Khi mọi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường sau COVID-19, người lao động đều mong chờ khoản thưởng Tết Âm lịch "nặng túi", bù lại nhiều năm thất thu.
Thời điểm này, người lao động nào cũng đang ngóng chờ những khoản phúc lợi tươm tất cuối năm để lo cho gia đình vào dịp Tết cổ truyền. Chị Trần Thị Hiền (43 tuổi, ở Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội) có 15 năm kinh nghiệm làm bếp trưởng bếp ăn công nghiệp cho một doanh nghiệp ở Hà Nội.
Trước đây chị Hiền có cuộc sống tạm ổn khi thu nhập của bản thân được 10 triệu đồng/tháng, chồng làm cán bộ Chi cục Thuế. Tuy nhiên, một tai ương ập xuống giữa lúc các con đang tuổi lớn, đó là chồng chị bị bệnh, phải nghỉ việc giữa chừng, khiến nguồn thu cả nhà giảm quá nửa, một mình chị Hiền phải cáng đáng. Do vậy, hiện tại với chị, hạnh phúc đơn giản là mỗi ngày được đến công ty và cố gắng làm việc thật tốt để có thu nhập, nhất là dịp cuối năm được doanh nghiệp ghi nhận bằng cách thưởng Tết hậu hĩnh, nỗi lo của chị nhờ thế mới có thể vơi bớt.
“Sắp đến Tết, biết là doanh nghiệp cũng khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hy vọng ban giám đốc cố gắng duy trì thưởng Tết như mọi năm, tạo động lực để người lao động phấn đấu làm việc" chị Hiền nói.
Người lao động ngóng khoản thưởng khi Tết Nguyên đán đang đến gần. (Ảnh minh họa)
Còn vợ chồng anh Ma Bá Thón và chị Nông Thị Thu Huyền (quê ở Cao Bằng) cùng là công nhân Công ty TNHH Leo Jins Việt Nam (Đồng Văn, Hà Nam) hiện đang thuê trọ cho biết, tiền lương của 2 vợ chồng được khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng, riêng tiền thuê nhà đã hết 1,5 triệu. Hằng tháng, anh chị phải gửi về quê 3 - 5 triệu đồng để nhờ ông bà chăm nuôi 2 con (11 và 4 tuổi).
Thu nhập hạn chế nên mỗi khi Tết đến gần, vợ chồng anh càng phải gắng gượng: "Vợ chồng tôi mong đến Tết để được về thăm các con. Nhưng khi về thì bố mẹ nào chả muốn có tài chính để sắm Tết cho bọn trẻ, để bù đắp cho các con cả năm thiếu thốn vì xa bố mẹ. Bởi thế, dịp cận Tết năm nào chúng tôi cũng hồi hộp mong chờ doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết để lên kế hoạch mua sắm, chi tiêu. Mong Tết này vợ chồng vẫn có tháng lương thứ 13 để mua đồ chơi, quần áo cho 2 con".
Mong ước của anh Thón cũng là tâm tư của chị Phùng Thị Hà, công nhân Công ty TNHH hệ thống dây dẫn SUMI Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng Văn II, phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên, Hà Nam).
Chị Hà cho biết cả hai vợ chồng chị đều làm công nhân nên rất trông mong vào khoản tiền thưởng Tết để lo liệu đủ việc gia đình. "Những năm trước, công ty tôi thưởng Tết rất khá, từ 1 - 3 tháng lương cơ bản. Tôi làm ở công ty hơn 10 năm, tính ra mức thưởng Tết cũng trên 10 triệu đồng. Còn năm nay không biết thế nào vì công ty phải ngưng hoạt động gần 3 tháng để phòng chống dịch", chị Hà nói.
Trong điều kiện bình thường, tiền thưởng Tết có ý nghĩa vô cùng lớn với người lao động, nay dịch dã liên miên, doanh nghiệp gặp khó, cuộc sống nhiều vất vả thì tiền thưởng Tết chính là hy vọng của người lao động để có cái Tết ấm cúng, sum vầy bên gia đình, người thân và bạn bè.
Mối lo từ đầu năm
Ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Nam Trung Bắc Trung Hiếu (Tiền Giang) nói: “2022 là năm rất khó khăn đối với doanh nghiệp vận tải, vì ngoài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá xăng dầu liên tục biến động trong nửa đầu năm đã khiến doanh nghiệp chật vật suốt thời gian dài. Tuy nhiên, dù khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn phải tính mọi cách để lo thưởng cho công nhân, người lao động khi Tết đến, xuân về”.
Ông Trung nói thêm, việc thưởng Tết cho người lao động không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu điều này đã trở thành văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam, vừa để tạo động lực, giữ chân người lao động vừa để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp nào làm tốt chính sách đối với người lao động, doanh nghiệp đó mới có thể giữ chân được nhân sự lâu dài”, ông Trung nói.
Với nhiều doanh nghiệp, thưởng Tết cho người lao động là mối lo lớn ngay từ đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Lương P., Giám đốc đối ngoại của một tập đoàn dược phẩm cho biết, doanh nghiệp hiện có hơn 1.400 lao động trong cả nước. Nếu chỉ tính mức thưởng Tết bình quân 10 triệu đồng/người thì số tiền đã là 14 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, trong khi doanh nghiệp có nguồn tích lũy không nhiều, ngay cả việc tăng lương, thưởng định kỳ cho người lao động cũng đã là bài toán khó. Tuy nhiên, cả năm làm việc, người lao động thường trông chờ khoản tiền thưởng Tết để chi tiêu cuối năm nên doanh nghiệp cũng không thể không lo Tết cho người lao động được. Vấn đề bây giờ của chúng tôi là thưởng bao nhiêu và xoay xở nguồn tiền như thế nào, chắc chắn sẽ "đau đầu" hơn mọi năm.
Tương tự, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ, do đã tính đến mối lo thưởng Tết cho nhân viên nên hàng tháng doanh nghiệp trích sẵn một phần kinh phí sản xuất, kinh doanh để dự phòng nên dù khó khăn nhưng doanh nghiệp tự tin vẫn đảm bảo có thưởng Tết cho người lao động dịp cuối năm nay.
“Hiện doanh nghiệp đang tạo việc làm cho hơn 2.500 công nhân, người lao động. Trước đây khi chưa bị ảnh hưởng bởi COVID-19, năm nào doanh nghiệp cũng tăng tiền thưởng Tết mỗi năm lên 5-10%. Riêng năm nay, lường trước mọi khó khăn, doanh nghiệp đã tích lũy từ ba quý đầu năm nên dự tính vẫn giữ được mức thưởng Tết như năm ngoái để công nhân, người lao động hài lòng”, ông Phục nói.
Ông Phục cũng nhấn mạnh, câu chuyện ở đây là nhận thức của người lao động và ý thức của doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, thưởng Tết là để động viên, khích lệ, giữ chân người lao động, tạo ra lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động. Còn với người lao động, đây cũng là lúc cần sự đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó mà vẫn cố gắng thưởng Tết với mức tương đối thì người lao động càng nên gắn bó với doanh nghiệp nhiều hơn.
Trong khi đó, theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại Bình Dương, trong năm qua, mặc dù có thể giảm thu nhập nhưng tiền lương của người lao động vẫn được đảm bảo ổn định, ngoài ra, các khoản phúc lợi trong các dịp lễ, Tết cũng được giữ nguyên. Nói về kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2023, phần lớn đều cho biết đang lên phương án để giữ được tiền thưởng Tết và quà Tết cho người lao động như mọi năm.