Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp rau quả nỗ lực 'phá băng' xuất khẩu

(VTC News) -

Để đạt mục tiêu 4 tỷ USD xuất khẩu rau, quả trong năm 2023, các doanh nghiệp nỗ lực kết nối, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị bằng chế biến sâu.

Trả lời VTC News, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu suy giảm xuất khẩu nhưng ngành hàng rau quả lại có tín hiệu phát triển khả quan, đặc biệt là với những dòng sản phẩm chế biến. 

“Tính đến hết tháng 4/2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một tín hiệu rất tốt”, ông Nguyên nói.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh là thanh long, sầu riêng, xoài, mít và thị trường chủ yếu là Trung Quốc.

Sầu riêng được làm sạch để đóng gói xuất khẩu.

“Để đạt được mục tiêu đặt ra là năm 2023 xuất khẩu rau quả, trái cây ở mức 4 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn nữa, các doanh nghiệp đang khẩn trương kết nối thị trường, chuẩn bị các lô hàng xuất khẩu cho những ngày đầu tiên ngay sau kỳ nghỉ lễ”, ông Nguyên nói.

Tương tự, bà Ngô Tường Vi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất – Nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, từ đầu năm đến nay xuất khẩu rau củ quả của doanh nghiệp rất khả quan vì đơn vị có nhiều sản phẩm, bắt nhịp được thị trường chế biến sâu và đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn đặt ra của đối tác.

“Hiện chúng tôi có 2 nhà máy chế biến tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Bến Tre. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi liên tục thu mua, chế biến để đáp ứng các đơn hàng của đối tác nước ngoài. Trước ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, doanh nghiệp cũng đang khảo sát thị trường và đối tác bên Thái Lan để ký kết hợp đồng xuất khẩu các loại trái cây chế biến. Ngay sau kỳ nghỉ lễ, chúng tôi sẽ xuất khẩu một số container rau quả chế biến sang thị trường này. Với đà xuất khẩu như hiện nay, trong năm 2023, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đạt 150% kế hoạch đặt ra”, bà Vi nói.

Cũng theo bà Vi, phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát giá thành mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 đến 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp của ông chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm trái cây sang thị trường Mỹ, Úc, châu Âu, Trung Đông theo đường hàng không và đường biển. 

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19 và giá xăng tăng liên tiếp, chiến tranh Nga- Ukraine đã đẩy chi phí vận chuyển tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo xuất khẩu được 200 tỷ đồng.

“Hiện với các đơn hàng ký kết trong năm 2023, doanh nghiệp đã đạt hơn 200 tỷ đồng và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới, nhất là giai đoạn cuối năm. Để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng giờ làm và ký kết các hợp đồng vận chuyển ngay cả trong những ngày nghỉ để đảm bảo cung cấp đúng khối lượng, đúng thời gian, đảm bảo chất lượng các đơn hàng cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thìn nói.

Cũng theo ông Thìn, từ đầu năm 2023, Trung Quốc đã mở cửa khẩu để hàng hoá nông sản, trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang và ngược lại. Đây là một thị trường rất lớn, có thể sẽ trở thành thị trường mục tiêu của công ty trong năm 2023 và những năm tiếp theo bởi lợi thế về thời gian, quãng đường và chi phí vận chuyển.

“Tôi đã tìm hiểu và trực tiếp khảo sát thị trường Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội và đối tác xuất khẩu trái cây. Tôi nhận thấy, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như nhiều năm trước đây, mà họ đã hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và sự cạnh tranh trái cây của Việt Nam với trái cây các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…Do vậy, chúng tôi phải tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thu mua, kiểm tra tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và chế biến sâu sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác”, ông Thìn nói.

Xuất khẩu rau quả đang có nhiều tín hiệu lạc quan.

Cũng trả lời VTC News, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện nay Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp, thân thiện với môi trường và thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Một số sản phẩm khác cũng được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Australia… nhưng chưa nhiều.

"Tuy nhiên, hiện nay thị trường Trung Quốc cũng yêu cầu rất cao, đồng thời đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu không bao giờ là “một mình một chợ”, có sự cạnh tranh với các nước khác theo quy luật thị trường. Do vậy, đối với rau quả, trái cây các doanh nghiệp của chúng ta phải hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa. Đồng thời người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm”, ông Cường nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Cường cho rằng cần gia tăng ứng dụng số, phát triển nền tảng số, thương mại điện tử để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Có như vậy mới góp phần nâng cao hiệu quả xuất khẩu trái cây, rau củ của Việt Nam một cách lâu dài, bền vững.

PHẠM DUY

Tin mới