Những ngày gần đây, “khu dã chiến” dự phòng được thiết lập ngay tại công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Q.12, TP.HCM) để dự phòng tình huống bị phong tỏa do COVID-19.
“Từ lúc dịch bệnh bùng lên tại thành phố, chúng tôi đã nghĩ đến phương án dự phòng nếu như dịch tấn công DN. Phải làm cách nào để vẫn có thể vừa chấp hành phòng dịch, vừa đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy khi dịch tấn công. Vì vậy, công ty đã lập một “khu dã chiến” đủ chỗ cho toàn bộ 160 cán bộ, nhân viên ở lại làm việc. Nhà kho cũng đã được công ty cải tạo sạch sẽ, có chỗ ngủ, nhà vệ sinh… để nhân viên có thể ở lại sinh hoạt, làm việc nếu chẳng may bị phong tỏa” - ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết.
Cũng theo ông Thiện, hiện DN này đã cho bộ phận tiếp thị sản phẩm tạm ngưng đến các điểm bán, nhân viên giao hàng vẫn phải phân phối hàng nhưng khi về công ty thì chỉ ở bên ngoài, hạn chế tiếp xúc các khu vực khác và phải khử khuẩn cá nhân, phương tiện. Công ty yêu cầu công nhân sau giờ làm thì về nơi ở, hạn chế ra ngoài và tiếp xúc; nhân viên ở khu phong tỏa tạm thời không đi làm nhưng vẫn hưởng lương cơ bản.
Ngoài những biện pháp phòng dịch “5K” theo Bộ Y tế, Công ty CP Sài Gòn Food (khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) linh động chuyển đổi cách thức làm việc như: Chia người lao động thành các nhóm nhỏ để làm việc; tách biệt khối kinh doanh với khối sản xuất; nhân viên kinh doanh không về trụ sở công ty mà chủ yếu báo cáo online.
Công ty cũng tách biệt khối sản xuất với khối văn phòng, khu làm việc, đường đi và nhà ăn đều tách riêng. Riêng khối văn phòng được chia thành hai nhóm, làm việc đổi ca hai tuần/lần, một nhóm làm tại công ty và một nhóm làm việc tại nhà. Khối sản xuất cũng được chia hai ca sáng, chiều, làm ở ba khu nhà máy và người của các khu, các ca không gặp nhau.
“Chúng tôi cũng đã lên kịch bản chi tiết xử lý tình huống xuất hiện ca dương tính. Chúng tôi tận dụng các phòng thay đồ, nhà ăn và cả kho chứa. Tất cả vị trí phụ trợ của công ty đều sạch sẽ và thông thoáng, đảm bảo điều kiện nghỉ ngơi cho công nhân viên nếu xảy ra tình huống khẩn cấp” - đại diện Sài Gòn Food chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty CP thiết bị nhà bếp Vina (khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú) ngay khi được phong tỏa do có ca dương tính là công nhân, đã lập tức thực hiện phương án “3 tại chỗ” khi ăn ngủ, sinh hoạt, làm việc tại nhà máy.
Công ty mở 80 nhà vệ sinh, lắp 70 vòi nước, mua hơn 800 chiếc chiếu, mấy ngàn móc áo, lắp thêm quạt ở nhà xưởng, thuốc xịt muỗi, dung dịch sát khuẩn. Một số mặt bằng được giải phóng để lấy chỗ phơi áo quần. Nhà xưởng được dọn dẹp, mỗi công nhân có 3-4m2 để ngủ. Giờ ra ca, giờ ăn được sắp xếp giãn cách đảm bảo không tập trung đông người. Nhờ đó, gần 800 công nhân ổn định sinh hoạt và làm việc bình thường, đảm bảo đơn hàng.
Sau 15 ngày ăn ở và làm việc tại công ty, kết quả xét nghiệm của 800 công nhân đều âm tính và họ được trở về gia đình. Theo ông Phan Thanh Phổ - Chủ tịch công đoàn Công ty thiết bị nhà bếp Vina, ngay sau khi công ty bị phong tỏa, ban giám đốc đã có nhiều biện pháp vừa ổn định tinh thần, chăm lo đời sống công nhân sống chung với dịch, để vẫn bảo đảm sản xuất, duy trì việc làm, tiền lương cho người lao động.
Doanh nghiệp cần phương án dự phòng
Mới đây, tại buổi tập huấn trực tuyến các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp ở TPHCM, ông Phan Thanh Tâm - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng, các đơn vị cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Tâm, DN cần có cơ chế cho phép người lao động được làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh hoạt; ưu tiên hình thức trực tuyến đối với các cuộc họp, hội nghị, sự kiện; tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc; tổ chức đưa đón người lao động theo đúng quy định…
Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, TS.BS Nguyễn Đình Trung - Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường Bộ Y tế cho biết: “Các đơn vị cần nhanh chóng kích hoạt phương án phòng chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 đã được phê duyệt. Phong toả tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất, khu công nghiệp hoặc từng phân xưởng/dây chuyền/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc có trường hợp F0 trên cơ sở tình hình thực tế. Đồng thời, cách ly các trường hợp F0 tại chỗ ở cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định”.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố đã được Chính phủ cho phép chủ động tìm nguồn vắc-xin COVID-19 và đã thành lập tổ chuyên trách mua và tiêm vắc-xin. Khi có nguồn vắc-xin về, việc tiêm chủng sẽ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên cho các nhóm có nguy cơ cao. Theo đó, tài xế vận chuyển hàng hóa ra, vào TP.HCM và các tỉnh nên được ưu tiên trước vì đối tượng này thường gặp khó khăn trong quá trình lưu thông. Tiếp đến sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ở các hệ thống phân phối, bán lẻ.
“Chúng tôi đánh giá cao việc DN đầu tư kinh phí tiêm vắc-xin cho người lao động, nhưng việc mua và tiêm vaccine vẫn phải theo sự điều hành của Chính phủ, UBND thành phố” - ông Phương lưu ý.