Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điền kinh Việt Nam vượt Thái Lan, đứng đầu SEA Games 31: Thắng bằng thực lực

(VTC News) -

Điền kinh Việt Nam xuất sắc giành 22 HCV để lần thứ 3 liên tiếp vượt qua Thái Lan (12 HCV) ở đấu trường SEA Games.

Việc đoàn thể thao của nước chủ nhà chiếm ưu thế trên bảng tổng sắp huy chương các kỳ SEA Games không mới. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh - Tổng cục TDTT, thành tích của thể thao Việt Nam nói chung và điền kinh Việt Nam nói riêng ở đại hội lần này đến từ thực lực, không phải nhờ tận dụng ưu thế chủ nhà.

Thể thao Việt Nam đã phát triển lên bước cao hơn, thành tích của điền kinh cũng tốt hơn hơn. Chúng ta có những VĐV đạt thành tích chuẩn Olympic, thậm chí có cả HCV ASIAD. 

"Khi làm chủ nhà, chúng ta phải tính toán tới mọi công việc dính dáng tới bộ môn của mình. Giống như khi mình được bạn bè mời tới nhà ăn cơm hay dự cuộc vui thì mình đến rất vô tư, đơn giản, nhưng mình là chủ nhà để mời các bạn trở lại thì rất khác", ông Dương Đức Thuỷ mở lời với phóng viên VTC News.

Nguyễn Thị Oanh là ngôi sao số 1 của điền kinh ở SEA Games 31.

- Tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam đã giành được 22 HCV. Con số này vượt xa chỉ tiêu ban đầu là 15-17 HCV. 

Từ lâu tôi đã ấp ủ rằng ngày nào đó Việt Nam sẽ lên ngôi số một Đông Nam Á và có nhiều hơn 20 HCV SEA Games rồi. Năm nay điều đó đã thành hiện thực.

Ở kỳ đại hội trước, điền kinh Việt Nam cũng vượt qua được Thái Lan. Điều đó cho thấy chúng ta đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, ta không thể đánh giá một tiến trình qua số huy chương đơn thuần mà còn phải tính tới chất lượng. Đó là lý do mà tôi nhắc tới chuyện chúng ta có huy chương ASIAD và đặt mục tiêu thành công tại giải điền kinh châu Á, thậm chí là đạt chuẩn Olympic.

Tại Olympic Tokyo 2020, chúng ta có một VĐV điền kinh tham dự (Quách Thị Lan – 400m vượt rào nữ) nhưng lại quay trở về điểm xuất phát là không có chuẩn, đó là bước chững lại. Đến SEA Games này chúng ta có 22 HCV môn điền kinh cùng lượng VĐV trẻ đủ khả năng đảm nhiệm vai trò của các đàn anh đàn chị. Điều đó cho thấy chúng ta đang có cơ hội để tiến lên.

ASIAD có nguy cơ bị hủy nhưng không lâu nữa chúng ta lại bước vào chu trình chuẩn bị cho SEA Games năm 2023 ở Campuchia. Bên cạnh đó, điền kinh Việt Nam còn nhiều nhiệm vụ khác như các giải điền kinh châu Á và thế giới, kể cả các giải trẻ.

Có rất nhiều VĐV trẻ đạt thành tích rất ấn tượng trong số 22 HCV vừa rồi. Thậm chí có người lần đầu tham dự SEA Games nhưng đã có huy chương. Ví dụ như Bùi Thị Nguyên ở 100m rào nữ mới có 18, 19 tuổi, hay Nguyễn Linh Na ở 7 môn phối hợp nữ.

VĐV Bùi Thị Nguyên giành HCV 100m vượt rào nữ môn điền kinh tại SEA Games 31.

