Video: Đi tìm Giấc mơ Chapi
"Ôi Raglai những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn... Chapi... Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn... Chapi...". Lần theo lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi tìm về ngôi làng của người Raglai ở vùng đất Ma Nới, Ninh Sơn (Ninh Thuận), nơi được mệnh danh là “xứ sở Chapi” khi đàn dê núi gọi nhau về chuồng, chiều in bóng xuống miền sơn cước.
Băng qua đồi cát mịn vàng thoai thoải, qua bờ biển xanh biếc, nước trong như pha lê, qua những con dốc, qua cái nắng chói chang của vùng “chảo lửa” Ninh Thuận, chúng tôi đến thôn Do (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận).
Thôn Do hoang sơ, lặng lẽ với những nếp nhà bập bùng bếp lửa gọi người thương về quây quần trong bữa cơm chiều. Người dân hiền hòa, ít nói. Và điều đặc biệt, khắp vùng đồi núi mênh mông là những đàn dê trắng, là ngập tràn những hình ảnh thân thương, đẹp đẽ như giai điệu da diết của “Giấc mơ Chapi”.
Chúng tôi hỏi thăm đến nhà Chamaléa Âu, nghệ nhân duy nhất ở xã Ma Nới, vừa biết chế tác, vừa biểu diễn được Chapi. Chamalé Âu được ví như kho từ điển của núi rừng. Ông đọc thông viết thạo tiếng Kinh, am tường, hiểu rõ văn hóa, phong tục tập quán dân tộc mình.
Con gái Chamaléa Âu bảo rằng, ama (bố) hiện đi vắng, nhưng cũng sắp về rồi.
Gần 1 tiếng sau thì Chamaléa Âu về, nụ cười đôn hậu làm sáng bừng cả khuôn mặt nhiều vết chân chim. Đã qua hơn 70 mùa rẫy, Chamalé Âu dường như vẫn không hề giảm sức sống của một chàng trai làng bản. Thân hình nhỏ thó, mái tóc xoăn, nước da nâu càng làm tôn lên vẻ rắn rỏi, bền bỉ của ông.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đàn Chapi, Chamaléa Âu vui lắm, ông lật đật chạy đi tìm cây đàn.
Chamaléa Âu kể, cách nay chừng 20 năm, cuộc sống ở xứ này không mua bán bằng tiền, người Raglai lao động để tạo ra sản phẩm và dùng sản phẩm để đổi lấy những thứ cần thiết cho cuộc sống. Có lẽ vì thế mà họ “sống không mùa đông, không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa… yêu nhau”, suốt những tháng ngày.
Xã Ma Nới 100 % dân số là người Ragrai, cuộc sống gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy. Người Raglai có loại nhạc cụ hết sức độc đáo là Mã La (cồng chiêng). Tuy nhiên, để có thể sở hữu một bộ Mã La (7, 9 hoặc 12 chiếc) phải đổi bằng nhiều trâu, bò nên chỉ có người giàu mới có. Người Raglai chủ yếu sống ở vùng núi cao thiếu mưa thừa nắng, chăn nuôi dê, cừu, làm ra hạt lúa, hạt bắp không hề dễ dàng, Vì vậy, đất này hiếm người giàu.
Chính vì vậy, người Raglai mày mò tìm các nguyên liệu sẵn có trong rừng để tạo nên cây đàn Kok t'lơr thường được gọi là Chapi nổi tiếng. Thanh âm của Chapi gần giống Mã La. Theo cách nói của người Raglai, Chapi chính là bộ Mã La thu nhỏ, là biểu tượng thiêng liêng, là giấc mơ của những người nghèo đam mê âm nhạc.
Tiếng đàn Chapi chính là lòng người Raglai, hồn người Raglai, là lời cầu nguyện của bản làng với thần linh, là lời tự sự, tâm tình gửi vào núi rừng đại ngàn... Cây đàn Chapi đem lại cho người Raglai giấc mơ về hạnh phúc giản đơn, như nhịp đời thanh thản. Tiếng đàn bay bổng khỏi mái tranh nghèo trên vùng đồng hoang cỏ cháy, vượt qua những đồi xương rồng, tự do như đàn dê trắng nhởn nhơ gặm cỏ...
Từ khi xuất hiện, đàn Chapi luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hoá cộng đồng của người Raglai. Chapi có những làn điệu với cái tên rất giản dị: Điệu Con ếch, điệu Quên đồ, điệu Em ở lại anh về, điệu Con gái lúa, điệu Con trai bắp, điệu Thở than…
Trong những đêm mưa đầu mùa, người Raglai gảy đàn Chapi với bài “Con ếch” nghe man mác buồn. Hay những lần đi nương, đi rẫy, tiếng đàn Chapi rộn rã bài “Quên đồ”, để thông báo cho mọi người, và ai biết thì đem trả lại. Rồi khi đôi lứa yêu nhau, trong giờ chia tay quyến luyến, chàng trai ôm đàn gảy lên điệu “Em ở lại anh về”, hoặc nhiều tâm sự hơn là điệu “Than thở”, vì năm đó mất mùa, vì con heo, con dê nuôi trong nhà bị bệnh.
