Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều gì xảy ra nếu Iran tấn công trả đũa Israel?

(VTC News) -

Theo nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Iran sẽ đáp trả loạt ám sát thủ lĩnh trục kháng chiến và không loại trừ Israel sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là giữa trục kháng chiến của Iran với Israel đang ngày càng gia tăng sau vụ ám sát hàng loạt thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah, những nước đi tiếp theo của Tehran và Tel Aviv đang được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao.

Những tuyên bố của lãnh đạo tối cao Iran vừa qua đặt ra mối đe dọa chưa từng có đối với Israel khi Tel Aviv nằm lọt thỏm giữa vòng bao vây của trục kháng chiến ở Trung Đông, gồm: Phong trào Hamas của Palestine, Hezbollah ở Lebanon, các nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite ở Iraq, Syria và lực lượng dân quân Houthi của Yemen.

Đây không phải là lần đầu tiên Israel đối đầu với trục kháng chiến. Hầu hết những lần trước đó các nguy cơ xung đột đều được hóa giải thông qua ngoại giao hoặc kiềm chế về hành động quân sự. Có nhận định rằng lần này các giải pháp ngoại giao không còn hiệu quả khi Tel Aviv ám sát các lãnh đạo Hamas và Hezbollah dẫn đến căng thẳng leo thang không thể vãn hồi.

Trước viễn cảnh một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể bùng phát ở Trung Đông, PV Báo điện tử VTC News có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quang Khai - nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông.

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai. (Ảnh: Thạch Anh)

- Ông đánh giá thế nào về việc Iran vẫn “im lặng” một tuần tuyên bố sẽ đáp trả “đẫm máu” Israel sau vụ ám sát loạt lãnh đạo Hamas, Hezbollah và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo?

Tôi không cho rằng Iran im lặng mà vẫn ráo riết chuẩn bị đáp trả việc Israel sát hại Trưởng văn phòng chính trị Hamas Ismail Haniyeh và nhân vật thứ hai của Hezbollah ở Lebanon. Ngay sau khi hai nhà lãnh đạo của Hamas và Hezbollah bị giết, cả Hezbollah và Iran đều tuyên bố rất mạnh là sẽ đáp trả một cách khốc liệt.

Trên thực tế, lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei đã ra lệnh cho lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và quân đội Iran sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị cho cuộc đáp trả lớn vào Israel. Tuy nhiên đến nay Iran vẫn chưa phát động cuộc tấn công đó bởi họ đang phải tính toán rất kỹ trước khi phản công tổng lực vào Israel. Hiện nay Iran đang có cuộc họp trực tiếp tại Tehran với các tổ chức thuộc trục kháng chiến để bàn về phương thức và thời điểm tấn công Israel. 

Do cuộc tấn công lần này khác với lần Iran phát động vào Israel hồi tháng 4 sau khi Israel pháo kích lãnh sự quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria khiến 7 cố vấn quân sự thiệt mạng. Sau đó, Iran đã mở cuộc tấn công trực tiếp vào Israel với hàng trăm phát tên lửa và UAV. Tuy nhiên lần này, Iran phải cân nhắc mức độ và thời điểm để tránh gây thiệt hại lớn vì hiện nay Israel có sự hậu thuẫn lớn của Mỹ.

Mỹ đã đưa lực lượng hùng hậu với tàu sân bay USS Abraham Lincoln hay cả tàu ngầm có tên lửa đến khu vực để bảo vệ Israel. Đồng thời, Israel cũng đã tuyên bố đáp trả mạnh mẽ nếu Iran tấn công. Với tình hình đó, Iran sẽ phải tính toán để hạn chế thiệt hại cho chính mình cũng như tránh bùng phát xung đột khu vực.

Một yếu tố khác mà Iran cần cân nhắc là cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã gọi cho Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian yêu cầu kiềm chế và không nên đáp trả mạnh mẽ vào Israel trong lúc này.  

