Video: Cảnh hoang tàn, lạnh lẽo ở di tích lầu Bảo Đại
Tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.
Từ đó đến nay, lầu Bảo Đại chưa được lập hồ sơ di tích để bảo tồn theo Luật Di sản, trong khi 5 ngôi biệt thự cổ hiện không còn nguyên bản do trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Lầu Bảo Đại được bảo vệ theo Luật Di sản
Theo Sở Văn hóa - thể thao (VHTT) tỉnh Khánh Hòa, sau khi đất nước thống nhất, lầu Bảo Đại được giao cho nhiều đơn vị quản lý, khai thác phục vụ kinh doanh du lịch. Sau đó, các doanh nghiệp tự ý sửa chữa, thay đổi công năng, thậm chí cơi nới, xây thêm các hạng mục công trình khiến di tích biến dạng, không còn giữ được nguyên bản.
Tháng 8/2018, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh lầu Bảo Đại lần đầu được đưa vào danh mục kiểm kê di tích và UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn.
Biệt thự cổ bị doanh nghiệp biến thành trụ sở công ty. (Ảnh: An Bình)
Tuy nhiên, theo Sở VHTT Khánh Hòa, việc lập hồ sơ di tích lầu Bảo Đại không dễ vì nơi này đã giao cho doanh nghiệp làm dự án nhiều năm nay. Ngoài ra, 5 ngôi biệt thự cổ đã bị sửa chữa, cải tạo làm mất đi yếu tố gốc, hiện vật bị thất lạc.
Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở VHTT Khánh Hòa, khẳng định cho dù chưa được xếp hạng và lập hồ sơ di tích nhưng lầu Bảo Đại vẫn thuộc đối tượng bảo vệ của Luật Di sản.
Ông Hà lý giải đây là cụm công trình có yếu tố lịch sử, ngoài ra từ năm 1995, UBND tỉnh đã công nhận lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.
"Việc sửa chữa, trùng tu liên quan đến lầu Bảo Đại phải làm theo Luật Di sản và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp không được tự ý tác động vào 5 ngôi biệt thự cổ", Giám đốc Sở VHTT nói.
Xẻ núi xây biệt thự có phù hợp với quy hoạch?
Đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng giao di tích lầu Bảo Đại cho doanh nghiệp xây khu nghỉ dưỡng cao cấp là phù hợp với quy hoạch chung TP Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt năm 2012.
Theo tìm hiểu, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại được UBND tỉnh Khánh Hòa giao doanh nghiệp trước khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung TP Nha Trang một năm.
Cụ thể, tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại cho liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (Công ty Khánh Hà) để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa thu hồi di tích lầu Bảo Đại từ Công ty Khatoco giao hẳn cho Tập đoàn Hà Đô làm dự án biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao.
Sau nhiều năm giao cho doanh nghiệp quản lý, các hiện vật quý ở lầu Bảo Đại mất gần hết. (Ảnh: An Bình)
Ngoài ra, việc xây dựng biệt thự, nhà hàng trong khu di tích lầu Bảo Đại được Bộ Văn hóa - thể thao và Du lịch thỏa thuận cho phép. Theo đó, di tích lầu Bảo Đại sẽ thành “khu resort hiện đại nhưng thân thiện với môi trường, có một số phòng nghỉ nằm chìm trong vách đá...”.
"Phải giữ cho được 5 biệt thự cổ"
Hiện cả 5 ngôi biệt thự ở lầu Bảo Đại bị xuống cấp do nhiều năm không được trùng tu, bảo dưỡng. Đơn cử như biệt thự Cây Bàng, ngay căn phòng lớn từ cửa bước vào, 4 bức tường bị khoan lỗ chi chít để bắt ốc vít, giăng dây phơi khăn tắm, ga giường. Còn hệ thống cửa thì mục nát, nhiều cánh bị bung hẳn ra, ở chỗ khác thì được "gia cố" bằng cách lấy thanh gỗ đóng đinh ép lại.
Trừ biệt thự Nghinh Phong và Vọng Nguyệt được dọn dẹp để đón khách sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, các ngôi biệt thự còn lại gạch nền đã bong tróc; nhiều nơi bị thấm dột, tường bắt đầu bục ra từng mảng.
"Năm nay 5 ngôi biệt thự tròn 96 tuổi, nếu cứ để hoang tàn, không trùng tu đúng cách như hiện nay thì tương lai chẳng còn biệt thự cổ mà ngắm", bà Thanh Nhàn (65 tuổi), nhà gần di tích lầu Bảo Đại trầm ngâm.
Một ngôi biệt thự mới xây ở di tích lầu Bảo Đại. (Ảnh: An Bình)
Thi công gần 4 năm, năm 2017, khi dư luận lên tiếng về việc di tích lầu Bảo Đại bị doanh nghiệp phá nát, UBND tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục thực hiện.
Theo phương án mới được chủ đầu tư trình lên UBND tỉnh Khánh Hòa, các công trình mái ngói sẽ thay đổi bằng cách phủ cỏ, cây xanh, đồng thời giảm chiều cao xây dựng để giật cấp theo địa hình.
Bỏ công trình trung tâm hội nghị, một căn biệt thự tại ô V7 để quy hoạch nhà phụ trợ, dịch vụ... Trong phương án điều chỉnh, chủ đầu tư tăng diện tích khách sạn lên gần 9.000 m2.
Theo KTS Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, việc cấp phép dự án ở di tích Lầu Bảo Đại là "sự việc đã rồi và rất khó sửa chữa". Theo ông, đúng hay sai thì chỉ cần nhìn vào hiện trạng di tích lầu Bảo Đại là rõ nhất, điều cần thiết hiện nay là tỉnh Khánh Hòa phải làm sao giữ cho bằng được 5 ngôi biệt thự cổ, không cho tàn phá thêm.
Năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã giao cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ di tích lầu Bảo Đại để bảo tồn. Việc này theo ông Lộc, dù muộn nhưng vẫn hơn không làm.
"Nếu đã lập hồ sơ di tích cho cụm lầu Bảo Đại thì đương nhiên nơi đây sẽ được xếp hạng, bảo vệ theo Luật Di sản. Bất cứ ai đụng vào di tích đều phải được cơ quan chức năng phê duyệt, cho phép", ông nói.
Trong văn bản gửi Bộ Văn hóa - thể thao và Du lịch xin thẩm định, thỏa thuận quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại mới đây, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc lập hồ sơ di tích khu lầu Bảo Đại là để thực hiện việc khoanh vùng, bảo vệ di tích. Đối với 5 ngôi biệt thự cổ, tỉnh yêu cầu doanh nghiệp không được phá vỡ kiến trúc cũ bên trong, bên ngoài công trình.
Khu biệt thự được người Pháp xây dựng năm 1923, để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó.
Tháng 10/1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.
Tháng 8/2018, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh lầu Bảo Đại lần đầu được UBND tỉnh Khánh Hòa đưa vào danh mục kiểm kê di tích và yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn.