Lẩu là món ăn đa dạng về thành phần nguyên liệu, từ thịt, cá, đậu phụ đến khoai, mỳ, miến, rau củ quả các loại. Do đó, nó cung cấp đủ các nhóm thực phẩm thiết yếu gồm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Cũng vì lẩu có nhiều thành phần nên nhiều người đặt câu hỏi, khi ăn lẩu nên ăn rau hay ăn thịt trước.
Thật ra, lẩu cũng như các món ăn khác, không nhất thiết phải tuân theo thứ tự một cách cứng nhắc. Tuy nhiên, việc để ý đến việc ăn cái gì trước, cái gì sau sẽ có lợi cho sức khỏe hơn.
Đi ăn lẩu nên ăn rau hay thịt trước là thắc mắc của nhiều người. (Ảnh: Giant)
Theo VietNamNet, các nghiên cứu lâm sàng ở Trung Quốc cho thấy, "quy trình" tốt nhất là ăn rau đầu tiên, sau đó đến thịt - thực phẩm giàu đạm và chất béo, cuối cùng là đến mỳ hoặc bún, khoai..., tức các thực phẩm chứa nhiều tinh bột.
Mọi người thường có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường trong các bữa lẩu. Đây là điều đáng ngại đối với những người không muốn tăng cân hoặc có các bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa.
Tuy nhiên với thứ tự ăn rau trước, ăn thịt sau, dạ dày sẽ tiếp nhận những thực phẩm giàu chất xơ đầu tiên, tạo cảm giác no và ngăn cơ thể hấp thụ quá nhiều đường. Do đó, lượng calo nạp vào cơ thể trong bữa lẩu sẽ không quá nhiều, tránh nguy cơ béo phì và các hậu quả của nó.
Không chỉ món lẩu, thứ tự trên cũng nên được áp dụng trong bữa ăn bình thường. Người Nhật Bản vốn nổi tiếng với cách ăn uống dưỡng sinh và bữa ăn truyền thống Kaiseki của họ thường bắt đầu với rau. Sau đó họ mới ăn các loại thực phẩm giàu đạm và cuối cùng là cơm, mỳ, đồ muối chua.
Cụ thể, món khai vị là rau, sau đó là sashimi (cá sống), rau ăn kèm thịt, cá, đậu phụ, súp, cá nướng; sau cùng là cơm và dưa muối.
Theo TS Charlene Brannon, cựu giảng viên tại Đại học Washington (Mỹ), việc ăn rau trước giúp làm giảm phản ứng glycation - lượng đường dư thừa kết hợp với protein trong cơ thể, làm suy giảm tế bào. Phản ứng glycation không chỉ khiến da sớm nhăn mà còn ảnh hưởng xấu đến nội tạng.
Đối với người bị tiểu đường hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh này, "quy trình" ăn rau thịt trước, cơm mỳ sau lại càng phù hợp. Nghiên cứu của Đại học Y khoa Weill Cornell (Mỹ) cho thấy thứ tự ăn uống này có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học nhận thấy, tuy ăn cùng một thực đơn gồm bánh mỳ, khoai tây, mỳ ống, thịt gà và salad, nhưng những người ăn bánh mỳ, khoai tây và mỳ ống cuối cùng có lượng đường huyết sau ăn ổn định nhất, thấp hơn khoảng 50% so với người ăn các món giàu tinh bột trước.
Muốn mang lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe, hạn chế tối đa các ảnh hưởng xấu do ăn uống, khi thưởng thức lẩu, bạn nên lưu ý:
Ngoài chuyện đi ăn lẩu nên ăn rau hay ăn thịt trước, bạn nên lưu ý một số vấn đề khác khi thưởng thức món này. (Ảnh: Just One Cookbook)
Không ăn quá nóng
Khi ăn lẩu, bạn rất dễ bị bỏng niêm mạc đường tiêu hóa vì thức ăn luôn nóng. Vì thế, bạn hãy luôn nhớ rằng nhiệt độ của thức ăn khi đưa vào miệng không được quá nóng để tránh gây tổn thương răng, nướu, niêm mạc miệng, lưỡi và thực quản.
Khi lấy thức ăn ra khỏi nồi, bạn không nên ăn ngay mà hãy để vào bát đợi nguội bớt rồi mới ăn.
Đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi
Nguyên tắc bất di bất dịch cần nhớ khi dùng lẩu là ăn chín uống sôi, tránh ăn sống, ăn tái để đạt được hiệu quả tiêu diệt vi trùng, ký sinh trùng tốt nhất, tránh các loại giun, sán gây hại cơ thể.
Hãy để nước thật sôi mới thả thực phẩm vào, chờ thật chín rồi mới ăn.
Đừng ăn quá lâu
Khi đi ăn với bạn bè, người thân, chúng ta hay ngồi lai rai bên nồi lẩu. Thời gian ăn kéo dài sẽ khiến các dịch tiêu hóa như dịch dạ dày, dịch mật, dịch tụy được tiết ra liên tục, các cơ quan nội tạng không được nghỉ ngơi hợp lý dẫn đến rối loạn chức năng.
Hậu quả là bạn có thể bị đau bụng đi ngoài, khó tiêu, thậm chí viêm dạ dày, viêm lá lách mãn tính.
Thay nước dùng nếu ngồi lâu
Nước lẩu sôi càng lâu thì càng mặn, vitamin bị phân hủy, chất béo trở nên bão hòa, rất có hại cho cơ thể, nhất là tim mạch. Do đó, bạn chỉ nên ngồi trong thời gian vừa phải và chú ý thay nước lẩu thường xuyên.
Nước lẩu đun lâu sẽ không tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Yi Reservation)