Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp dầu khí Đông Nam Á bên bờ vực sụp đổ

Với nhu cầu dầu mức thấp mọi thời đại, mọi thứ có vẻ tồi tệ với các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, những nước phụ thuộc nhiều vào các dự án dầu khí.

Thế giới đang chứng kiến giá dầu rơi xuống mức giá thấp kỷ lục trong lịch sử, nhưng điều đó không hẳn là dấu hiệu tích cực cho các nước Đông Nam Á, những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và các dự án dầu khí.

Theo South China Morning Post, giới quan sát công nghiệp cho biết cú đập từ đại dịch COVID-19 chưa hồi phục và áp lực giá dầu toàn cầu có thể tổn thương đến ngân sách các quốc gia. Nó còn gây ra làn sóng phá sản và tạo thành một đợt suy thoái mới trong khu vực.

Những quốc gia sản xuất dầu như Indonesia và Malaysia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn hết. Trong khi đó, khu vực ngoài khơi và vùng biển Singapore cũng bị siết chặt hơn. Tan Lian Yok, công ty luật quốc tế K&L Gates Straits Law cho biết: "Dầu có sẵn tại mỏ lẫn trong các kho chứa, nhưng không ai cần. Đó mới là vấn đề đáng lo ngại".

Là khu vực với dân số tăng nhanh và tốc độ đô thị hóa cao, Đông Nam Á là nơi có nhu cầu sử dụng năng lượng khổng lồ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khi nhu cầu thế giới bốc hơi mạnh vì dịch COVID-19, các doanh nghiệp dầu khí trong khu vực đang chật vật bên bờ vực sụp đổ.

Đối với các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Brunei, một phần lớn ngân sách phụ thuộc vào các dự án dầu khí. Giá dầu thô Brent hiện giao dịch ở mức khoảng 22 USD/thùng. Trước khi cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Saudi bùng nổ, giá dầu thế giới dao động ở mức 50 USD/thùng.

Các công ty dầu khí trong nước và quốc tế đều cắt giảm vốn. Indonesia, nhà sản xuất dầu lớn nhất Đông Nam Á, đã hạ thấp dự báo doanh thu chưa thuế từ ngành dầu khí xuống hơn một nửa, chỉ còn 6,7 tỷ USD. Trong khi đó, Malaysia đang phải đối mặt với nguy cơ lỗ 3,8 tỷ USD từ doanh thu liên quan đến dầu mỏ vào năm 2020.

Tàu lưu trữ dầu của Hin Leong tại Singapore. (Ảnh: Reuters)

 

Một báo cáo của Bloomberg cho biết công ty Pertamina thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia, đã thuê tàu chở dầu để lưu trữ nhiên liệu tinh chế trên biển. Bên cạnh đó, chính phủ Australia đã chi 94 triệu USD dự trữ nhiên liệu ở Mỹ để bổ sung vào kho dự trữ quốc gia. Một nguồn tin khác cũng cho biết thêm một số công ty ở Indonesia và Thái Lan đang xem xét yêu cầu hỗ trợ pháp lý với các khoản nợ.

Tại Singapore, công ty thương mại dầu khí Hin Leong Trading đã nộp đơn xin chậm trả nợ trong 6 tháng đối với khoản nợ trị giá 3,85 tỷ USD. Ngân hàng trung ương Singapore khuyến cáo các ngân hàng rằng không nên mạo hiểm trong lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu và dầu mỏ. Cố vấn ngành dầu khí ông Ong Eng Tong cho biết, tình hình nghiêm trọng đến mức các ngân hàng hiện tại hầu như không dám cho công ty kinh doanh dầu mỏ nào vay nợ.

Nguồn: Zing News

Tin mới