Trước đó chúng ta chưa có thành tích nào vượt trội vì nhiều yếu tố, nhưng năm nay các VĐV thi đấu rất chững chạc. Nhiều người phá kỷ lục cá nhân và thậm chí là kỷ lục quốc gia. Những đóng góp như vậy là tín hiệu rất tích cực cho môn điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

- Có ý kiến cho rằng đoàn thể thao Việt Nam giành nhiều huy chương vàng ở môn điền kinh cũng như các môn khác là do lợi thế chủ nhà. Ông nghĩ sao về điều này?

Tất nhiên chúng ta có ưu thế chủ nhà. Đó là yếu tố thiên thời, địa lợi, có người hâm mộ cổ vũ và nhiều điều khác. Các VĐV còn có bố mẹ, người thân, vợ chồng, con cái ra sân cổ vũ. Áp lực thì cũng có, nhưng nhìn chung là thuận lợi hơn là "đem quân đi đánh xứ người". Ở các quốc gia khác, VĐV chỉ quanh quẩn có các HLV, lãnh đội và anh em đồng nghiệp động viên nhau ở trong một môi trường nhỏ hẹp.

Video: Nguyễn Thị Oanh giành HCV điền kinh đầu tiên ở SEA Games 31

Chúng ta có lợi thế nhưng không hề lợi dụng việc mình là chủ nhà để chơi không công bằng. Ngay từ đầu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành TDTT đã nhấn mạnh rằng những người làm chuyên môn, HLV và VĐV Việt Nam không chơi tiểu xảo. Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu sòng phẳng.

Ngoài ra, ta cũng phải nhắc tới những yếu tố khách quan. Chúng ta là nước chủ nhà và luôn cố gắng duy trì tập luyện, trong khi VĐV nhiều nước như Philippines, Singapore, Indonesia hay Malaysia gần như không có điều kiện tập luyện vì tình hình đại dịch.

Nếu không vì COVID-19 thì SEA Games 31 kết thúc từ 4-5 tháng trước rồi. Tuy nhiên, vì yếu tố khách quan mà chúng ta phải lùi lại. Điều này đồng thời giúp các VĐV của chúng ta có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn.

Chiến thắng ở các nội dung điền kinh là minh chứng rõ nhất cho việc đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích dựa vào thực lực.

Việc các nước bạn cử đến lực lượng bị thiếu hụt vì nhiều yếu tố thì ta không thể chê trách họ được. Điều lệ đã ban hành rồi, sân chơi thoải mái và sòng phẳng, nước bạn đem tới nhiều VĐV thì chúng ta cũng sẵn sàng chào đón họ. Việc so sánh là khó tránh, nhưng rõ ràng là thành tích của chúng ta lúc này không hề khuất tất và cũng không dựa vào những yếu tố phi thể thao.

- Sau thành công của SEA Games 31, liệu điền kinh Việt Nam có phải chịu áp lực thành công tại các sân chơi lớn hơn như ASIAD hay Olympic?

Chắc chắn rồi. Con người nói chung luôn đặt ra những dấu mốc cụ thể. Các VĐV phải trải nhiều giai đoạn tuyển chọn và sàng lọc, đó là thử thách ban đầu. Tiếp đó, từng nội dung, từng địa bàn cũng phải thi đấu để lên đội tuyển trẻ, rồi mới lên cấp độ cao hơn, được chọn vào đoàn thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài và sân nhà.

Đó là quá trình luôn phải vượt qua chính mình và giữ được phong độ. Bây giờ các VĐV đã đạt HCV SEA Games 31 thì sẽ đặt ra mục tiêu cho Đại hội năm sau, xa hơn là cố gắng giành huy chương ASIAD và thậm chí là phấn đấu đạt chuẩn Olympic 2024.

Hằng ngày, hằng giờ, các VĐV vẫn miệt mài tập luyện để vượt qua chính mình và chinh phục những cột mốc như vậy. Thậm chí, những VĐV chưa được góp mặt tại SEA Games cũng nhìn vào tấm gương này để phấn đấu hơn.

Hoàng Nguyên Thanh giành HCV ở môn chạy Marathon.

