Tác động của những đợt dịch COVID-19 liên tiếp trong 2 năm qua khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt khách sạn, resort phải cắt giảm nhân viên để đảm bảo kinh phí duy trì hoạt động, khiến nhiều người làm việc trong lĩnh vực này phải chuyển sang công việc khác để mưu sinh. Hiện các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch đang đau đầu với bài toán nhân sự khi nhu cầu cao mà nguồn cung ít ỏi.
Sợ làm du lịch
Những ngày qua, dù nhận được điện thoại của chủ khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng) mời trở lại làm việc nhưng chị Lê Thị Huyền (trú Hải Châu, Đà Nẵng) từ chối vì không còn mặn mà với nghề nữa. Hơn 1 năm nay, kể từ ngày nghỉ làm quản lý tại khách sạn, chị đã mở cửa hàng kinh doanh tại nhà, buôn bán khá ổn định nên giờ không muốn thay đổi.
Hơn nữa, theo chị Huyền, chị làm quản lý tại khách sạn 4 năm nhưng từ cuối năm 2019 đến 2021, công việc rất bấp bênh do các đợt dịch COVID-19 liên tục bùng phát, khách sạn cứ đóng rồi mở, mở rồi lại đóng.
Đợt bùng phát dịch đầu tiên (cuối năm 2019), khách sạn đóng cửa, chị Huyền cùng các nhân viên được hỗ trợ trong thời gian nghỉ việc. Đến dịp lễ 30/4 và 1/5/2021, Đà Nẵng đón khách du lịch, chị Huyền trở lại làm việc nhưng chỉ được 7 ngày thì dịch lại bùng phát, khách sạn đóng cửa, chị phải nghỉ từ đó đến nay.
“Khách sạn không còn nguồn thu, không thể hỗ trợ nhân viên nên chúng tôi mạnh ai nấy tìm việc. Tôi và chồng quyết định mở cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống tại nhà kiếm sống. Dù bán buôn chưa phải thuận lợi nhưng cũng dần ổn định, đủ để lo cho gia đình, con cái. Bây giờ tôi sợ trở lại làm việc cho khách sạn vì không dám chắc làm được bao lâu. Tôi sợ cái điệp khúc làm rồi nghỉ, nghỉ rồi làm”, chị Huyền chia sẻ.
Nhiều nhân viên có tâm lý "sợ" quay lại làm du lịch. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)
Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên 95% doanh nghiệp du lịch (cả lữ hành và lưu trú) tạm dừng hoạt động. Tình trạng này khiến hơn 90% lực lượng lao động nghỉ việc do không có việc làm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Đặc biệt từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, có thời điểm gần như toàn bộ ngành du lịch ngừng hoạt động, khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc. Nhiều đơn vị chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để làm "bộ khung" cho sau này phục hồi.
Cũng từng là nhân viên lễ tân tại một khu resort ven biển Đà Nẵng, hiện chị Lê Loan (trú Thanh Khê, Đà Nẵng) không mặn mà với nghề du lịch nữa mà chuyển sang bán hàng online. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2019, không có đoàn khách quốc tế nào đến nên chị phải nghỉ không lương. Năm đầu công ty còn hỗ trợ một khoản nhỏ, sau đó thì phải cắt hợp đồng vì không có nguồn nào duy trì.
Bây giờ tôi sợ trở lại làm việc cho khách sạn vì không dám chắc làm được bao lâu.
Chị Lê Thị Huyền (Đà Nẵng)
Không thể ngồi chờ việc, chị Loan xoay đủ thứ nghề và cuối cùng chung vốn với bạn mở shop quần áo, vừa bán tại cửa hàng, vừa bán online.
“Bây giờ tôi không muốn thay đổi nữa vì buôn bán tạm ổn rồi, cũng đã gây dựng được bạn hàng, nếu bỏ kinh doanh để trở lại với ngành du lịch, lỡ được dăm bữa nửa tháng lại đóng cửa thì xôi hỏng bỏng không”, chị Loan cho biết.
Hơn một năm qua, chị Nguyễn Thị Thanh Ngọc (28 tuổi, trú quận Sơn Trà) buôn bán hàng online để mưu sinh sau khi nghỉ việc tại một khách sạn 4 sao trên đường Võ Văn Kiệt. Đầu năm 2022, giám đốc khách sạn gọi trở lại làm việc nhưng chị từ chối vì công việc hiện tại đang ổn định.
“Dù rất nhớ nghề nhưng bây giờ tôi cố gắng duy trì buôn bán chứ không làm du lịch nữa. Nếu có quyết định trở lại thì cũng phải chờ một hai năm nữa xem sao chứ giờ thì sợ rồi”, chị Ngọc chia sẻ.
Tương tự, chị Lê Thanh Hải (32 tuổi) đã xin vào làm công nhân cho một nhà máy may tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng sau khi nghỉ làm nhân viên buồng phòng trong khách sạn từ giữa năm 2021. Chị Hải cho hay, chị đã được công ty đào tạo nghề, giờ đã quen công việc mới, môi trường mới nên dù chủ khách sạn ưu tiên gọi lại làm việc thì chị vẫn từ chối.
“Làm công nhân tuy vất vả hơn khi làm khách sạn nhưng cũng ổn định. Tôi cũng sợ cảnh làm năm bữa nửa tháng rồi khách sạn lại đóng cửa, lúc đó xin lại làm công nhân, người ta không nhận thì lấy gì lo cho gia đình”, chị nói.
