Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3, trong đó có cả hoạt động đón khách quốc tế (inbound) và đưa khách Việt Nam đi nước ngoài (outbound). Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp lữ hành lên kế hoạch, sản phẩm để sẵn sàng đưa, đón khách an toàn trong bối cảnh mới.
Những tour quốc tế đầu tiên
Bày tỏ niềm vui trước thông tin mở cửa du lịch từ 15/3, nhiều doanh nghiệp lữ hành còn khoe những tour outbound đầu tiên khởi hành cuối tháng 2, ngay khi các đường bay thương mại quốc tế được nối lại từ 15/2.
Doanh nghiệp nóng lòng đón du khách quốc tế. (Ảnh minh họa)
Công ty lữ hành Saigontourist tái khởi động thị trường outbound với 2 tour chính vốn rất hút khách trước khi xảy ra đại dịch, đó là hành trình bờ Tây nước Mỹ kết hợp thăm thân 5 ngày 4 đêm, khởi hành từ TP.HCM với mức giá gần 90 triệu đồng/khách và tour đến đảo quốc Maldives 5 ngày 3 đêm, khởi hành từ TP.HCM với giá gần 66 triệu đồng/khách.
Với hãng lữ hành Vietravel, ngoài 2 sản phẩm tới Mỹ và Maldives thì còn có tour châu Âu (Hà Lan - Đức - Bỉ - Pháp) 11 ngày, giá từ 87 triệu đồng và các tour đến các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Campuchia từ 4 - 5 ngày, giá từ 13 đến 24 triệu đồng/khách. Đặc biệt, đơn vị này còn mở bán tour đến Qatar xem WorldCup vào tháng 11 và 12 năm 2022.
Tại BenThanh Tourist, các tour khách lẻ và tour khách đoàn MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, teambuilding) đến Maldives, Dubai, Mỹ và các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Campuchia, Philippines…) cũng đã sẵn sàng, khách có thể khởi hành từ tháng 3/2022.
Trong khi đó, Công ty Du lịch VietFoot Travel thông báo mở trở lại tất cả dịch vụ du lịch châu Âu từ ngày 21/2.
“Công ty đã có hai đoàn, mỗi đoàn 15 người đặt dịch vụ đi Pháp - Thụy Sỹ - Italia, một số khách đặt vé đi xem World Cup tại Doha (Qatar)”, ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc VietFoot Travel chia sẻ.
Những doanh nghiệp chưa có tour "mở hàng" thì cũng đang trong giai đoạn chạy nước rút, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, cho hay, việc mở cửa đón khách trong điều kiện đảm bảo hoạt động du lịch an toàn sẽ là cơ hội lớn để phát huy lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các thị trường lân cận, đồng thời góp phần khôi phục ngành lưu trú, lữ hành và các tổ hợp du lịch khác.
Ông Dũng cho hay, lữ hành Fiditour - Vietluxtour vẫn duy trì hoạt động kinh doanh đều đặn trong suốt các đợt giãn cách vừa qua. Điều này phần nào giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng linh hoạt trong tổ chức, hoạt động kinh doanh và sự ứng biến trong giai đoạn đầu "tái sinh" hiện nay.
“Chúng tôi đã chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi từ rất lâu, mọi hoạt động làm việc với đối tác trong và ngoài nước vẫn diễn ra thường xuyên để chuẩn bị sẵn sàng các gói sản phẩm, phục vụ cho nhu cầu của các thị trường trong giai đoạn bình thường mới”, ông Dũng nói.
Với thị trường inbound, ông Dũng cho biết, công ty ông cũng duy trì các hoạt động tiếp thị, tham gia hội thảo, hội chợ chuyên ngành online suốt thời gian qua để giữ tương tác và cập nhật sản phẩm, tình hình du lịch Việt Nam với các thị trường vốn là thế mạnh như châu Âu, Mỹ, Úc, Đông Bắc Á…
Công ty Du lịch Tràng An chuyên về du lịch outbound nên 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đơn vị gần như không hoạt động, thay vào đó chuyển hướng kinh doanh lương thực, thực phẩm. Khi có thông tin du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại, doanh nghiệp đã lập tập hợp đội ngũ nhân sự để lên kế hoạch "hồi sinh".
“Chúng tôi đã xây dựng sản phẩm du lịch nước ngoài, chủ yếu là đến các thị trường truyền thống của công ty tại châu Âu như Nga, Pháp và một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan”, ông Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc công ty - nói.
