Trong suốt tháng 2/2021, một tài khoản mang tên Phanthanhsonbac đã tiến hành 13 lượt sửa đổi trang Wikipedia về GS Phan Thanh Sơn Nam, đưa nhiều thông tin cáo buộc ông "gian lận trong nghiên cứu", "ngụy tạo kết quả".
Hiện tại trên Wikipedia còn tồn tại bài viết là phiên bản ghi ngày 27/2/2021 (gian lận khoa học), trong đó có đoạn: "Phan Thanh Sơn Nam đã công bố sử dụng ba loại xúc tác khác nhau có thành phần chung là đồng để tiến hành cùng một phản ứng. Kết quả là trong cả ba bài báo, tác giả cùng sử dụng một bộ phổ. Hành động tương tự như trên đã được sử dụng một cách có hệ thống trong hầu hết các kết quả công bố, gây ra lo ngại về tính trung thực và đạo đức khoa học của nhóm nghiên cứu của Phan Thanh Sơn Nam, đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của tòa soạn đăng báo cũng như người bình duyệt".
Trang này cũng dẫn ra một loạt bài báo của nhóm nghiên cứu Phan Thanh Sơn Nam và cho biết gian lận về sử dụng cùng một kết quả phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau còn được tìm thấy trong các bài báo này từ năm 2014 đến 2020.
Phan Thanh Sơn Nam là người trẻ nhất Việt Nam được phong giáo sư năm 2014. (Ảnh: Facebook nhân vật)
Trước sự việc này, GS Phan Thanh Sơn Nam cho biết, một người cùng trong nhóm nghiên cứu báo cho ông biết trong một số công bố SCIE của nhóm xảy ra tình trạng trong phần phụ lục (SI) của bài này, có một số phổ NMR giống với NMR trong SI của bài khác trong những bài báo quốc tế nhóm từng công bố.
Nhóm đã rà soát lại, đang đặt hoá chất để lặp lại thí nghiệm và phân tích NMR lại, và cũng đã email xin tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần SI của 4 bài báo.
"Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần SI, là sai. Xưa nay mình vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng", GS Nam thừa nhận sai sót.
Trên trang Facebook cá nhân, GS Sơn Nam phân trần: "Trong các bài báo của mình, cũng như những nhóm khác, thường thì first author (người đứng tên đầu) là người trực tiếp viết phần SI, sau đó đưa qua một thầy corresponding author (người chịu trách nhiệm chính) khác trong nhóm kiểm tra, sau khi thầy đó kiểm tra xong thì đưa qua mình kiểm tra thêm một lần nữa. Mình thuộc loại cẩn thận, nên thường để 2 corresponding author phải có trách nhiệm kiểm tra 2 vòng cho kỹ hơn. Nhưng rồi cuối cùng nhóm mình cũng không thoát khỏi tai nạn".
Theo GS Sơn Nam, các first author của 4 bài báo này đã rời nhóm, ông có liên lạc và được biết, 2 bài báo có phổ NMR trong SI giống nhau làm cùng một thời điểm. Có người vô ý nhầm lẫn. Có người vô tư nghĩ rằng sau khi tinh chế bằng sắc ký cột, kiểm tra bằng GC-MS thấy giống nhau, nhưng do tiếc tiền nên chỉ chạy NMR một lần, mà không ý thức được làm như vậy là sai.
GS Sơn Nam xin lỗi trên Facebook cá nhân.
Sau khi thừa nhận sai sót và phân trần trên trang Facebook cá nhân, GS Nam đã công khai xin lỗi cộng đồng về sự việc. Ông cũng xin lỗi vì không hướng dẫn học trò kỹ hơn, dẫn tới xảy ra sự việc.
"Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu, và là người có kiểm tra lần cuối bài báo, mình thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm mình đã để xảy ra chuyện này. Cá nhân mình thành thật xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên. Cá nhân mình cũng thành thật xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì mình cũng cần phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa", GS Sơn Nam viết trên Facebook cá nhân.