Tôi vẫn cho rằng Iran dứt khoát phải đánh trả Israel, bởi hành động ám sát thủ lĩnh Hamas ngay tại thủ đô Tehran ngay trước mặt hơn 100 đoàn đại biểu quốc tế trong lễ nhậm chức của tân Tổng thống đã vi phạm thô bạo độc lập, chủ quyền của Iran. Trong tình hình đó, Iran không thể không đáp trả, nhưng vẫn phải tính toán để không bùng phát xung đột không có lợi cho tất cả các bên.

- Các thành viên thuộc trục kháng chiến từ đầu tháng 8 đã liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công vào Israel. Vai trò của Iran trong việc này?

Trục kháng chiến gồm Hezbollah, Houthi, Hamas, các lực lượng dân quân ở Iraq hay các phong trào vũ trang ở Syria do Iran lãnh đạo. Tôi cho rằng Iran sẽ không tiến hành tấn công trực tiếp vào Israel mà sẽ thông qua những lực lượng này. 

Ngay sau khi thủ lĩnh của Hamas và chỉ huy của Hezbollah bị sát hại, Hezbollah đã bắn tên lửa hàng ngày vào lãnh thổ Israel. Houthi thì tăng cường tấn công các tàu chở hàng ở biển Đỏ có liên kết với Israel. Tôi cho rằng đang có thỏa thuận giữa Iran với các nhóm thuộc trục kháng chiến và đây là giải pháp thông minh để tránh đối đầu trực diện. Có thể coi đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

 - Trong khi Iran và trục kháng chiến lẫn các đồng minh của Israel liên tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao thì Israel tiếp tục thực hiện hoạt động quân sự gây ra thương vong lớn về dân thường ở Gaza. Vì sao Tel Aviv tiếp tục các hành động khiêu khích như vậy và mục tiêu của họ là gì?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang chịu áp lực rất lớn từ nội bộ. Lực lượng của phe đối lập với chính phủ cũng như các cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham gia của hàng chục nghìn người ở thủ đô Tel Aviv đã đòi ông Netanyahu phải từ chức, tổ chức bầu cử mới.

Đồng thời, ông Netanyahu cũng bị dư luận trong nước chỉ trích rất nặng nề bởi để xảy ra những sơ suất về an ninh dẫn đến cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023. Đó là một điều không thể chấp nhận được. Với sức mạnh của Israel, với cơ quan tình báo tinh nhuệ và quân đội mạnh nhưng vẫn để Hamas tấn công, bắt đi nhiều con tin thì đó là lỗi lầm của ông Netanyahu.

Thứ hai, ông cũng đang bị chỉ trích rất gay gắt vì chiến dịch quân sự của Israel vào Gaza đến nay đã hơn 10 tháng mà không đạt được mục tiêu đè bẹp Hamas, đòi lại con tin. Ngay trong chính phủ Israel cũng đang có những phần tử cực hữu, đòi ông Netanyahu phải tiến hành chiến dịch quân sự đến cùng, trong đó có 2 nhân vật cực kỳ hiếu chiến là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben Gvir. 

Ông Netanyahu đang phải chịu áp lực rất lớn từ trong nước và nội các nên buộc phải tiếp tục cuộc chiến. (Ảnh: Times of Israel)

Hai Bộ trưởng này là hai người cực đoan nhất trong nội các ông Netanyahu, luôn tìm cách tiêu diệt Palestine và không quan hệ với các nước Ả Rập, bác bỏ việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập. 

Trong tình hình đó, ông Netanyahu buộc phải tiến hành chiến tranh đến cùng và nếu ông ngừng chiến dịch quân sự này thì ông ta sẽ phải ra đi và chính quyền của ông cũng sẽ sụp đổ. Nỗ lực chiến tranh của Netanyahu nhằm bảo vệ uy tín, vị trí và chức vụ của mình.

Ngoài ra, Thủ tướng Netanyahu cũng đang vướng vào vòng lao lý khi bị truy tố với cáo buộc tham nhũng, lạm dụng lòng tin, nhận hối lộ. Việc tiến hành chiến tranh lúc này cũng nhằm đánh lạc hướng dư luận.

- Tehran hiện tại cũng đang đối mặt với những khó khăn riêng về chính trị lẫn kinh tế, liệu Iran còn đủ tiềm lực để thực hiện chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ?

