(VTC News) - Cứ như lời tả của TchyA - Đái Đức Tuấn, thì sau khi hồn phách phiêu diêu, có lẽ Oanh Cơ là con ma trành đẹp nhất thế gian...
Kỳ 8: Đèo Ô Quy Hồ và nữ ma trành đẹp nhất thế gian
Ngoại trừ vùng đất Thạch Thành gắn bó mật thiết với tuổi thơ, trong các câu truyện truyền kỳ kinh dị “Ai hát giữa rừng khuya”, “Thần hổ”,
nhà văn Đái Đức Tuấn, luôn gắn câu chuyện với các nhà ga, như ga Gôi, ga Đồng Giao, ga Lào Cai.Mỗi nơi dừng chân của phương tiện hiện đại và thông dụng nhất thời bấy giờ, tác giả lại có một câu chuyện ly kỳ mới, hoặc giải mã được điều uẩn khúc gì đó về ma trành và thần hổ. Lúc thì gặp ma không đầu, lúc nghe tiếng hát kỳ lạ, lúc gặp người mở ra những nút thắt trong câu chuyện một cách tình cờ…
Cùng với vùng đất Thạch Thành, đèo Ba Dội, thì đèo Ô Quy Hồ (Sa Pa, Lào Cai) cũng là nơi thần hổ xuất hiện trong ngòi bút của nhà văn Đái Đức Tuấn. Đó là nơi thần hổ rình rập và vồ chết một người đàn bà nhan sắc cực kỳ diễm lệ, nàng Oanh Cơ. Trên con đèo thanh vắng này, mỗi đêm mưa phùn gió bấc, Oanh Cơ cùng với anh chị lại đàn hát ả đào cho thần hổ ngồi nghe.
Quốc lộ 4D vượt đèo Ô Quy Hồ ngày nay, nhìn từ trên cao xuống |
“Bà tri châu lúc ấy giở tráp trầu ra ăn một miếng, trông bà có vẻ buồn rầu lo lắng, nhưng vẻ lo buồn không làm thế nào át được sắc đẹp dịu dàng sắc sảo của bà. Bà ăn mặc cực kỳ diễm dắn, nền nếp, không đeo lắm vàng ngọc, không đánh phấn thoa son; song càng ngắm bà càng thấy có duyên, càng bị say đắm vì đôi con mắt mơ mộng của bà, đôi mắt đăm đăm nhìn vào khoảng chân trời xa thẳm” – TchyA viết.
Còn đây là nhan sắc nàng thời thiếu nữ: “Oanh Cơ thì là công trình tuyệt mỹ tuyệt xảo của Hóa Công, gồm cả thanh âm lẫn nhan sắc. Ðó là một người đà bà độc nhất vô nhị trong một thời, mà cứ trong khoảng năm sáu trăm năm, mới được gặp một lần trên cõi phàm tục.
Con người ấy chả kém gì Tây Thi, Muội Hỉ, Ðắc Kỷ, Quý Phi, nàng đẹp, một vẻ đẹp oái ăm, huyền bí, oanh liệt, lại dịu dàng, tựa hồ đấng thiêng liêng đem hết cả bao nhiêu tinh túy của non sông cây cỏ mà chung đúc vào nhan sắc ấy”.
Nàng Oanh Cơ toàn vẹn về tài sắc và nhân cách, như tiên nữ (minh họa) |
“… Theo đúng nghiệp số của nàng, nàng phải theo hai anh chị chết dưới vuốt thiêng loài mãnh thú. Con hổ này rình nàng từ lâu lắm, nó định bắt nàng đi đã mấy năm nay rồi! Bởi chưa có dịp nào, nó đành phải đợi sau khi bắt hụt nàng một phen ở Đồng Giao.
