Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp chạy đua giảm giá tour: Kích cầu hay cuộc chiến giành thị phần?

(VTC News) -

Du lịch nội địa đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng việc hãng lữ hành liên tục tung chiêu giảm giá "khủng" khiến khách hàng bắt đầu hoài nghi.

Phía sau cuộc đua giảm giá "khủng" là gì?

Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục các ngành kinh tế, dịch vụ sau đại dịch COVID-19. Với du lịch - ngành bị cho là chịu thiệt hại nặng nề nhất - trong khi các thị trường quốc tế vẫn phải tạm "đóng cửa" thì kích cầu du lịch nội địa được xem là giải pháp cứu cánh duy nhất, buộc các hãng lữ hành phải chuyển hướng kinh doanh.

Ngay từ đầu tháng 4, thời điểm dừng cách ly xã hội tại nhiều địa phương, hàng loạt doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và hàng không đã liên kết với nhau để tung ra các gói kích cầu du lịch trong nước với mức giảm lên tới 50% và cam kết chất lượng không đổi. Chưa lúc nào đi du lịch lại rẻ như thế, chỉ phải bỏ ra số tiền phải ít hơn trước rất nhiều nhưng du khách vẫn được hưởng những tour sang chảnh, thậm chí còn được sử dụng nhiều dịch vụ hơn. 

Sau hơn hai tháng triển khai việc kích cầu du lịch nội địa một cách đồng bộ, thị trường đã ghi nhận các tín hiệu khả quan với lượng khách du lịch trên cả nước tăng mạnh. Ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh... vào dịp cuối tuần, các nhà hàng, khách sạn gần như phải hoạt động hết công suất. Nhiều thời điểm, các sân bay lớn đều chật kín du khách xếp hàng. Theo giới chuyên gia, về cơ bản, du lịch đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Tuy nhiên, điều lạ là, bước sang tháng 7, tháng cao điểm du lịch, nhiều đơn vị tổ chức tour, nhà hàng, khách sạn vẫn tiếp tục tung các chương trình ưu đãi “khủng”. 

Khảo sát thị trường cho thấy các tour giảm giá sâu nhất tập trung vào Quy Nhơn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc với các chương trình tour 3 đến 5 ngày, hoặc combo giá dao động từ 2 đến 4 triệu đã bao gồm vé máy bay và khách sạn 4-5 sao. Trong khi thông thường giá các tour này là từ 5-7 triệu đồng. Như vậy, mức giảm 50% vẫn đang được duy trì.

Ngoài ra, nhiều khách sạn 4 sao cũng giảm giá phòng chỉ còn 400.000 - 500.000 đồng. Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với giá trước kia của các khách sạn loại này.

Nhiều người băn khoăn: Hiện những chiêu khuyến mãi khủng này vẫn hướng tới mục tiêu kích cầu du lịch hay đang có cuộc chiến ngầm về giá nhằm chiếm giữ thị phần giữa các doanh nghiệp lữ hành?

Chị Thu An ở Hà Đông, Hà Nội đặt câu hỏi: "Trước kia, doanh nghiệp tung khuyến mãi khủng thì có thể hiểu được, vì nhằm kích cầu khi thị trường đang suy yếu. Tuy nhiên, hiện giờ, thị trường đã cơ bản phục hồi, không cần kích cầu cũng đang khá đông khách. Vậy tại sao các hãng vẫn đua nhau khuyến mại, giảm giá? Rất có thể các doanh nghiệp đang cạnh tranh gay gắt với nhau trong cuộc chiến giữ thị phần?".

Cùng với thắc mắc này, nhiều hành khách còn băn khoăn: Liệu với việc giảm giá mạnh, chất lượng tour còn có được đảm bảo? 

Du lịch nội địa được coi là cứu cánh cho ngành du lịch trong khi du lịch quốc tế vẫn bị đóng cửa ( Ảnh: minh hoạ).

Doanh nghiệp du lịch lên tiếng

Trả lời những thắc mắc này, đại diện một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cho biết: "Sau giãn cách xã hội, việc đưa ra các gói ưu đãi du lịch là cần thiết để tái khởi động thị trường, thậm chí doanh nghiệp chấp nhận chỉ cần hoà vốn nên biện pháp giảm giá đóng vai trò rất quan trọng để thu hút du khách".