Mới đây nhất vào ngày 10/8, Cơ quan tình báo Mossad của Israel cho biết Iran sẽ mở cuộc tấn công vào Israel trong vòng vài ngày tới. Nhưng như tôi đã nói, Iran sẽ phải cân nhắc nhiều để không gây ra thiệt hại lớn nhằm ngăn cản bùng phát cuộc chiến ra toàn bộ khu vực. 

Sức mạnh quân sự của Israel vào loại lớn nhất ở Trung Đông và họ sở hữu những vũ khí rất hiện đại. Họ có bom nguyên tử, hàng trăm đầu đạn hạt nhân. Nếu chiến tranh bùng nổ, không loại trừ khả năng Israel sẽ sử dụng tới những loại vũ khí này để đánh trả Iran.

Trong khi đó, Iran sở hữu 3.000 tên lửa đạn đạo và tên lửa tự hành có tầm bắn 2.000 - 2.500 km, có thể bắn từ lãnh thổ Iran sang Israel. Ngoài ra họ cũng có kho UAV rất hiện đại có thể vươn tới Israel, với hơn 50 loại.

 

Trong tháng 4 vừa qua, họ đã từng bắn tên lửa đạn đạo, UAV sang Israel. Trong tình hình tương quan lực lượng 2 bên như vậy, việc bùng nổ ra một cuộc chiến tranh đối đầu trực diện giữa 2 nước sẽ đem lại hậu quả hết sức khủng khiếp. Cho nên, ngay cả Israel hay Iran đều đang phải tránh đối đầu trực diện giữa 2 phía.

- Cuộc chiến của Israel hiện liệu có chịu tác động từ cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ?

Cuộc chiến của Israel ở Gaza và Trung Đông có tác động tới bầu cử Mỹ và ngược lại. Tháng 6 vừa qua, một ứng cử viên đảng Dân chủ đã thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ do quan điểm của ông này là đòi Israel chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. 

Sắp tới đây, ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris sẽ phải tính toán để giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới. Ngược lại, cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến của Israel ở Gaza. Ở đây, tôi phải nói rõ một điều rằng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có rất nhiều điểm giống nhau ở những khía cạnh chiến lược, chẳng hạn như quan hệ với Nga, Trung Quốc, cuộc chiến ở Trung Đông, thế giới đơn cực hay nỗ lực chống lại thế giới đa cực.

Hai đảng này khác nhau ở phương thức. Ví dụ như cuộc chiến ở Trung Đông, đảng Dân chủ muốn có giải pháp ngừng bắn, trở lại đàm phán, trao đổi con tin. Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ mạnh mẽ và bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ cho Israel - đồng minh số 1 của Mỹ ở khu vực. Tuy nhiên phải nói rằng đảng Cộng hòa ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn.

Ngay trong chiến dịch tranh cử này, họ cũng đã ủng hộ rõ ràng lợi ích, an ninh của nhà nước Israel. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Mỹ tháng 7 vừa qua, ông Netanyahu đã gặp ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và nói rằng có lẽ Donald Trump sẽ có nhiều cơ hội thắng cử sắp tới, nhằm tranh thủ sự ủng hộ trong cuộc chiến ở Gaza.

- Chính sách đối ngoại ở Trung Đông của hai ứng viên đảng Cộng hòa và Dân chủ hiện nay ra sao, nhất là nếu họ thắng cử?

Phải nói rằng ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris có nhiều khác biệt với ông Donald Trump, riêng trong vấn đề Israel và cuộc chiến Gaza. Về chính sách chung, họ cũng tương đồng nhưng về phương thức có khác biệt. Bà Harris đã kêu gọi Israel ngừng bắn và kêu gọi viện trợ nhân đạo cho Gaza. Cuộc chiến này đã kéo dài hơn 10 tháng, khiến 40.000 người thiệt mạng, 80.000 người bị thương, gần 2 triệu người mất nhà cửa.

Đó là lý do bà Harris yêu cầu Israel phải chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Netanyahu có bài phát biểu trước Quốc hội nhưng rất nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ không tới dự, tẩy chay. Ngay cả bà Harris, hay Nancy Pelosi cũng không tới. Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa đều đứng dậy hoan nghênh bài phát biểu của ông Netanyahu.