Tra khảo anh chị nàng, nó biết nàng tất phải qua đèo Ô Quy Hồ vì theo chồng ra Phong Thổ. Nó phục trong bụi lau đợi nàng ở đó. Ngày giờ nàng đã đến, số kiếp nàng đã tận, nàng bị nó nhảy xổ ra ngoạm chặt lấy lôi đi, giữa khi cháu nàng và các phu phen đều vô ý mỗi người chăm chú vào việc riêng của mình” (Ai hát giữa rừng khuya).
Cổng Trời, nơi cao nhất của đèo Ô Quy Hồ, một điểm du lịch |
Theo khẳng định của ông Trần Ngọc Lâm, người gắn bó máu thịt với núi rừng Hoàng Liên Sơn, khoảng đầu thế kỷ trước, muốn đi từ Sa Pa sang Phong Thổ, người ta đi qua con đường đèo lượn theo sát chân núi, chứ không phải là Quốc lộ 4D và đi qua Cổng Trời như bây giờ.
Thời ấy, cây cỏ rậm rạp, đường lối hoang vu cực kỳ cô quạnh, dã thú thì nhiều vô kể. Có một đồn lính Pháp đóng phía trên như một tổ cú nhòm xuống khống chế, bao quát toàn bộ lối đi ấy. Đồn đó là Trạm Tôn, do viên Đại úy Đờ Chapa làm đồn trưởng, vẫn còn dấu tích ở ngay khu vực Cổng Trời hiện nay.
“Trạm Tôn”, chữ khắc cũ trên đồn Pháp lập không chế đèo Ô Quy Hồ |
Đồn Trạm Tôn "may mắn" hơn, nhưng cũng chỉ còn các dấu tích là đường hào, công sự, tảng đá khắc tên người, tên trạm bằng chữ Pháp, Việt... Trong “Ai hát giữa rừng khuya”, nhà văn Đái Đức Tuấn vẫn dùng các tên gọi cũ “Cha Pa” (đặt theo tên viên đại úy) và Lao Kay (tiếng địa phương: chuồng gà) để chỉ các địa danh Sa Pa và Lào Cai.
Quả thực, đèo Ô Quy Hồ là nơi lý tưởng để nhà văn Đái Đức Tuấn kết thúc câu chuyện đường rừng kinh dị của mình, bởi sự hùng vĩ, thâm u đến tận cùng của nó. Cách đây vài chục năm, nơi đây còn hoang vu tới độ anh cán bộ khí tượng thủy văn còn phải lăn cây chắn lối chỉ để mong gặp người qua đường (Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long).
Một lối đi xưa cũ cắt qua đèo Ô Quy Hồ, nơi có ngôi miếu cổ |
Xung quanh thung đá nhỏ lạnh lẽo, chỉ có những tảng đá bằng phẳng, rêu phủ xanh hết thân cây và đá núi. Trên vách đá chỉ có một bát hương bằng đá đẽo tạm, cỏ cây phong kín, không phải ai đứng bên cạnh cũng nhìn thấy. Nhìn kỹ thì thấy một vài chân hương cũ mục lâu năm do ai đó cắm vào.
Ông Lâm níu dây rừng, vạch cây cỏ, bảo: “Xưa, muốn sang Lai Châu, khách buôn thường đi cắt qua lối này, ít đi qua Sa Pa lắm vì xa hơn rất nhiều ngày đường. Đường này cheo leo hiểm trở trên đỉnh núi, có nhiều đoạn đi trên độ cao chừng 3.000m.
Do đường đi khó khăn gian khổ, mãnh thú, ma rừng rình rập khắp nơi, nên họ mới lập ngôi miếu này để mong hành trình được hanh thông, thuận lợi. Ai từng biết ngôi miếu này đều biết đến sự linh thiêng không giải thích nổi”.
Lục các thư tịch, không thấy nói về ngôi cổ miếu này. Tôi ngờ rằng, đó là nơi thờ thần rừng, chúa tể của mãnh hổ, quái thú và các loại ma rừng của con đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ, khủng khiếp của người dân bản địa khi xưa…
Còn tiếp...
Gia Linh