Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2024: Xây dựng lại những cây cầu đã gãy

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 16/1 bước sang ngày họp thứ 2 với hàng loạt chủ đề từ Trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu đến thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

Với chủ đề “'Xây dựng lại niềm tin”, sự kiện năm nay là dịp quan trọng để các quan chức và chuyên gia hàng đầu thảo luận về những vấn đề phức tạp nhất trong một thế giới ngày càng chia rẽ.

Báo cáo Triển vọng 2024 được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về kinh tế toàn cầu trong năm 2024, cùng với sự gia tăng phân mảnh địa kinh tế.

Dựa trên một cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2023 đối với các nhà kinh tế trưởng, báo cáo đã nêu bật những lo ngại về điều kiện tài chính eo hẹp, chia rẽ về địa chính trị và sự phát triển vượt bậc của Trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế trưởng được khảo sát cũng gia tăng kỳ vọng đối với các nước Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương, với dự báo tăng trưởng ít nhất nằm ở mức vừa phải trong năm 2024.

  (Ảnh minh họa: Reuters)

Từng là chủ đề nóng tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm ngoái, Trí tuệ nhân tạo tiếp tục là chủ đề bao trùm Davos năm nay, với hơn 30 phiên thảo luận dành riêng cho chủ đề này. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng khí hậu đang nổi lên như một mối đe doạ đáng kể, với các hiện tượng thời tiết cực đoan, mất đa dạng sinh học diễn ra ngày một thường xuyên. 

Theo Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Borge Brende, với quy mô những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, sự kiện năm nay phải là cơ hội để xây dựng lại những cây cầu đã gãy, thúc đẩy liên lạc và trao đổi giữa những người ra quyết định hàng đầu thế giới:

“Cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra trong bối cảnh địa chính trị phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ. Việc xây dựng lại niềm tin là điều chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Ngay cả trong một thế giới bị rạn nứt, chúng ta cũng cần cố gắng tìm ra những lĩnh vực có thể hợp tác và chỉ nhìn vào các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai, nhìn vào an ninh mạng, nhìn vào biến đổi khí hậu. Những vấn đề này mang tính xuyên biên giới và chỉ có thể được giải quyết bằng sự hợp tác”.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay sẽ bị bao phủ bởi nỗi lo xung đột tại Trung Đông đang lan rộng, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có tín hiệu sẽ kết thúc. Đây là những “biến số” đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 khi những hậu quả của đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng, lạm phát và lãi suất cao vẫn để lại không ít hệ lụy nặng nề cho nhiều khu vực trên thế giới.

Tuy nhiên, Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay cũng có thể là nơi các nhà lãnh đạo đưa ra những sáng kiến, biện pháp mang đến sự lạc quan cho triển vọng kinh tế toàn cầu.

Diễn ra từ ngày 15 - 19/1, Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay quy tụ sự tham dự của khoảng 2.500 đại biểu, trong đó khoảng 60 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn và  nhiều lãnh đạo tập đoàn hàng đầu và học giả có uy tín.

Thu Hoài (VOV1)

Tin mới