- Thành công lớn ở SEA Games 31 nhưng điền kinh Việt Nam vẫn cần được quan tâm hơn và đầu tư nhiều hơn nữa. 

Quay trở lại lần đầu tổ chức SEA Games năm 2003, chúng ta có một chương trình mục tiêu quốc gia bắt đầu từ 1993 cho đến năm 2003. Trong 10 năm đó, hàng vạn VĐV từ lứa tuổi trẻ được sơ tuyển, đào tạo để có lực lượng thi đấu. Lần đầu tiên làm chủ nhà nên chúng ta được đầu tư rất nhiều. Năm nay chúng ta phải chấp nhận rất nhiều khó khăn, nhưng cơ sở vật chất được cải thiện chỉ kém việc xây mới một chút thôi.

Quan điểm của tôi là chúng ta không nên thụ động theo kiểu vì đạt được nhiều huy chương nên được Nhà nước đầu tư. Giả sử năm nay đoàn thể thao Việt Nam có thể đạt được 160 huy chương, vậy SEA Games năm sau là bao nhiêu, được đầu tư bao nhiêu? Ta không thể lấy một con số để chia đều ra như vậy được.

Trong vài năm gần đây, lãnh đạo Nhà nước, ngành TDTT và các liên đoàn bộ môn đều muốn xã hội hóa thể thao, nhưng chúng ta phải làm thật hiệu quả. Phát triển thể thao là sự nghiệp chung chứ không phải chỉ có Tổng cục TDTT hay các ban ngành. HLV, VĐV và cả người hâm mộ cũng đang đóng góp cho thể thao. Nếu các giải đấu mà vắng người như thời đại dịch thì rất khó. Dẫu chúng ta có bật loa đài cỡ nào thì cũng không sánh được với người hâm mộ tới sân cổ vũ và tương tác với VĐV.

Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải khai thác hết nguồn xã hội hóa cả tinh thần lẫn vật chất chứ không chỉ là một con số cụ thể nào. Những thứ như tiền thưởng, tiền ăn chỉ là con số đếm được thôi, nhưng còn rất nhiều thứ khác đi theo. VĐV điền kinh cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những dụng cụ thi đấu tới sát SEA Games mới tới được. Giờ phút này chúng ta phải nghĩ tới việc khai thác cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Danh sách 22 HCV của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31:

1. Nguyễn Thị Oanh - Chạy 1.500m tự do nữ

2. Lương Đức Phước - Chạy 1.500m tự do nam

3. Nguyễn Thị Oanh - Chạy 5.000m tự do nữ

4. Nguyễn Hoài Văn - Ném lao

5. Nguyễn Thị Huyền - Chạy 400m tự do nữ

6. Nguyễn Tiến Trọng - Nhảy xa nam

7. Phạm Thị Diễm - Nhảy cao nữ

8. Nguyễn Văn Lai - Chạy 5.000m tự do nam

9. Nguyễn Thị Oanh - Chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ

10. Khuất Phương Anh - Chạy 800m tự do nữ

11. Bùi Thị Nguyên - Chạy 100m vượt rào nữ

12. Vũ Thị Ngọc Hà - Nhảy xa nữ

13. Lê Tiến Long - Chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nam

14. Quách Thị Lan - Chạy 400m vượt rào nữ

15. Nguyễn Linh Na - 7 môn phối hợp

16. Nguyễn Văn Lai - Chạy 10.000m nam

17. Lò Thị Hoàng - Ném lao nữ

18. Phạm Thị Hồng Lệ - Chạy 10.000m nữ

19. Đội chạy tiếp sức 4x400m nữ

20. Hoàng Nguyên Thanh - Chạy marathon nam

21. Võ Xuân Vĩnh - Đi bộ 20km nam

22. Nguyễn Thị Thanh Phúc - Đi bộ 20km nữ

Công Thành (Thực hiện)

Tin mới