Đón khách trở lại, các công ty, doanh nghiệp du lịch dịch vụ tại Đà Nẵng khẩn trương tuyển nhân sự.
Doanh nghiệp cuống cuồng tìm nhân sự
Đại diện một khách sạn nhỏ tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc chia sẻ do COVID-19 kéo dài, khách sạn này phải hoạt động trong tình trạng không có khách suốt nhiều tháng trời. Mặc dù đã rất cố gắng hạn chế nhưng chi phí hoạt động duy trì là quá lớn, khách sạn buộc phải cắt giảm một nửa số nhân viên đã phục vụ nhiều năm tại đây.
“Không có khách thì lực lượng đầu bếp sẽ không có việc, lễ tân, nhân viên dọn phòng cũng phải cắt giảm vì phòng không được sử dụng. Tuy nhiên thời gian nghỉ quá dài, một số nhân viên đã chuyển hẳn sang làm việc khác. Bây giờ hoạt động lại, doanh nghiệp chỉ còn một số ít nhân sự và phải tuyển những người mới để đào tạo lại từ đầu”, vị này nói.
Trong khi đó, đại diện khách sạn The Scecret (Côn Đảo) cũng cho biết, thiếu nhân sự phục vụ là khó khăn chung của nhiều khách sạn, resort trên đảo. Tình trạng này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2022 và ngày càng nghiêm trọng hơn, do sau Tết, lượng khách tăng đột biến.
Mở cửa trở lại, nhiều khách sạn, resort, công ty du lịch tại Đà Nẵng đối diện với khó khăn lớn nhất là "khát" nhân lực có chuyên môn cao, có kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu công việc ngay. Thực trạng này khiến ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tại Đà Nẵng liên tục phải đăng thông tin tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại.
Ghi nhận của PV VTC News, những ngày qua, khách sạn Century trên đường Võ Văn Kiệt, Sơn Trà, Đà Nẵng treo băng rôn tuyển dụng nhân sự với các vị trí cần tuyển là giám đốc điều hành, kế toán, buồng phòng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Cương, Tổng Quản lý khách sạn Vanda (đường Nguyễn Văn Linh) chia sẻ, khi COVID-19 bùng phát, dù gặp nhiều khó khăn, phải cắt giảm dần nhân lực nhưng khách sạn vẫn giữ lại bộ khung là cán bộ quản lý, nhân viên cơ bản, một số nhân viên kỹ thuật, bảo vệ.
“Bây giờ mở cửa, nhân lực của khách sạn không thể đủ được mà chắc chắn phải tuyển thêm. Trong suốt 2 năm chịu ảnh hưởng dịch bệnh, khách sạn cũng có sự tương tác, duy trì chế độ để giữ nhân viên nên lực lượng lao động cơ bản, cốt yếu vẫn giữ được. Những nhân viên tạm nghỉ hoặc nhân viên mới sẽ được khách sạn tái đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới”, ông Cương cho biết.
Nếu không phục hồi du lịch nhanh sẽ mất dần lực lượng, phải bỏ công ra đào tạo lại từ đầu.
Ông Nguyễn Văn Quảng-Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Theo bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông-Marketing Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, bây giờ đang là mùa thấp điểm, khách đến khu du lịch chưa nhiều, lực lượng nhân viên hiện có vẫn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, đến dịp cao điểm 30/4 và 1/5, khi lượng khách có thể lên 4.000 - 5.000 người mỗi ngày thì nhân sự hiện có không thể đáp ứng được.
"Hiện chúng tôi đang liên tục tuyển dụng để chuẩn bị sẵn sàng cho thời gian tới, nhất là khi Đà Nẵng đón khách quốc tế, nhằm tránh bị động, phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách”, bà Hương nói.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, hơn 80% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Đà Nẵng phải đóng cửa trong thời gian dài, nhân sự nghỉ việc đã tìm kiếm công việc mới nên rất khó mời họ quay trở lại. Do đó hiện nay, 2 nhu cầu cấp thiết nhất của các khách sạn, doanh nghiệp du lịch là tuyển dụng và đào tạo lại lao động.
“Với thực tế hơn 80% doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đóng cửa trong thời gian dài, việc tuyển dụng nhân sự mới sẽ không chỉ là bổ sung mà còn phải củng cố chất lượng nhân sự. Việc đào tạo lại vì thế là rất cấp thiết do các kỹ năng phục vụ và quy trình phục vụ có thể bị mai một, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ”, vị này nêu.
Khách sạn tại Đà Nẵng trưng băng rôn tuyển nhân sự.
Tại buổi làm việc với Sở Du lịch ngày 16/2, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thông điệp của Thành ủy là phải phục hồi ngành du lịch để giải quyết đời sống người dân và lực lượng lao động.
“Lãnh đạo thành phố đưa ra thông điệp khôi phục hoạt động du lịch để giải quyết công ăn việc làm cho người dân, nhắn nhủ doanh nghiệp yên tâm mở cửa đón khách vào Đà Nẵng. Phải rõ ràng về quan điểm để doanh nghiệp yên tâm mở lại. Phải đón khách trở lại bằng thái độ và chất lượng phục vụ”, ông Quảng nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng nêu thực tế là một bộ phận không nhỏ nhân lực du lịch đã vào khu công nghiệp làm công nhân và các doanh nghiệp phải mở cửa để giữ lại nhân lực. “Nếu không phục hồi du lịch nhanh sẽ mất dần lực lượng, phải bỏ công ra đào tạo lại từ đầu”, ông Quảng nhấn mạnh.