Để có thể đưa ra được một mức giá ưu đãi thì phải có sự chung sức của tất cả các đơn vị liên quan, chứ không chỉ mình công ty lữ hành. Hiện nhiều đơn vị không còn đưa ra các mức ưu đãi "khủng" nữa nên giá tour đã không còn rẻ như trước. Tuy nhiên, các hãng lữ hành vẫn có thể đưa ra được các gói giá thấp nếu khách hàng chấp nhận chất lượng tương đương như hãng bay giá rẻ, giờ bay bất lợi, khách sạn, suất ăn thấp hơn, hạn chế điểm du lịch...

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại đổi mới, làm phong phú nội dung tour thay vì lựa chọn việc giảm giá, nhằm vẫn đảm bảo chất lượng của tour, giữ chân khách.

Mọi người thường chú trọng vào giá cả để chọn tour nhưng nếu chỉ nhìn vào giá thì rất khó đánh giá chất lượng tour như thế nào. Riêng với Saigontourist, hiện chúng tôi không giảm giá tour mà chỉ đưa ra các ưu đãi, ví dụ như mua máy bay giá rẻ nhưng chất lượng dịch vụ không đổi. Những ưu đãi đó là do các bên từ đơn vị tổ chức tour đến nhà hàng, khách sạn, hàng không …chấp nhận giảm lãi để đưa ra giá tốt nhất cho khách hàng”, bà Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc tiếp thị truyền thông Công ty Saigontourist chia sẻ.

Bà Trà nói thêm, mặc dù không còn triển khai đồng loạt ưu đãi như tháng 5, tháng 6 nhưng Saigontourist đã tập trung vào thiết kế các tour hấp dẫn, phù hợp cho nhiều đối tượng.

Khác với các loại hình dịch vụ khác, sản phẩm du lịch có đặc thù là chỉ biết rõ chất lượng sau khi đã sử dụng. Cho nên có thể việc giảm giá tour sẽ thu hút được khách trước mắt nhưng về lâu dài điều đó sẽ khiến họ không còn tin tưởng vào doanh nghiệp", bà Trà nói thêm.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Như Châu – Tổng Giám đốc tập đoàn Le Pavillon HoiAn group nói: “Mặc dù khách sạn vẫn trong thời điểm hết sức khó khăn nhưng chúng tôi không lựa chọn việc giảm giá để thu hút khách du lịch. Riêng với Le Pavillon HoiAn group mức giảm giá cao nhất chỉ là 30% , đây là mức tối thiểu để chúng tôi có thể đảm bảo chất lượng phục vụ cho du khách. Thay vì giảm giá “khủng” lên đến vài chục %, chúng tôi thực hiện những ưu đãi khác như ưu đãi về dịch vụ vận chuyển, spa, nhà hàng…”.

Ông Châu cũng nêu quan điểm, đã là doanh nghiệp thì phải tính toán đến lợi nhuận, giảm giá đồng nghĩa với giảm lợi nhuận nhưng phải ở mức chấp nhận được, ít nhất đủ chi trả các chi phí vận hành cho khách sạn.

Theo nhiều chuyên gia, kích cầu không chỉ là giảm giá mà phải tạo ra giá trị, tạo ra sự kiện và điểm đến, bởi du khách không chỉ đến để ăn ngủ mà còn trải nghiệm những giá trị tự nhiên, văn hóa của địa phương. Phục hồi các sự kiện văn hóa, xây dựng sản phẩm mới, tạo sự chỉnh chu, chuyên nghiệp hơn trong việc đón khách... là những giải pháp cần thiết nhất để kích cầu du lịch.

Việc giảm giá quá sâu có thể khiến chính các doanh nghiệp lưu trú tự làm khó bản thân mình. Khi ngành du lịch trở lại bình thường thì rất khó để đưa giá trở về với mức cũ hoặc có thể làm cho người tiêu dùng bị "sốc giá".   

LAN HƯƠNG

Tin mới