GS TS Phan Thanh Sơn Nam hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM. Ông là người trẻ nhất Việt Nam được phong hàm giáo sư năm 2014.
Trước đó, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đăng tải bài viết có nội dung tố ông Nam "gian lận kết quả nghiên cứu" bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cho nhiều bài báo quốc tế khác nhau.
Hiện trên Wikipedia còn tồn tại bài viết là phiên bản ghi ngày 27/2/2021 (gian lận khoa học), trong đó có đoạn: "Phan Thanh Sơn Nam đã công bố sử dụng ba loại xúc tác khác nhau có thành phần chung là đồng để tiến hành cùng một phản ứng. Kết quả là trong cả ba bài báo, tác giả cùng sử dụng một bộ phổ. Hành động tương tự như trên đã được sử dụng một cách có hệ thống trong hầu hết các kết quả công bố, gây ra lo ngại về tính trung thực và đạo đức khoa học của nhóm nghiên cứu của Phan Thanh Sơn Nam, đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của tòa soạn đăng báo cũng như người bình duyệt".
Trang này cũng dẫn ra một loạt bài báo của nhóm nghiên cứu Phan Thanh Sơn Nam và cho biết gian lận về sử dụng cùng một kết quả phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau còn được tìm thấy trong các bài báo này từ năm 2014 đến 2020.
GS TS Phan Thanh Sơn Nam.
Trước sự việc trên, trả lời VTC News trưa 11/3, PGS TS Bùi Mai Hương, Trưởng phòng Quản trị Thương hiệu-Truyền thông, ĐH Bách Khoa cho biết, Trường đã có buổi gặp mặt thầy Nam để thầy trình bày với Trường.
Tuy nhiên, theo bà Hương, đây là vấn đề khoa học không thể kết luận ngay được mà phải họp Hội đồng khoa học để thầy Nam trình bày trước Hội đồng rồi mới có kết luận cuối cùng.
Theo PGS TS Mai Hương, trong nghiên cứu khoa học chuyện đính chính cũng thường diễn ra, đây là sự cố ngoài ý muốn, PGS TS Phan Thanh Sơn Nam đã thừa nhận có sai sót.
“Thầy Nam không có gian lận và copy kết quả của ai hết. Mà đấy là kết quả của nhóm nghiên cứu của thầy Nam. Trong một bài báo khi tổng hợp lại kết quả nghiên cứu vẫn có thể trích dẫn kết quả nghiên cứu cũ. Tùy yêu cầu của bài báo mà có dùng hay không. Thầy Nam sẽ làm lại những phổ đó. Chuyện đó là hết sức bình thường, thầy không có gian dối gì cả, mà là mức độ trùng lặp trong các bài báo, dựa trên những kết quả nghiên cứu trước đó mà vẫn chứng minh được thì chuyện đó là bình thường.
Ví dụ khi có kết quả nghiên cứu, một giáo sư giao sinh viên đi làm phổ, nhiều khi sinh viên gửi ảnh phổ lẫn giữa ảnh chụp trước và chụp sau. Ảnh phổ là dãy số liệu mấy chục nghìn số, do đó chụp ảnh phổ nhìn ảnh phổ đấy mà biết đúng hay sai, hay giống nhau hoặc không phải có cơ sở. Vì 2 cái ảnh phổ chụp trên cùng một chất thì trùng hợp của nó rất là lớn. Trên bài báo nó chỉ thể hiện đường nét rất nhỏ. Ví dụ xưa nay tôi chỉ quan tâm đọc được gì trên ảnh phổ chứ không để ý sinh viên có thể gửi nhầm ảnh phổ, mà chuyện này có thể xảy ra. Tránh sự nhầm lẫn thì phải xem kỹ ngày giờ chụp”, PGS TS Mai Hương nói.
Đại diện ĐH Bách khoa TP.HCM cũng cho hay, hiện nay, sinh viên cũng như giảng viên trong khoa Kỹ thuật hóa học vẫn học tập và giảng dạy bình thường, không có chuyện hoang mang hay nghi ngờ. Thầy Nam đã đính chính và lên tiếng xin lỗi. Còn về tư cách đạo đức của thầy Nam, sinh viên học sẽ nắm rõ, hiểu rõ.
Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM.
Theo bà Hương, nhà trường đang sắp xếp Hội đồng khoa học. Sau khi họp Hội đồng khoa học thì Trường mới có thông tin chính thức và chính xác, lúc đó mới có kết luận có gian lận kết quả nghiên cứu hay không.
“Để triệu tập cuộc họp Hội đồng khoa học phải báo trước từ 1 đến 2 tuần. Bây giờ Trường đang cố gắng sắp xếp một buổi để thầy Nam trình bày trước Hội đồng khoa học vì đây là vấn đề khoa học chuyên môn. Hội đồng Khoa học phải đủ số lượng trên 2/3 mới kết luận được. Hội đồng có người trong và ngoài trường, là những giáo sư, phó giáo sư có uy tín, chuyên môn chứ không phải Hội đồng hành chính. Không có gì ở đây gọi là xử lý, họp Hội đồng khoa học chứ không phải hội đồng kỷ luật. Hội đồng Khoa học để thầy Nam trình bày vấn đề khoa học trước giảng viên, sinh viên và công luận”, bà Hương cho biết thêm.