Ngày xưa, người Raglai sống ở những vùng đồi lên xuống trập trùng. Ngày ngày đi rẫy, ai cũng mang đàn Chapi gảy cho đỡ buồn. Tiếng đàn Chapi càng làm cho con người vui hơn khi ở lại một mình ban đêm trên rẫy. Bởi thế, nhịp đàn cũng như nhịp lên rẫy, như nhịp đời người Raglai, vốn thong dong, muốn đi nhanh, gẩy nhanh cũng không được.
Ngày ngày đi rẫy, ai cũng mang đàn Chapi gảy cho đỡ buồn.
Tiếng Chapi không lớn nhưng rất đặc biệt, hoàn toàn không giống các nhạc cụ dân tộc khác, phù hợp để chơi khi người ta ngồi với nhau, chứ không phải chơi giữa không gian rộng lớn như cồng chiêng hay đàn T’rưng. Đó là lý do vì sao “nghe Chapi không còn cô đơn”, cũng như “không buồn, không vui”.
Chamaléa Âu cho biết, khi xưa, con trai người Raglai mà không biết làm đàn Chapi, không biết chơi đàn Chapi thì không xứng là con trai. Phụ nữ Raglai vừa có thể địu con vừa có thể đánh đàn Chapi. Tối tối, khi con trăng treo trên những quả đồi là lúc trai gái trong bản hẹn hò nhau túm năm tụm ba hóng gió, tự tình. Tiếng đàn Chapi tấu lên thánh thót khắp núi rừng, ngập tràn thung lũng, ngân nga trên vòm trời cao thăm thẳm, vọng ra xa lắm, mang theo giai điệu của tình yêu lãng mạn. Và, cứ thế, Chapi ăn sâu trong tâm hồn, trong máu thịt của Chamaléa Âu. Âm thanh của cây đàn mà nhà nghèo cũng có khiến ông mê đắm. Rồi ông học gẩy đàn, học cách làm cho riêng mình một cây đàn.
Chamaléa Âu cho biết, khi xưa, con trai người Raglai mà không biết làm đàn Chapi, không biết chơi đàn Chapi thì không xứng là con trai.
“Ông cậu thấy mình ham Chapi nên dạy cho, dạy bằng cách gẩy cho nghe và làm cho xem. Rồi mình tập gẩy, tập mãi cũng nhớ rồi thành quen. Sau đó học được cả cách làm đàn nữa. Yêu Chapi từ đó tới giờ!...", Chamaléa Âu trải lòng.
Cây đàn Chapi rất đơn giản, chỉ là một ống tre, hai đầu có mấu, dài khoảng 40 cm, có tám dây, bốn phím bao quanh ống tre. Việc làm đàn Chapi tuy không khó những đòi hỏi người làm phải có đam mê và đủ kiên nhẫn.
"Muốn cho cây đàn Chapi tốt, âm sắc rõ ràng, đòi hỏi người làm phải chọn lựa những cây tre đủ độ già và lóng vừa vặn. Đó phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đỉnh đồi cao thì tiếng mới thanh cao, trong trẻo. Đường kính lóng tre phải đạt khoảng 7-8cm, dài trên 40cm, để khô tự nhiên mới làm đàn..."- Chamaléa Âu chia sẻ.
Cả con người Chamale Âu hòa vào tiếng đàn, réo rắt như suối, bổng trầm và vi vu như gió.
Muốn tìm được cây tre làm đàn, ông đã phải đợi gần hai năm trời. Khi tìm được bụi tre ưng ý, thân tre còn xanh, ông đánh dấu để đó. Đợi hơn một năm sau, khi vỏ tre chuyển mầu vàng, ông dùng rựa vạt ngang thân, đốn thành lóng mang về. Sau đó, gác trên chái bếp khoảng 3-4 tháng cho ống tre thật khô, thật dai, thật bền mới hạ xuống làm đàn.
Làm đàn Chapi, phải dùng cây mác thật nhọn để khoét vào cây tre, dùng dùi lửa khoét thủng hai mắt tre tạo âm vang cho thân đàn. Sau khi nên hình nên dáng, nghệ nhân phải cân chỉnh cho tiếng đàn có hồn, ở lại mãi với lòng người.
"Tất cả 8 dây trên đàn Chapi đại điện cho một gia đình, hai dây mẹ, hai dây cha, dây con lớn và dây con út. Khi chơi đàn phải gảy theo thứ tự, đầu tiên là dây mẹ, đến dây cha, rồi mới đến dây con, như thứ tự trong gia đình của đồng bào Raglai theo mẫu hệ...", Chamaléa Âu bộc bạch.
Làm được Chapi đã lâu, khảy được Chapi còn lâu hơn nữa. Điệu đàn Chapi khó thuộc vì không thể ký âm ra giấy như những làn điệu của nhiều dân tộc khác, mà chỉ có những sợi dây đàn phát ra âm thanh trầm bổng. “Tiếng đàn như tiếng lòng, cho nên phải có tâm sự, phải khảy mỗi ngày, mỗi đêm thì mới nhớ nổi, để lâu là quên”, lão nghệ nhân nói.
