Xung quanh những tranh cãi về thống kê mới đây của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về con số nam giới chiếm 81% thống kê giới tính liên quan tai nạn, nhiều người giữ quan điểm con số chưa phản ánh được thực tiễn về năng lực của nữ giới khi tham gia giao thông.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), cho rằng những tranh cãi xoay quanh vấn đề này phản ánh một thực trạng về định kiến giới trong lĩnh vực giao thông. Phụ nữ đang phải gánh chịu quá nhiều định kiến, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Zing dẫn lại quan điểm của bà xoay quanh vấn đề này.
Định kiến giới tồn tại dai dẳng
"Định kiến giới vẫn tồn tại một cách dai dẳng" là cụm từ mà tôi đã nghe thấy từ cách đây hơn 20 năm. Nhưng đến nay, nó vẫn được nói đến trong các tài liệu nghiên cứu, đề xuất chính sách và trong các chương trình truyền thông.
Định kiến về vai trò, giá trị, khả năng, sự đóng góp và thụ hưởng của mỗi giới vẫn tồn tại trong cả người trẻ - những người thường được xem là cởi mở hơn, có cơ hội trao đổi, học hỏi nhiều hơn. Trong lĩnh vực giao thông, tôi vẫn thường thấy những định kiến về khả năng điều khiển phương tiện giao thông của nữ giới.
Thống kê về các nguyên nhân gây tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2020 theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. (Ảnh: Hồng Quang)
Trong nhiều trường hợp, khách hàng từ chối sử dụng dịch vụ khi biết tài xế là nữ hay tỏ thái độ thiếu tin tưởng khi ngồi sau tay lái là nữ. Với những vụ tai nạn giao thông, nếu người gây tai nạn là nữ thì giới tính của họ sẽ được nhấn mạnh để củng cố thêm định kiến về khả năng lái xe của nữ giới.
Nhưng thực tế, dù mang giới tính nào thì không ai sinh ra đã có thể lái xe giỏi mà phải qua học hành và trải nghiệm.
Con số nam giới chiếm 81% thống kê giới tính liên quan tai nạn, còn ở nữ giới là 19% chưa đủ để nói lên thực trạng tai nạn giao thông dưới góc độ giới.
Để có thể phân tích thêm về việc giới nào gây tai nạn nhiều hơn, tôi còn cần thêm những số liệu như hiện nay có bao nhiêu nữ giới hay nam giới được cấp giấy phép lái xe, bao nhiêu người thường xuyên lái xe, họ lái xe máy hay ôtô, họ ở tình trạng nào khi gây tai nạn giao thông...
Tuy nhiên, cho rằng "bán xăng cho phụ nữ là tội ác" thực sự là định kiến về khả năng lái xe của nữ giới. Định kiến giới này xuất hiện và được duy trì do cách truyền thông nhấn mạnh vào yếu tố giới tính trong các vụ tai nạn. Ngoài ra, cách giáo dục ở cấp độ gia đình, nhà trường và xã hội về khả năng của nam giới, nữ giới khi tham gia giao thông cũng là lý do khiến định kiến này xuất hiện.
Giới tính không phản ánh năng lực
Định kiến giới không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nữ giới mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nam giới cũng như giới khác.
Với nữ giới, định kiến giới là cho họ phải gồng mình thể hiện nữ tính, xinh đẹp, đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà. Điều này ảnh hưởng đến việc học hành, lựa chọn nghề nghiệp và con đường thăng tiến trong tương lai.
Với nam giới, họ phải gồng mình để thể hiện nam tính, galant, đóng vai trò trụ cột về kinh tế và ra quyết định, phải thể hiện bản lĩnh đàn ông qua rượu bia. Từ đó, họ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và các mối quan hệ.
Với những người thuộc cộng đồng LGBT, cũng có những áp lực khi thể hiện bản dạng giới của mình hay bị phân biệt đối xử trong học hành và tìm kiếm việc làm.
Nhiều người hoài nghi về năng lực của phụ nữ khi tham gia giao thông. (Ảnh minh họa)
Trong quá trình thực hiện các nghiên cứu cũng như quan sát thực tế, tôi thường thấy những định kiến như nữ giới thì chân yếu tay mềm không khoẻ như nam giới, chỉ nữ giới mới làm tốt việc nhà và chăm sóc con cái.
Nữ giới thì phù hợp hơn với những công việc thuộc lĩnh vực xã hội hay kế toán, nữ giới thì không phù hợp với những ngành nghề mang tính kỹ thuật hay những ngành nghề được xem là nguy hiểm như công an, quân đội. Nữ giới thường bị cho là thì thiếu quyết đoán ở vai trò lãnh đạo, quyết định hay nữ giới thì ít tiêu cực, tham nhũng hơn nam giới.
Năng lực của nữ giới khi tham gia giao thông cũng nằm trong số những định kiến này.
Việc xoá bỏ định kiến giới cũng cần có thời gian và nguồn lực để thực hiện các chương trình truyền thông, rà soát các sản phẩm truyền thông, giáo dục và quảng cáo tồn tại định kiến hay kỳ thị giới.
Một vấn đề cũng không kém quan trọng nhưng thách thức, là trong quá trình truyền thông không được tạo ra những khuôn mẫu giới mới về nam giới, nữ giới hay giới khác.
Do đó, để xoá bỏ định kiến, bao gồm định kiến khi tham gia giao thông không chỉ là vai trò của nữ giới mà là vai trò của mọi giới thuộc các độ tuổi và thành phần khác nhau.
Trong lĩnh vực giao thông, truyền thông cần công bằng khi đưa tin về sự tham gia của mỗi giới. Giới tính không ảnh hưởng đến việc gây tai nạn mà chất lượng các công trình giao thông, khả năng lái xe hay tình trạng sức khoẻ thể chất, tinh thần của tài xế mới là nguyên nhân gây tai nạn.
Dù là nam giới hay nữ giới, tôi cho rằng bất kỳ ai cũng đều phải học về khả năng lái xe và luật pháp về giao thông để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.