Tôi cho rằng nếu ông Donald Trump thắng cử, tình hình ở Trung Đông sẽ hết sức phức tạp. Chúng ta còn nhớ trong nhiệm kỳ trước, ông Trump là tác giả của Hiệp định Abraham 2021, dẫn tới bình thường hóa quan hệ của Israel với một số nước Ả Rập như UAE, Barain. Ông Trump cũng là người công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đó, thừa nhận Cao nguyên Golan là của Israel, đi ngược lại lợi ích của các nước Ả Rập.

Nếu ông Donald Trump đắc cử, có thể sẽ có đối đầu mới giữa Israel với không chỉ Palestine mà các nước Ả Rập. Israel sẽ phải quay lại bàn đàm phán với Hamas. Rất mừng là ông Netanyahu đã chấp nhận yêu cầu đàm phán và cử Giám đốc cơ quan tình báo quay lại bàn đàm phán hôm 15/8 tới đây.

Nhưng tôi cho rằng cuộc đàm phán này cũng không phải dễ dàng. Việc Israel quay lại bàn đàm phán là do sức ép nội bộ và quốc tế, chứ trên thực tế ông Netanyahu và chính phủ không thực sự muốn đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.

- Theo ông, liệu có triển vọng Israel và Hamas sẽ ngừng bắn?

Nếu thực sự Israel muốn chấm dứt chiến tranh, thì chỉ cần rút quân khỏi Gaza. Hamas cho biết nếu Israel rút quân, họ sẽ trao trả con tin và hỗ trợ thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Palestine. Cần biết rằng Hamas cũng có thiện chí và họ nhận thức được rằng nếu làm căng với Israel thì cũng không mang lại lợi ích.

Hôm 21/7, theo sáng kiến của Trung Quốc, các tổ chức kháng chiến Palestine đã ký Tuyên bố Bắc Kinh để hòa giải dưới ngọn cờ giải phóng PLO. Họ đã thỏa thuận sẽ thành lập chính phủ lâm thời để quản lý Gaza nếu chiến tranh kết thúc, chấp nhận yêu cầu trước đây của Israel và quốc tế về việc không để Hamas tiếp quản Gaza.

Về lâu dài, sáng kiến 3 giai đoạn của Trung Quốc về chấm dứt cuộc chiến ở Gaza, trở lại bàn đàm phán và thành lập Nhà nước Palestine đều là những nỗ lực tích cực, nhưng tình hình hiện nay đang rất khó thành hiện thực.

Tôi cho rằng giải pháp duy nhất giải quyết xung đột Israel - Palestine là giải pháp Hai nhà nước. Cần có một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Nhà nước Israel, thì mới có hòa bình, an ninh cho khu vực cũng như Israel. Chừng nào chưa có Nhà nước Palestine độc lập, thì xung đột vẫn sẽ kéo dài như 75 năm nay.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của các nước lớn trong xung đột Trung Đông hiện nay?

Từ trước đến nay, nhóm Bộ tứ gồm Nga, Mỹ, EU và Liên hợp quốc đều đưa ra những sáng kiến hết sức tích cực. Ngày 15/8 tới đây, theo lời mời của Tổng thống Putin, Tổng thống Palestine sẽ tới thăm Nga và Nga có thể tổ chức cuộc gặp giữa ông này với Israel. Tới nay, Israel chưa trả lời nhưng lãnh đạo Palestine nói đã sẵn sàng gặp Netanyahu để giải quyết cuộc chiến.

Hay Trung Quốc, như tôi đã đề cập tới sáng kiến 3 điểm và tổ chức cuộc gặp giữa các tổ chức ở Palestine, ký thỏa thuận hòa giải. Tuy nhiên phải nói rằng đến nay tất cả những nỗ lực đó vẫn chưa thành công vì dù Mỹ là trung gian hòa giải nhưng hoàn toàn đứng về phía Israel.

Muốn xung đột này được giải quyết, tất cả các bên đều cần nỗ lực làm trung gian hòa giải thực sự nghiêm túc, có tính giải pháp.

Kông Anh - Thạch Anh

Tin mới