiệm chi phí bán hàng, tồn kho, và rà soát các định mức chi phí trong các khâu sản xuất, đảm bảo hợp lý.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tài sản, vật tư thiết bị, kho, cảng… của Tập đoàn giữa các đơn vị thành viên, các khối trong Tập đoàn theo chuỗi giá trị bằng việc tăng cường sử dụng nguồn lực nội bộ. Từ đó, đảm bảo gia tăng dòng tiền, giá trị gia tăng và lợi nhuận giữa các đơn vị trong Tập đoàn.

Bên cạnh đó, Tập đoàn áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó đổi mới hệ thống quản trị theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, tách bạch chức năng của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (HĐQT/HĐTV) với chức trách của bộ máy điều hành; củng cố bộ máy giúp việc để HĐQT/HĐTV hoàn thành tốt chức năng thiết lập hệ thống và giám sát thị trường của mình.

Trong nhóm giải pháp về thị trường, Tập đoàn cho biết đang tập trung bám sát diễn biến thị trường giá dầu để có giải pháp kịp thời, trong đó xem xét định hướng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cùng đó mở rộng quan hệ với các công ty dầu khí trong khu vực và trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác.Tích cực phối hợp với các đơn vị trong Tập đoàn để chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả trong chuỗi giá trị.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, đa dạng hóa kênh phân phối, xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt, ưu đãi.

Theo đánh giá của PVN, dịch bệnh Covid-19 và giá dầu thô lao dốc tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Theo đó, gần đây giá dầu Brent có lúc giảm mạnh xuống 31,02 USD/thùng, giảm 30% so phiên đóng cửa ngày 6/3 (45 USD/thùng) – mức giá thấp nhất trong 4 năm qua – và hiện dao động quanh mốc 36-37 USD/thùng.

Với giá dầu thô như hiện nay, hoạt động khai thác dầu khí của Tập đoàn rất khó khăn. Cụ thể, giá thành trung bình của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Vietsovpetro (VSP) - hai đơn vị chủ lực của PVN trong hoạt động thăm dò - lần lượt là 62 USD/thùng và 43 USD/thùng, giá thành trung bình của PVN là 51 USD/thùng, cao hơn giá dầu hiện tại khoảng 14-15 USD/thùng, khiến doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

Giá dầu lao dốc kết hợp tác động của dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu đi lại, sản xuất, tiêu thụ dầu thô và sản phẩm dầu. Các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Hiện tồn kho xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khoảng 70-85%, trong khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngày càng khó do khách lùi lịch nhận hàng.

Thêm đó, sản lượng tiêu thụ phân Ure và NPK không đạt kế hoạch, do nhu cầu thấp, nhất là trong bối cảnh khu vực miền Tây tình hình hạn mặn rất cao. Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Nông dân không đầu tư sản xuất, giảm lượng canh tác, dẫn đến nhu cầu phân bón giảm. Dự kiến hai đơn vị thuộc PVN là Tổng công ty cổ phần Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đơn giá cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí do các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Theo PVN, hiện giá cước vận chuyển quốc tế cho tất cả các cỡ tàu đều giảm mạnh (tàu VLCC giá cước giảm còn 15.000-20.000 USD/ngày, tàu Aframax giảm cước hơn 50%...).

Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh tác động đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng. Dịch bệnh nếu kéo dài dẫn đến các cửa khẩu đóng cửa, ngừng các chuyến bay quốc tế… ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn. Đối với hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí ở nước ngoài, việc đưa lao động đi làm việc cũng gặp khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí.

PVN dự báo nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý II và cả năm 2020 thì nhu cầu về dầu thô, sản phẩm xăng dầu suy giảm rất lớn… sản xuất kinh doanh của Tập đoàn ảnh hưởng rất nặng nề.

“Với kịch bản giá dầu bình quân cả năm 45 USD/thùng, thì dự kiến 2020 tổng doanh thu Tập đoàn đạt 570,6 nghìn tỷ đồng, giảm 70 nghìn tỷ đồng so kế hoạch năm (xây dựng dựa trên mức giá 60 USD/thùng), lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, giảm 20,7 nghìn tỷ đồng so kế hoạch năm”, đại diện PVN cho biết.

Hoàng Hưng

Tin mới