Với người Việt Nam, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm là ngày quốc lễ, ngày hướng về nguồn cội tổ tiên thời dựng nước mà đại diện thiêng liêng nhất chính là các vua Hùng. Tuy các thông tin chi tiết về triều đại này chỉ tồn tại trong huyền sử, đây được coi là vương triều đầu tiên của người Việt Nam.
Các vua Hùng trị vị nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của chúng ta. Triều Hùng được cho là tồn tại từ khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên cho đến khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Cuốn Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng mệnh soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470, thời vua Lê Thánh Tông) là văn bản cổ ghi lại nhiều thông tin chi tiết nhất về triều đại này.
Ngọc phả gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán, ghi chép chi tiết về vương hiệu, số năm trị vì của từng đời vua Hùng, tuổi thọ, công trạng và sự tích cụ thể của một số đời vua. Tuy nhiên, đây là những thông tin mang tính huyền thoại, không phải sử liệu. Theo đó, cả 18 vua Hùng đều sống và trị vì rất lâu.
Cụ thể, vua Hùng đầu tiên - Kinh Dương Vương trị vì 215 năm, thọ 260 tuổi. Kế vị ngài là Lạc Long Quân - Hùng Hiền Vương, thọ 420 tuổi. Ông không chỉ là vua Hùng sống thọ nhất mà còn giữ kỷ lục về thời gian trị vì, hẳn 400 năm. Về việc ai là vua Hùng đầu tiên, các truyền thuyết khác có sự khác biệt, chẳng hạn truyện Con rồng cháu Tiên coi cháu nội Kinh Dương Vương, con trai Lạc Long Quân mới là vua Hùng đầu tiên.
Các đời vua Hùng ai cũng thọ trên 100 tuổi nhưng người thọ nhất lại sống tới hơn 4 thế kỷ. (ẢnhTechz)
Hùng Quốc Vương – đời vua thứ ba – thọ 260 tuổi, trị vì 221 năm. Tiếp theo là Hùng Việp Vương ở ngôi 300 năm. Ngọc phả không ghi tuổi của ngài, nhưng thời gian trị vì cho thấy ngài sống hơn 300 năm.
Vua Hùng “chết trẻ” nhất Hùng Huy Vương (đời thứ 6), qua đời khi 100 tuổi sau 87 năm trị vì. Con trai ngài, Hùng Chiêu Vương, “cha đẻ” của bánh chưng, bánh giầy, người khi còn là hoàng tử được gọi là Lang Liêu, lại làm vua 200 năm.
Ngọc phả Hùng Vương không ghi chép về tuổi thọ của những vị vua sau nhưng đều cho biết về thời gian trị vì của họ, đều trên dưới 100 năm, trong đó:
Đời thứ 8: Hùng Vĩ Vương, ở ngôi được 100 năm.
Đời thứ 9: Hùng Định Vương ở ngôi 80 năm.
Đời thứ 10: Hùng Uy Vương ở ngôi 90 năm.
Đời thứ 11: Hùng Trinh Vương ở ngôi 170 năm.
Đời thứ 12: Hùng Vũ Vương ở ngôi 96 năm.
Đời thứ 13: Hùng Việt Vương ở ngôi 105 năm.
Đời thứ 14: Hùng Anh Vương ở ngôi 99 năm.
Đời thứ 15: Hùng Triều Vương ở ngôi 94 năm.
Đời thứ 16: Hùng Tạo Vương ở ngôi 92 năm.
Đời thứ 17: Hùng Nghị Vương ở ngôi 160 năm.
Đời thứ 18: Hùng Tuyền Vương ở ngôi 115 năm.
Với góc nhìn duy lý, mọi người đều biết con số tuổi thọ kể trên không thể có trong thực tế, vì tuổi thọ trung bình của con người thời cổ rất thấp. Sử gia Ngô Thì Sĩ từng bình luận về tuổi thọ của các vua Hùng trong cuốn Việt Sử tiêu án (năm 1775): "Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được".
Một số nhà sử học cho rằng, có thể 18 đời vua Hùng không phải là 18 ông vua cụ thể, mà là 18 chi, mỗi chi có nhiều vị vua thay nhau trị nước và dùng chung vương hiệu, nên tổng cộng số năm ở ngôi mới dài như vậy. Con số 18 cũng chỉ mang tính tượng trưng ước lệ, là bội số của 9, con số thiêng, ý nghĩa của 18 đời vua Hùng thực ra là nhiều đời vua nối tiếp nhau.
Trong rất nhiều nền văn hóa, các vị vua, thủ lĩnh thời cổ đại thường có tuổi thọ rất cao, vì đó đều là nhân vật của truyền thuyết. Chẳng hạn, Tam Hoàng - 3 vị vua huyền thoại của Trung Quốc thời cổ - đều rất thọ: Phục Hy ở ngôi 115 năm (có sách chép 121 năm); Thần Nông làm vua 140 năm, còn Hoàng Đế (Hiên Viên) thọ 113 tuổi, làm vua 99 năm.
Trong Kinh thánh Cựu ước, các thủ lĩnh bộ tộc tổ tiên người Do Thái cũng sống lâu đến “không tưởng: Adam thọ 930 tuổi; Noah - người đóng tàu vượt qua đại hồng thủy - sống 950 năm, tổ phụ Abraham sống 175 tuổi…
Tuổi thọ cao gấp nhiều lần so với người thường là một dấu hiệu của nhân vật phi thường, được tôn kính đặc biệt nên được gán cho những đặc điểm siêu nhiên, thần thánh. Đối với người Việt Nam, các vua Hùng cũng tồn tại trong ánh sáng huyền thoại, kính ngưỡng như thế.