Tay mân mê phím đàn, bất giác Chamaléa Âu hát lên ngôn ngữ Raglai theo tiếng đàn Chapi trầm bổng. Vừa hát, ánh mắt thẳm sâu của Chamaléa Âu hướng về phía núi, mái tóc và chòm râu dài bạc trắng cũng rung rung trong từng nhịp hát. Cả con người Chamale Âu hòa vào tiếng đàn, réo rắt như suối, bổng trầm và vi vu như gió. Trong đôi mắt của người đã trên tuổi 70 như lão, ký ức bỗng ùa về, miên man và da diết...
Chamalé Âu có 9 người con và hơn 30 cháu nội ngoại, nhưng chỉ có một người con trai theo niềm đam mê cũ kỹ của cha.
Bóng tối dần buông, vợ Chamaléa Âu đem một chiếc ống tre đựng rượu ra rót vào chén cho chồng và khách. Già Chamaléa Âu bảo đây là rượu Tàpai, loại rượu độc đáo của xứ này. Bên chén rượu, trong ánh lửa bập bùng, Chamaléa Âu thăng hoa trên những phím đàn Chapi. Bàn tay sần sùi của ông lướt khoan thai trên những phím đàn.
Chẳng biết có phải thêm men rượu khiến tâm hồn lãng du, hay do nỗi trăn trở trong lòng của một nghệ nhân còn giữ tiếng đàn Chapi, mà khúc nhạc khi thì như thác đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào vách núi, lúc lại nghe như gió hú, lang thang hun hút trên đại ngàn, lúc thổn thức, lúc miên man như cố lần về một miền hoài niệm xa lắc.
Vợ Chamaléa Âu ngồi bên chồng, say mê nghe tiếng đàn của người đàn ông đã cùng mình đi qua bao mùa nương dẫy. Cả đời gắn bó với Chamaléa Âu, bà thương tiếng đàn, thương cả người chơi đàn.
Miền đất đầy nắng, gió của người Raglai vẫn còn đây những mái nhà đơn sơ và những đàn dê nhởn nhơ quanh đồi mỗi sớm mai. Nhưng "giấc mơ" năm nào của nhạc sĩ du ca Trần Tiến sắp thành điệp khúc buồn, khi quanh vùng chỉ còn Chamaléa Âu cô đơn khảy đàn, níu giữ "giấc mơ Chapi"
Khác với nét vui vẻ lúc đầu gặp gỡ, ngắm cây đàn trầm ngâm, nhìn quanh căn nhà treo đầy bằng khen, bằng chứng nhận của tỉnh, của Trung ương cho những lần xách Chapi rời bản đi diễn.
Mình buồn lắm. Bọn thanh niên bây giờ nó không thích Chapi nữa. Nó thích cái nhạc mới thôi. Trai gái yêu nhau cũng chóng vánh chứ không được đẹp như hồi đầu bọn mình yêu nhau bằng tiếng đàn. Đã lâu lắm rồi, bản không còn nghe tiếng đàn Chapi ngọt ngào, say đắm gọi tình yêu về nữa. Mình muốn truyền lại cho con, cho cháu mà không đứa nào chịu học
Chamaléa Âu nói
Chamaléa Âu kể, ông đã từng chiều chiều mang Chapi ra giữa làng khảy với hy vọng biết đâu có đứa trẻ nào đó thấy thích và muốn học. Lão nghệ nhân bền bỉ làm điều thiêng liêng ấy qua nhiều mùa rẫy, nhưng cuối cùng, "lửa sắp tàn mà mồi lửa mới chưa thể nhóm lên"!
Chamalé Âu có 9 người con và hơn 30 cháu nội ngoại, nhưng chỉ có một người con trai theo niềm đam mê cũ kỹ của cha. Ông tìm thấy niềm vui với người con ấy khi trao lại cho anh những bí quyết làm đàn, trao lại cho anh những gì ông có với Chapi.
Video: Đêm dần sâu, tiếng đàn Chapi của già Chamaléa Âu lọt thỏm dưới thung sâu, va vào vách núi.
Ngày xưa, người Raglai không biết chữ viết nên không thể ghi lại, hay thể hiện các giai điệu Chapi trên giấy được. Chỉ có cha truyền cho con bằng miệng, rồi từ người này sang người khác, nghe nhiều rồi thuộc lòng từng giai điệu. Vì không có ghi chép nên việc học và chơi Chapi với giới trẻ sau này ngày càng khó hơn…
Đêm dần sâu, tiếng đàn Chapi tấu khúc “Tiễn bạn” của già Chamaléa Âu lọt thỏm dưới thung sâu, va vào vách núi. Đêm tĩnh mịch theo tiếng thở dài cùng niềm trăn trở của lão nghệ nhân. Không biết mai sau, giữa chốn mịt mù núi, ở xứ nắng hao hanh này, nếu người Raglai không có tọ Chapi, không khảy Chapi… liệu ai còn tìm đến miền đất “chỉ có mùa yêu” này nữa?