Năm 1963, Randy Gardner, một thiếu niên Mỹ - 17 tuổi lần đầu tiên thiết lập kỷ lục thế giới về việc thức lâu nhất và không ngủ trong suốt 11 ngày 25 phút. Đến năm 1986, Gardner bị Robert McDonald lập kỷ lục mới với 18 ngày 22 giờ.
Tuy nhiên trước nguy hại của việc thiếu ngủ có thể tác động đến sức khỏe con người, Sách Kỷ lục Guinness Thế giới quyết định dừng ghi nhận kỷ lục thức lâu nhất vào năm 1997.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), con người cần đến giấc ngủ bởi nó giúp cơ thể của chúng ta cân bằng và duy trì cảm xúc. Nếu một người thiếu ngủ trong một thời gian dài dẫn đến tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tiểu đường, tim mạch, béo phì và cả trầm cảm.
Thiếu ngủ mang đến nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn bạn nghĩ. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Cũng theo các chuyên gia của CDC Mỹ, con người cần ngủ từ 6 đến 8 giờ trong cùng khoảng thời gian cứ sau 24 giờ. Một số công việc đặt thù có thể buộc bạn phải thức xuyên đêm hoặc thức suốt 24 giờ nhưng việc này không nên kéo dài.
Tiến sĩ Oren Cohen - bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ tại Bệnh viện Mount Sinai (New York) cho biết, việc thức xuyên đêm hoặc thức nguyên một ngày (24 giờ) trong thời gian dài có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng không phân biệt được giữa ngủ và thức.
Cũng theo tiến sĩ Cohen, khi cơ thể chúng ta trải qua 24 giờ không ngủ, não bộ của bạn sẽ gửi đi các tín hiệu chuyển cơ thể sang trạng thái “ranh giới” giữa ngủ và thức, mặc dù có vẻ như bạn đang thức hay còn được gọi là “ngủ khi đang thức”.
Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Nature and Science of Sleep cho biết, sự tỉnh táo và cảm xúc trên các tình nguyện viên sau 16 giờ thiếu ngủ không khác mấy so với người bình thường. Nhưng sau 16 giờ, các ứng cử viên bắt đầu mất khả năng tập trung, thậm chí còn tình trạng còn xấu hơn những người bị bệnh mất ngủ lâu năm.
Việc thức kéo dài sau 24 giờ sẽ làm giảm khả năng phối hợp giữa tay và mắt ngang bằng với nồng độ cồn trong máu là 0,1%. Kéo theo đó là giảm nhận thức, phản ứng chậm, nói lắp bắp, suy giảm khả năng ra quyết định, giảm trí nhớ và sự chú ý, khó chịu, suy giảm thị lực, phối hợp thính giác và tay mắt.
Thức kéo dài 36 giờ, những người mất ngủ có thể tăng các dấu hiệu viêm nhiễm trong máu và thậm chí phát triển sự mất cân bằng hormone và làm chậm quá trình trao đổi chất. Vì các nguy cơ có thể xảy ra trong việc thức quá lâu nên các thử nghiệm không ngủ trong 72 tiếng thường không được tiến hành nhưng về cơ bản các biểu hiện chính vẫn là khiến chúng ta trở nên dễ lo âu, chán nản, ảo giác và giảm khả năng điều khiển cơ thể.
Theo một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Medical Education, các bác sĩ nội trú phẫu thuật ở Israel có biểu hiện "bốc đồng hơn, xử lý nhận thức chậm hơn và suy giảm chức năng cử chỉ" so với trước ca trực kéo dài 26 giờ của họ.
Những người làm việc theo ca cũng nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ kém vì họ có xu hướng ngủ không đủ giấc. Cơ thể con người không phải lúc nào cũng có thể ngủ hoặc ngủ bù vào ngày hôm sau vì điều này mâu thuẫn với giấc ngủ tự nhiên của con người - chu kỳ đánh thức.