Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đình chỉ cán bộ gác chân lên bàn, quy định nào?

(VTC News) -

Quy định nào cho phép Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đình chỉ công tác đối với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk R'lấp với lý do ông này gác chân lên bàn làm việc?

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông mới đây chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lê Văn Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk R'lấp. Một trong các lý do đình chỉ là để xác minh thông tin phản ánh ông này có thói quen gác 2 chân lên bàn làm việc. Động thái này xảy ra sau khi trên mạng lan truyền một bức ảnh và đoạn clip ghi cảnh ông Tường vừa hút thuốc, gác chân lên bàn vừa đọc văn bản ở cơ quan.

Phản ứng của Sở NN&PTNT Đắk Nông khiến dư luận sửng sốt đến bật ngửa. Rất nhiều người cho rằng cơ quan này đã quá vội vàng “chạy theo” cộng đồng mạng khi quyết định đình chỉ công tác cán bộ lãnh đạo một cách dễ dãi, tùy tiện.

Hình ảnh ông Lê Văn Tường gác chân lên bàn khi làm việc tại cơ quan.

Quy định nào cho phép đình chỉ công tác ông Lê Văn Tường? Theo điều 81 Luật Cán bộ, công chức 2008, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức mà nếu để người đó tiếp tục làm việc thì có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Ông Tường vi phạm gì mà đến mức nếu không đình chỉ thì sẽ gây khó khăn cho việc xử lý? 

Địa phương cần làm rõ, việc đình chỉ công tác ông Lê Văn Tường có sai không, nếu sai thì người ký phải chịu trách nhiệm thế nào?

Đối với người Việt, hành vi gác chân lên bàn trước mặt người khác được coi là bất lịch sự. Nếu cán bộ làm như vậy khi tiếp dân thì đó là biểu hiện không tôn trọng, cần kỷ luật. Tuy nhiên, vị hạt trưởng kiểm lâm chỉ gác chân khi làm việc một mình trong phòng, không ảnh hưởng đến ai. Tôi chắc rằng rất nhiều người có phòng làm việc riêng cũng tự cho mình được thoải mái một chút khi ở một mình, như nới cúc áo, cho chân lên ghế, gác chân lên bàn, thậm chí nằm đọc tài liệu trên sofa…

Nếu ông Tường để người khác nhìn thấy hành vi gác chân lên bàn nơi công sở, gây cảm xúc và dư luận không tốt thì đó là lỗi thuộc về tác phong, chỉ cần nhắc nhở, phê bình để cán bộ chú ý điều chỉnh là được, sao đến mức phải đình chỉ công tác?

Nếu xét vấn đề tư cách đạo đức trong câu chuyện này thì đối tượng cần nhắm đến không phải ông Tường mà là kẻ đã rình rập để quay, chụp những khoảnh khắc riêng tư của đồng chí, đồng nghiệp rồi tung lên mạng, làm lớn chuyện với mục đích bêu riếu, hạ bệ; khiến người đó thành con mồi cho sự tấn công hung hãn của cộng đồng mạng, bị quy chụp về đạo đức vì những phút hớ hênh lơ đãng trong phòng riêng. Kẻ quay lén này cần bị đuổi cổ khỏi cơ quan, bởi hắn là kẻ phá hoại, không dành thời giờ và sức lực, trí tuệ cho công việc mà để đâm bị thóc chọc bị gạo, bôi nhọ người khác, gây mất ổn định cơ quan, tổ chức. Dung túng cho những kẻ như vậy là góp phần làm suy đồi đạo đức của nhân viên, cán bộ, làm suy yếu năng lực làm việc của cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, phải truy cứu trách nhiệm người tham mưu và ký quyết định tạm đình chỉ công tác ông Tường một cách tùy tiện, vô lối. Địa phương cần làm rõ, việc đình chỉ đó có sai không, nếu sai thì người ký phải chịu trách nhiệm thế nào?

Thời nay, chúng ta đang phải sống song song trong cả thế giới thật và mạng xã hội, không chỉ cá nhân mà cả các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước cũng luôn đối mặt với những áp lực, những tác động của cộng đồng mạng. Cần nhất là luôn giữ sự tính táo để có hành động, phản ứng hợp lý .

Về phía các cơ quan chức năng, lắng nghe dư luận và xử lý kịp thời những vụ việc gây bức xúc là rất đúng, rất nên làm, nhưng cứ chạy theo truyền thông, theo phản ứng của dân mạng kiểu này thì rất khôi hài! Còn nếu lợi dụng thói a dua của cộng đồng mạng, mượn cớ xác minh phản ánh của dư luận vì mục đích khác thì miễn bàn.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Phạm Quỳnh

Tin mới