Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đi ra nước ngoài là sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

(VTC News) -

Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (Bộ TT&TT) đánh giá, đi ra nước ngoài là cách để doanh nghiệp Việt trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023 mới đây, thống kê của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (Bộ TT&TT) cho thấy, từ năm 2022 tới năm 2023, có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021. 

Những doanh nghiệp công nghệ “go global” tiêu biểu được nhắc đến là Rikkei Soft, Viettel Global, FPT, CMC, NTQ và TMA.

Theo giới thiệu, Rikkei Soft thành lập năm 2012 với tư duy đi ra thế giới từ Nhật Bản. Tại thị trường này, Rikkei Soft là doanh nghiệp công nghệ Việt lớn thứ 2 cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ, chuyển đổi số cho các DN lớn. Với tiền đề là Nhật Bản, Rikkei Soft đã phát triển sang các thị trường Mỹ, Singapore, Thái Lan, Úc, New Zealand… Họ đặt mục tiêu trở thành công ty công nghệ tỷ đô và IPO tại Mỹ năm 2028.

VMO cũng là một doanh nghiệp ghi dấu ấn khi từ năm 2019 - 2022, liên tục tăng trưởng 200-300%/năm về quy mô doanh nghiệp và quy mô doanh thu. Từ nhân lực 70 người (2019), đến 2022, họ có 1.200 người. Khách hàng đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Doanh nghiệp công nghệ lớn nhất của ngành là Tập đoàn Viettel với doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2022. Viettel đã đầu tư tại 10 quốc gia tại 3 châu lục (Á, Mỹ, Phi) với tổng quy mô thị trường 270 triệu dân, 68 triệu khách hàng.

100% công ty thị trường nước ngoài do Viettel đầu tư đều ghi nhận tăng trưởng ở mức cao hơn bình quân của thế giới, trong đó 6/9 thị trường tăng trưởng trên 2 con số so với năm 2021. 6 thị trường đứng số 1 về thị phần.

Với FPT, từ vị thế của người đi nhận việc gia công, FPT đã trở thành đối tác hàng đầu của hàng trăm tập đoàn trong Top 500 DN lớn nhất thế giới, mang về doanh số 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài.

Những nền tảng, giải pháp Make in Vietnam, Made by FPT đã có chỗ đứng trên toàn cầu như akaBot - Top 6 giải pháp quy trình doanh nghiệp của thế giới, FPT.AI có 200 triệu lượt sử dụng/tháng từ 15 quốc gia.

Từ dịch vụ từng bước chuyển sang cung cấp sản phẩm (chip), FPT đã nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị. Doanh thu năm 2022 đạt 800 triệu USD, kế hoạch năm 2023 là 1 tỷ USD.

Trong khi đó, CMC - công ty công nghệ Việt Nam có tuổi đời tới 30 năm đã tạo ra nhiều thành tích mà họ gọi là di sản, như đường trục cáp quang kết nối xuyên Đông Nam Á, trung tâm dữ liệu Tân Thuận. Hiện nay, CMC Global nằm trong top 2 các DN xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam với 10 văn phòng trên thế giới.

Từ thị trường nước ngoài quay về thị trường trong nước là trường hợp của TMA. Năm 2022, TMA tăng trưởng 20% ở thị trường nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ mới như 5G, AI, xe hơi… Đó là sự dịch chuyển của TMA từ cung cấp các dịch vụ giải pháp cho lĩnh vực viễn thông sang các lĩnh vực công nghệ mới nổi.

Đáng chú ý, sau 5 năm đầu tư, TMA đã hoàn thành khu công nghệ cao tại Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn, sẵn sàng phát triển các giải pháp cho thị trường trong nước và đón các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư tại Việt Nam.

NTQ Solution là một doanh nghiệp Việt đi lên từ vài chục nhân sự năm 2015, đến nay đã có 1.200 người tại Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ… với doanh thu gần 20 triệu đô năm 2022. Giải pháp của NTQ Solution là sử dụng 5-1-% chuyên gia nước ngoài tại công ty và để 10-20% nhân viên của NTQ ra nước ngoài hỗ trợ khách hàng.

Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (Bộ TT&TT) đánh giá, đi ra nước ngoài là cách để doanh nghiệp Việt trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Đi ra nước ngoài cũng là để phát triển Việt Nam, là mục tiêu và sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Trang Linh

Tin mới