Theo SCMP, hôm 1/9, một tuabin gió ngoài khơi Trung Quốc do tập đoàn Tam Hiệp chế tạo đã phá kỷ lục thế giới về sản lượng điện trong một ngày khi nó tạo ra 384,1 megawatt/giờ – đủ để cung cấp điện cho gần 170.000 ngôi nhà – trong cơn bão Haikui.
Con số này vượt qua kỷ lục trước đó của công ty Vestas, Đan Mạch thiết lập hồi tháng 8, với mẫu tuabin gió ngoài khơi V236, tại trung tâm thử nghiệm quốc gia Osterild dành cho tuabin gió lớn, miền bắc Đan Mạch.
Điện gió ngoài khơi Trung Quốc đạt kỷ lục cung cấp điện trong siêu bão. (Ảnh minh họa: AP)
Mẫu của Đan Mạch có công suất 15MW và đạt công suất 363 megawatt giờ (MWh) trong 24 giờ, một kỷ lục được giữ trong hai tuần.
Tua bin ngoài khơi phá kỷ lục mới nhất được tập đoàn Tam Hiệp (CTG) của Trung Quốc chế tạo và lắp đặt ngoài khơi bờ biển Pingtan, tỉnh Phúc Kiến, vào cuối tháng 6. Đơn vị này bắt đầu cấp điện lên lưới từ ngày 19/7, theo báo cáo chính thức của CTG ngày 2/9.
Công ty này tự hào có nhiều sản phẩm liên quan đầu tiên trên thế giới: cho đến nay, mẫu tua bin của họ vẫn là tuabin gió có công suất đơn vị lớn nhất, đường kính cánh quạt lớn nhất và trọng lượng đầu ra nhẹ nhất.
Cụ thể, tuabin này có công suất 16MW với mỗi cánh quạt dài tới 123 mét. Mặc dù các cánh quạt được làm bằng sợi carbon nhẹ, độ bền cao nhưng mỗi lưỡi dao lại nặng hơn 54 tấn.
Khi hoạt động ở tốc độ tối đa, mép lưỡi dao có thể đạt tới 70% tốc độ âm thanh, nhanh hơn gấp đôi tốc độ của tàu cao tốc.
Cơn bão Haikui – với tốc độ gió trung bình 16,97 mét/giây hôm 1/9 và đạt đỉnh 23,56 mét/giây – đã giúp tua bin phá kỷ lục. Tua bin chạy hết công suất trong 24 giờ nhờ sự hỗ trợ của bão Haikui.
Thiết kế được cho là một yếu tố tạo nên tốc độ kỷ lục của tua bin. Trong khi các tua bin gió truyền thống tự động khóa các cánh quạt để tránh quá tải khi tốc độ gió vượt quá 25 mét/giây, bộ phận thông minh của tua bin Trung Quốc có thể điều chỉnh các cánh quạt theo thời gian thực, tiếp tục tạo ra điện, ngay cả khi tốc độ gió lớn hơn 25 mét/giây, tối đa hóa tiềm năng của nó.
Để đảm bảo an toàn cho tua bin gió, tập đoàn Tam Hiệp đã phối hợp với nhóm nghiên cứu và phát triển tua bin gió của Goldwind Technology thành lập đội chuyên trách.
Nhóm cho biết: “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ các thành phần quan trọng như chương trình điều khiển chính, hệ thống bảo vệ cánh quạt và rotor, máy phát điện để dần dần dỡ bỏ các hạn chế về điện năng đồng thời đảm bảo an toàn vận hành”.
Theo Hiệp hội Năng lượng gió Trung Quốc thuộc Hiệp hội Năng lượng tái tạo Trung Quốc, nước này bổ sung thêm 11.098 tua bin gió vào năm ngoái, với tổng công suất 49,83 triệu kW, trong đó 10% ở ngoài khơi. Đến cuối năm 2022, tổng công suất điện gió trên bờ là 360 triệu kW, ngoài khơi là 3,05 triệu kW.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc chiếm hơn 1/3 công suất điện gió lắp đặt trên thế giới.