Resort Hoàng Gia Quy Nhơn
Dự án được hình thành từ năm 2003 với tên ban đầu là Resort Hoàng Anh Quy Nhơn thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Resort Hoàng Gia Quy Nhơn.
Năm 2009, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chuyển toàn bộ cổ phần tại Resort Hoàng Anh Quy Nhơn cho một doanh nghiệp ở Hà Nội với giá khoảng 175 tỷ đồng.
Khoảng hơn 10 năm trước, doanh nghiệp này chuyển nhượng resort cho công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn do vợ ông Trần Bắc Hà là bà Ngô Kim Lan làm chủ sở hữu với giá 135 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, bà Ngô Kim Lan bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của mình tại công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn cho em ruột là bà Ngô Thị Kim Oanh, ngụ tại TP.HCM. Dù đã chuyển nhượng nhưng thực tế sau đó, việc điều hành công việc tại resort Hoàng Gia Quy Nhơn đều do bà Lan và con gái thực hiện.
Khu phức hợp cao cấp Thiên Hưng
Ngày 26/10/2017, UBND tỉnh Bình Định quyết định chủ trương đầu tư cho Liên danh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng, Công ty CP Tập đoàn An Phú và đối tác thực hiện dự án.
Khu phức hợp cao cấp Thiên Hưng vẫn bỏ hoang.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng thuộc sở hữu của bà Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) và do bà Phương làm Giám đốc.
Trong khi đó Công ty CP Tập đoàn An Phú do ông Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT.
Dự án có quy mô gồm 2 tòa tháp cao 39 tầng, tổng số phòng là 576, trong đó 274 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê, 302 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, spa...Dự kiến, dự án sẽ thực hiện từ quý 3/2017 đến quý 3/2020.
Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn “án binh bất động” trong việc triển khai dự án nên tháng 7/2018, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án với lý do chủ đầu tư không chịu triển khai như đúng cam kết. Mới đây nhất, tỉnh Bình Định tuyên bố đấu giá khu đất của dự án này.
Khu đô thị thương mại An Phú
Ngoài dự án Thiên Hưng, năm 2016, Cty CP Tập đoàn An Phú do con trai ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn gần 300 tỷ đồng.
Khu đô thị An Phú triển khai trên mặt bằng rộng hơn 36.000m2 dọc mặt tiền đường Tây Sơn, cửa ngõ chính ra vào thành phố Quy Nhơn.
Trong đó, diện tích đất nhà ở gần 13.643 m2, diện tích còn lại xây dựng các hạng mục dịch vụ thương mại và phụ trợ.
Dự án cổ phần hóa cảng Quy Nhơn
Tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, sau giai đoạn cổ phần hóa, ông Trần Duy Tùng cũng từng là cái tên được nhắc đến với vai trò thành viên HĐQT.
Theo đó, tháng 7/2016, HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn đã bầu ông Trần Duy Tùng tạm thời làm thành viên HĐQT.
Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi có tin đồn liên quan đến cha mình là ông Trần Bắc Hà, ông Trần Duy Tùng rút lui vì lý do sức khỏe, bận bịu trong công việc ở Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Bởi thông tin ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất bạt ngàn, Cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng.
Theo nhiều chuyên gia về cảng biển, để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 tấn, mức đầu tư xây dựng cho riêng cầu tàu này phải hơn 1.000 tỷ đồng. Cảng Quy Nhơn cũng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó, riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỷ đồng.