Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cục Quản lý đấu thầu đề nghị PVN thực hiện đúng pháp luật

(VTC News) -

Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có văn bản gửi PVN nêu rõ quan điểm về việc đề nghị Tập đoàn này cần “thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Tại văn bản số 116/QLĐT-CS ngày 7/2/2020 của Cục Quản lý đấu thầu đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về những phản ánh liên quan đến Quyết định 6097/QĐ-DKHK có dấu hiệu “hạn chế nhà thầu” của PVN, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, trường hợp hoạt động mua bảo hiểm của PVN thuộc dự án đầu tư phát triển thì trong hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng (khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).

“Việc ban hành các quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của PVN song phải đảm bảo mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Trường hợp PVN quy định hoạt động mua bảo hiểm của PVN phải thực hiện đấu thầu rộng rãi nhưng hồ sơ mời thầu lại đưa ra các tiêu chí đánh giá nhằm hướng tới một hoặc một số ít nhà thầu cụ thể hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số ít nhà thầu thì việc đấu thầu rộng rãi không còn ý nghĩa, chỉ mang tính hình thức và có thể dẫn đến không bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”, Cục Quản lý đấu thầu nêu quan điểm.

 Trụ sở chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Cục Quản lý đấu thầu đề nghị: “PVN cần cân nhắc việc đưa ra các tiêu chí đánh giá để không hạn chế sự tham gia của nhà thầu khi tham dự thầu các gói thầu bảo hiểm của PVN” đồng thời cảnh báo: “PVN thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Trước đó, theo phản ánh của một số nhà thầu về lĩnh vực bảo hiểm, Tập đoàn Dầu khí đã ban hành “Quy chế sử dụng dịch vụ bảo hiểm để quản lý rủi ro cho con người, tài sản, dự án, quyền lợi và hoạt động của PVN”.

Trong quy chế có quy định “Nhà cung cấp bảo hiểm đạt được xếp hạng tài chính ở mức an toàn bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch”.

Ý kiến phản ánh rằng: theo Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, thì quy định xếp hạng bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch chỉ áp dụng cho hoạt động tái bảo hiểm và các doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm, quy chế yêu cầu: “Nhà cung cấp bảo hiểm phải có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng cung cấp bảo hiểm tương tự cho các tài sản/dự án có tính chất và quy mô tương tự tại Việt Nam (bao gồm nhưng không giới hạn công trình sản xuất công nghiệp nặng, công trình dầu khí theo quy định của pháp luật Việt Nam), trong đó quy mô tương tự là hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá kế hoạch của hợp đồng bảo hiểm đang chọn nhà cung cấp bảo hiểm”.

Nhà thầu cho rằng, trong danh sách 4 nhà cung cấp bảo hiểm phi nhân thọ đã có các xếp hạng quốc tế đáp ứng yêu cầu của Quy chế, sẽ có thêm doanh nghiệp bị loại bởi tiêu chí hợp đồng tương tự.

Ngoài ra, Quy chế yêu cầu thêm: “Trường hợp các nhà cung cấp bảo hiểm thành lập liên danh để cấp đơn bảo hiểm gốc thì liên danh này không được nhiều hơn hai thành viên và các thành viên phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 2 Điều này”.

Theo nhà thầu, quy định này hạn chế sự tham gia của nhà thầu vì các dự án trong lĩnh vực dầu khí thường có quy mô rất lớn. 

Luật sư Lê Đức Thắng - Trưởng Văn phòng Luật sư Lê & đồng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Quyết định số 6097/QĐ-DKVN ngày 24/10/2019 của Tập đoàn Dầu khí là một quyết định mang tính định hướng chung áp dụng cho toàn hệ thống, từ bất kỳ đơn vị nào mà tập đoàn dầu khí có góp vốn. Quy chế có nội dung vô cùng chi tiết, đi ngược tịnh định hướng chung, mà quy chế này mang tính áp đặt.

Có thể phân tích cụ thể một tiêu chí trong tổng số các tiêu chí bắt buộc quy định tại Khoản 2, Điều 5, Quy chế 6097 của Tập đoàn Dầu khí để thấy rõ sự “hạn chế” và “loại bỏ” các nhà thầu bảo hiểm có năng lực tài chính mạnh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay như sau: Mục c quy định liên quan đến xếp hạng tài chính của các nhà cung cấp bảo hiểm (bao gồm cả nhà bảo hiểm gốc và nhà tái bảo hiểm) thì đi sâu tìm hiểu đánh giá và xếp hạng trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay có 6 nhà cung cấp có chứng nhận, gồm 4 nhà bảo hiểm gốc và 2 nhà tái bảo hiểm.

Luật sư Lê Đức Thắng cũng nêu, tại mục b, khoản 2, Điều 6 quy định: “Nhà cung cấp bảo hiểm phải có kinh nghiệm đàm phán và đàm phán thành công với doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế nhận tái bảo hiểm đối với các giao dịch còn lại”.

Với quy định này thì tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước ngoài PVI là dưới 5% đối với các dịch vụ bảo hiểm phát sinh trong ngành dầu khí trong tương lai.

“Căn cứ vào Điều 27, Luật Kinh doanh Bảo hiểm; Khoản 1, Điều 6 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Khoản 6, Điều 3 Thông tư 50/2017/TT-BTC; Khoản 2, Điều 42, Nghị định 73/2016/NĐ-CP; Khoản 2, Điều 90 Nghị định 73; Mục 2, Chương III, Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT; Khoản 1, Điều 65 Luật Đấu thầu; Khoản 2, 35, Điều 4 Luật  Đấu thầu, luật sư Thắng khẳng định: Quy chế nội bộ 6097/QĐ-DKVN ngày 24/10/2019 đã làm hạn chế quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, luật đấu thầu, luật cạnh tranh; Vi phạm luật cạnh tranh khi toàn bộ tiêu chí đưa ra chỉ có duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm đáp ứng”, Luật sư Thắng nhận định.

Video: 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ của PVN

Đức Minh

Tin mới