Trong cuộc điện đàm kéo dài 50 phút hôm 30/12, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Joe Biden tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Cả hai bên đều cáo buộc bên kia có hành động khiêu khích khiến cho tình hình Ukraine thêm căng thẳng.
Lãnh đạo Mỹ và Nga cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu tình trạng bế tắc hiện nay đối với Ukraine không được giải quyết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm hôm 30/12. (Daily Mail)
Ông Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin cho biết, cuộc điện đàm tập trung vào các đảm bảo an ninh mà Moskva muốn từ phương Tây, trong đó có cả việc ngăn Ukraine gia nhập NATO.
Theo ông Yury Ushakov, nhà lãnh đạo Nga đã nói với Tổng thống Biden rằng, các biện pháp trừng phạt đối với Moscow sẽ là “sai lầm lớn”, cảnh báo việc phương Tây áp đặt trừng phạt với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine có thể dẫn đến hậu quả là cắt đứt quan hệ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Putin cũng bày tỏ sự “hài lòng” về kết quả mang tính “thực chất” của cuộc điện đàm vừa diễn ra với người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
Trong khi đó, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng ông Biden đã hối thúc người đồng cấp Nga giảm bớt căng thẳng - vài giờ sau khi có thông tin không quân Mỹ điều máy bay do thám thứ hai tới gần Ukraine.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Tổng thống Biden nói rõ rằng Mỹ và các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga tấn công Ukraine”.
Một quan chức khác trong Chính phủ Mỹ đánh giá cuộc điện đàm thứ hai trong vòng hơn 3 tuần qua giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin là "nghiêm túc và thực chất".
Đây là cuộc hội đàm thứ hai giữa ông Biden và ông Putin trong tháng này. Hôm 7/12, lãnh đạo Mỹ - Nga đã có một cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài trong 2 giờ đồng hồ. Chủ đề chính là tình hình xung quanh Ukraine, quan hệ song phương, an ninh mạng và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Căng thẳng Mỹ và Nga gia tăng gần đây liên quan đến Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga có thể đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, Moskva phủ nhận điều đó, cho rằng chính mối quan hệ ngày càng tăng của Ukraine với NATO đã khiến leo thang tình trạng bế tắc hiện nay.
Theo dự kiến, đối thoại an ninh Nga - Mỹ có thể sẽ diễn ra vào hôm 10/1, trong khi đó cuộc họp giữa Nga và NATO sẽ diễn ra hôm 12/1. Nga đề xuất 2 dự thảo văn kiện, một cho Mỹ và một cho NATO. Theo đó, Nga yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, rút quân và tên lửa NATO khỏi biên giới Nga.