Còn theo đại diện của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, trong suốt thời gian dịch bệnh, Saigontourist vẫn kết nối làm việc với các đối tác để cập nhật thủ tục visa và quy định phòng chống dịch của mỗi quốc gia khi khách Việt Nam nhập cảnh. Đội ngũ nhân sự cũng được công ty đặc biệt chú ý, vì vậy, khi mở cửa trở lại, công ty sẽ không rơi vào tình cảnh thiếu nhân sự. Hiện các tour khởi hành tháng 2, 3, 4, dịp 30/4 và nghỉ hè của doanh nghiệp đã được sắp xếp, phân công nhân viên phụ trách và dự trù số lượng hướng dẫn viên cho các đoàn khách MICE phát sinh.
Nhiều “nút thắt” cần gỡ
Mặc dù đã sẵn sàng cho "giờ G" mở cửa lại du lịch từ 15/3 nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn lo lắng và cho rằng, để du lịch thực sự phát triển, cần phải gỡ nhiều nút thắt.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, nêu vấn đề, từ 15/3, rất có thể sẽ miễn lại visa như cũ nhưng nảy sinh một số vấn đề khác, trong đó nổi bật là mối lo về quy định xử lý các trường hợp F0, F1 của Việt Nam vẫn phức tạp.
Cụ thể, quy định F0 và F1 phải cách ly y tế có thể khiến nhiều du khách sẽ ngại sang Việt Nam. Nếu đi nghỉ dưỡng thì được, nhưng du lịch sẽ ít người quan tâm. Bởi lẽ, khách từ châu Âu bay sang với mức phí cao, nên một ngày cách ly cũng khiến họ có thể mất mấy trăm USD.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành lo những quy định thiếu thống nhất sẽ gây cản trở quá trình phục hồi. (Ảnh minh họa)
Một vấn đề khác cũng được lãnh đạo nhiều công ty lữ hành băn khoăn là các hướng dẫn hiện nay vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.
Giám đốc Công ty Du lịch Pattours Vũ Giang Biên dẫn chứng, hiện chưa có chính sách và hướng dẫn rõ ràng trong việc xử lý tình huống phát sinh như khách đi du lịch quốc tế bị F0.
“Phần lớn doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam đang phải tự làm việc lại với các hãng bảo hiểm về các gói dịch vụ bảo hiểm COVID-19”, vị giám đốc này nói.
Các chuyên gia cho rằng, điều cần nhất hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp khi mở cửa du lịch, du khách có trách nhiệm ra sao khi sang Việt Nam, trường hợp có COVID-19 thì xử lý thế nào…
Đặc biệt, các quy định này phải thống nhất từ Trung ương xuống địa phương để áp dụng thông suốt, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu. Trước đây khi Chính phủ có Nghị quyết 128 nhưng nhiều địa phương vẫn "ngăn sông cấm chợ", tình trạng này cần phải ngăn chặn để không diễn ra, các địa phương phải cùng mở cửa, đặc biệt những địa phương du lịch lớn.
Tương tự, ông Trần Thế Dũng cũng cho rằng, mục tiêu du lịch là để thư giãn nên nếu điểm đến không đạt được yêu cầu này (quá nhiều điều kiện, quy định; chính sách không rõ ràng, đồng bộ…) có thể sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định chọn địa điểm du lịch của du khách.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng băn khoăn về việc vận tải hành khách quốc tế đến Việt Nam.
Giám đốc Công ty Du lịch Asia Sun Lê Thanh Thảo băn khoăn, thời điểm này, các hãng hàng không đều mở trở lại các đường bay nhưng tần suất lại không thường xuyên. Đây cũng là một trong những khó khăn buộc các doanh nghiệp phải tính toán lại lịch trình cho khách cũng như lên phương án xử lý rủi ro.
“Trước kia, khách bị nhỡ chuyến bay thì có ngay chuyến khác nối chuyến. Nhưng hiện nay, nếu khách nhỡ chuyến, có thể phải mất cả tuần mới có chuyến bay kế tiếp”, bà Thảo nói.
Đại diện của Saigontourist cũng chia sẻ, ngày 15/2 mở cửa các đường bay quốc tế, đây là bước chuẩn bị tốt cho việc mở cửa du lịch 15/3 sắp tới. Nhưng mới chỉ là mở cửa đường bay, đường bộ thì chưa đủ. Mở cửa hoàn toàn du lịch sẽ phải tính đến phương án mở cửa cảng biển tiến tới khởi động cho phục hồi du lịch tàu biển, tàu sông thu hút khách quốc tế vào Việt Nam.
Do đó, theo các chuyên gia, hàng không và du lịch cũng cần song hành với nhau vì nếu mở cửa du lịch mà có ít chuyến bay thì rất khó cho du khách lựa chọn. Giá cả cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi hiện nay, một số công ty bắt đầu xây dựng lại giá và mở bán các tour du lịch nhưng giá cao gấp 2-3 lần so với trước, vì lượng khách bay ít hơn.