Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều gì khiến châu Âu chần chừ trừng phạt các công ty dầu mỏ Nga?

(VTC News) -

Các nước phương Tây tiếp tục cân nhắc và đưa ra biện pháp trừng phạt Moskva vì căng thẳng Ukraine, nhưng họ vẫn còn dè dặt với các công ty dầu mỏ của Nga.

Các quốc gia thực hiện lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục nhập khẩu một phần lớn năng lượng từ Nga mỗi ngày. Điều này khiến họ phải “bó tay” trong việc ra những đòn trừng phạt nặng nề nhất với Moskva.

Vũ khí nặng nề

Hôm 24/2, Liên minh châu Âu, Anh và Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt, bao gồm cắt chính phủ Nga và các ngân hàng Nga khỏi thị trường tài chính quốc tế. Nhưng những lệnh trừng phạt này không nhắm mục tiêu vào dầu và khí đốt, vốn đóng góp khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga.

Theo ước tính của William Jackson, nhà kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi tại Capital Economics, năm 2021, Nga đã bán khoảng 100 tỷ USD dầu và khí đốt cho châu Âu.

Ông Jackson bình luận, các biện pháp trừng phạt do phương Tây đưa ra cho đến nay có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Nga từ 1 đến 2 điểm phần trăm trong năm 2022, tương đương 20 tỷ đến 35 tỷ USD. Các ước tính dù vậy chỉ mang tính tương đối.

Đám cháy tại một cơ sở nhiên liệu ở Kiev, Ukraine. (Ảnh: Alisa Yakubovych/Shutterstock)

Nga có hai công ty nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thường được coi là “vũ khí", Gazprom và Rosneft Oil. Nga cũng là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu. Sự gián đoạn trong hoạt động bán năng lượng của Nga sẽ gây ra những hậu quả lan rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, từ việc làm tổn thương các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu cho đến việc làm tổn thương các khách hàng ở Mỹ.

Meghan O'Sullivan, Giám đốc Dự án Địa chính trị Năng lượng tại Trường Kennedy của Đại học Harvard cho biết: "Mối quan hệ năng lượng sâu sắc giữa châu Âu và Nga, vị thế quan trọng của Nga trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, là một hạn chế lớn đối với những người muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn".

Nguy cơ gián đoạn ở mức nào?

Tại Mỹ, dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu của Nga chiếm khoảng 3% nhu cầu. Các con số tăng lên mức kỷ lục trong những năm gần đây, một phần là do nhà máy lọc dầu tìm kiếm giải pháp thay thế cho dầu thô nặng của Venezuela – nước cũng đang chịu các lệnh trừng phạt.

EU trong khi đó nhận khoảng 40% lượng khí đốt từ Nga, phần lớn trong số đó thông qua các đường ống ở Ukraine, và hơn 25% lượng dầu.

Cho đến nay, chiến sự vẫn chưa làm gián đoạn các dòng khí đốt. Một phát ngôn viên của công ty điều hành mạng lưới đường ống Ukraine cho biết, tính đến 11 giờ sáng 25/2, nó hoạt động ổn định. Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Gazprom đều nói sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu.

(Ảnh minh họa)

Sau khi Nga tấn công Ukraine vào 24/2 và giá trên thị trường khí đốt giao ngay tăng vọt, các công ty châu Âu có lợi hơn trong việc khai thác tối đa khí đốt nhập khẩu theo hợp đồng dài hạn. Theo các hợp đồng này, người mua thường thanh toán theo mức đã được giao dịch cách đây một tháng, khi giá đang thấp hơn hiện tại trên thị trường giao ngay.

Do đó, nhiều khí đốt hơn chảy về phía Tây, từ Nga đến Trung Âu ngày 24 và 25/2, so với những tuần trước.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự làm gia tăng nguy cơ các đường ống chạy qua Ukraine hư hỏng, dẫn đến gián đoạn dòng chảy. Các nhà phân tích cho biết chính phủ các nước châu Âu cũng lo ngại rằng Moskva có thể cắt dòng khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Giá xăng đã tăng 1/3 hôm 24/2 trước khi giảm trở lại vào 25/2, gấp khoảng 6 lần so với một năm trước.

