Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp nỗ lực giảm phát thải khí mê - tan trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp

(VTC News) -

Theo thống kê, nguồn phát thải khí mê - tan trong lĩnh vực hoạt động canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất chiếm đến 57% tổng lượng phát thải của Việt Nam.

Theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 của Thủ tướng, Việt Nam cam kết cắt giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê - tan vào năm 2030 so với mức năm 2020. Để thực hiện cam kết này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo “Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030”.

Để làm được điều này, TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ TN&MT cho biết: Bộ đã phối hợp với nhiều Bộ ngành thực hiện đánh giá hiện trạng phát thải khí mê tan năm 2020 làm cơ sở đầu vào cho các hoạt động tiếp theo.

Theo báo cáo, kiểm kê phát thải khí mê tan cho 3 lĩnh vực phát thải chính là năng lượng; chất thải; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU) năm 2020. Tổng phát thải khí mê tan cho cả 3 lĩnh vực là 98,3 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, AFOLU chiếm tỷ lệ 57,75% tổng lượng phát thải, tiếp đến là chất thải với 26,84%, năng lượng 15,41%.

Theo thống kê, tổng lượng phế phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam ước tính gần 160 triệu tấn. Trong số này, khoảng 100 triệu tấn là phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và trong quá trình chế biến nông sản (chiếm 63%). Các loại phế phụ phẩm từ cây trồng bao gồm thân, cành, lá, gốc, rễ, vỏ cây, vỏ quả và bã thải từ chế biến nông sản.

Những phế phẩm này là nguồn phát thải khí mê - tan - một khí gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất và có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Việc giảm phát thải khí mê - tan được coi là một trong những giải pháp ít tốn kém và nhanh nhất để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu trong ngắn hạn và cải thiện nhanh chất lượng không khí.

Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La.

Nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản đã áp dụng mô hình tuần hoàn chất thải và phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí mê - tan. Là 1 trong 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Sơn La, Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín với công nghệ hiện đại, tự động của các nước châu Âu.

Hiện, nhà máy chế biến nông sản BHL đang vận hành 1 dây chuyền sản xuất tinh bột sắn công suất 48.000 tấn sản phẩm/năm, tương đương 300 tấn tinh bột sắn/ngày; 1 dây chuyền máy ép bã sắn công suất 50 tấn/ngày đêm.

Bà Chử Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La.

Bà Chử Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La, cho biết: Trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu sắn tươi đầu vào đến các khâu như: Bóc vỏ, rửa sạch, băm, nghiền, tách bã, co bột, tách nước thành bột và đóng gói thành phẩm… đều được vận hành theo dây chuyền khép kín.

Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 4.000m3/ngày đêm trên diện tích 7,4ha. Hệ thống sử dụng phương pháp sinh học kết hợp hóa lý bùn hoạt tính và công nghệ sinh học yếm khí - thiếu khí - hiếu khí (AAO).

Nước thải sau xử lý đạt QCVN 63:2017/BTNMT (cột A) được tái sử dụng tuần hoàn cho một số công đoạn sản xuất. Qua đó, giúp giảm chi phí vận hành; một phầnthông qua hệ thống bể biogas thu hồi khí mê tan tạo năng lượng để sấy bột, giúp giảm chi phí điện năng cho doanh nghiệp.

Đối với lượng bã sắn thải ra từ quá trình chế biến tinh bột chiếm khoảng 45%, Công ty tận dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất phân bón vi sinh…Quy trình sản xuất khép kín đã góp phần giảm phát thải khí mê - tan trong quá trình xử lý phế phụ phẩm của củ sắn.

Quy trình sản xuất khép kín góp phần giảm phát thải khí mê - tan trong quá trình xử lý phế phụ phẩm.

Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (Intraco), đã chia sẻ về các giải pháp công nghệ nhằm giảm phát thải khí mê - tan trong ngành chế biến nông sản. Theo ông, nhiều doanh nghiệp chế biến sắn đang gặp phải vấn đề lớn liên quan đến khí thải mê - tan do quá trình lên men tinh bột sắn.

Để giảm thiểu lượng khí thải này, một số công ty đầu tư vào hệ thống thu hồi khí mê - tan, tận dụng nguồn năng lượng này để đốt lò hơi. Trước đây, một số doanh nghiệp tiêu thụ tới 1.000 tấn than mỗi năm cho các lò hơi, nhưng hiện nay họ đã chuyển sang sử dụng khí biogas thu hồi từ quá trình xử lý nước thải, thậm chí có doanh nghiệp còn sản xuất được điện năng từ nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, việc đầu tư các hệ thống xử lý nước thải khép kín vẫn rất tốn kém, và nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với khó khăn do nguồn vốn đầu tư ban đầu hạn chế.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, Bộ TN&MT vừa trình Thủ tướng bộ tiêu chí xác định dự án xanh, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ trong nước mà còn từ các tổ chức quốc tế. Trong phạm vi các giải pháp được đề xuất, có những chính sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất.

Với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cùng với tiềm năng và nhận thức ngày càng cao của cộng đồng trong công tác quản lý chất thải và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí mê - tan như đã cam kết” TS Lương Quang Huy nhận định

Với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam có thể kỳ vọng vào việc giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí mê - tan vào năm 2030 so với năm 2020. Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện chất lượng môi trường mà còn thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ đóng vai trò then chốt trong hành trình này. 

Hà An

Tin mới