Henning Gloystein, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng, khí hậu và tài nguyên Eurasia nói, nếu khí đốt từ Nga bị gián đoạn, EU vẫn có đủ khí đốt trong kho dự trữ và các nhà cung cấp thay thế. Họ có thể vượt qua mùa đông trong tháng tới, nhưng họ sẽ cần phải dành cả mùa xuân và mùa hè để bổ sung trước hàng dự trữ. Điều này có nghĩa là giá khí đốt vốn đã cao sẽ tiếp tục tăng và lạm phát cũng tăng cao hơn.

Nếu khí đốt của Nga đến châu Âu ngừng chảy hoàn toàn, "điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu và cũng làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu", ông Gloystein nói.

Các nước châu Âu nhập khẩu khí đốt từ Nga. (Nguồn: New York Times)

Giải pháp thay thế?

Châu Âu không thể thay thế tất cả khí đốt mà họ mua từ Nga ngay lập tức. Georg Zachmann, thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel, nói rằng họ có thể phải tăng gấp đôi lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với chi phí lớn, để vượt qua những người mua khác như Nhật Bản hoặc thuyết phục họ chuyển đổi loại nhiên liệu.

Zachmann ước tính châu Âu có thể thay thế một nửa lượng khí đốt mà họ lấy từ Nga, chỉ để lại khoảng 15% nhu cầu chưa được đáp ứng.

Các biện pháp bổ sung có thể bao gồm phân bổ nguồn cung cấp khí đốt, làm chậm sản xuất hoặc đóng cửa các cơ sở sử dụng khí đốt công nghiệp, ưu tiên cho hệ thống sưởi và phát điện. Để bù giá tăng cao, các chính phủ có thể đưa ra các khoản trợ cấp năng lượng cho người nghèo, mặc dù những khoản trợ cấp này sẽ đè nặng lên ngân sách nhà nước.

Nhà phân tích Trevor Sikorski của Energy Aspects nhận định thêm, nếu không có khí đốt của Nga, Đức và các nước khác có thể buộc phải khởi động lại các nhà máy điện than và dầu băng phiến.

Trong khi đó, Italia và Áo họp với các nhà lãnh đạo quốc gia vùng vịnh để mở rộng khả năng cung cấp năng lượng.

Tại Bulgaria, quốc gia thành viên EU nghèo nhất, nơi nhận khoảng 3/4 lượng khí đốt từ Nga, chính phủ nói sẽ cố gắng xúc tiến liên kết với mạng lưới khí đốt của Hy Lạp và có thể cắt giảm xuất khẩu điện nếu các chuyến hàng nhiên liệu bị dừng tạm thời. Hà Lan đang thực hiện các kế hoạch, bao gồm đóng cửa các cơ sở sử dụng khí đốt công nghiệp lớn, ngoài ra bơm thêm khí đốt từ mỏ Groningen – phương án cuối cùng vì có thể gây ra động đất.

Về dài hạn, các nước châu Âu đã lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung ngoài Nga.

Đức, quốc gia nhận hơn 50% lượng khí đốt qua đường ống từ Nga, không có trạm LNG của riêng mình. Trong tháng này, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nói chính phủ sẽ ủng hộ xây dựng hai trạm mới dù sẽ mất thời gian.

Dự trữ khí đốt của Đức gần đây đã giảm xuống mức thấp lịch sử, khoảng 30%. EU đang soạn thảo các quy tắc để buộc các nhà khai thác phải giữ dự trữ ở một mức nhất định.

Nhận thêm khí đốt từ các nhà sản xuất Bắc Phi (như Algeria) cũng là một lựa chọn đang được nghiên cứu ở châu Âu. Bên cạnh đó, họ có thể khai thác dầu đá phiến, dù phương pháp này vấp phải sự phản đối đáng kể do những lo ngại về môi trường.

Phương Anh

Tin mới