Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, thực tế mọi người có thể quan sát trận sao băng này từ những đêm đầu tháng 12, nhưng chỉ với vài sao băng. Còn thời điểm lý tưởng nhất là đêm 13/12, rạng sáng 14/12.
Lúc này, bầu trời không bị ánh trăng cản trở, tạo điều kiện cho việc chiêm ngưỡng hiện tượng trên.
Gemini (Song Tử) - tâm điểm của trận mưa sao băng Geminids. (Ảnh: earthsky)
Một chuyên gia khí tượng cho biết, thời tiết tối nay ít mây thuận lợi để theo dõi mưa sao băng lớn và đẹp nhất năm.
Để quan sát hiện tượng thiên văn kỳ thú này, bạn cần xác định được khu vực trung tâm của nó. Đó là chòm sao Gemini (nhiều tài liệu gọi là Song Tử). Vào đêm, có thể thấy chòm sao Gemini mọc lên từ khoảng 20h ở hướng đông và lên rất cao vào giữa đêm, trước khi dịch chuyển dần về phía tây.
Nếu không bị ô nhiễm bởi khói bụi và ánh sáng cũng như trời không nhiều mây, bạn sẽ thấy vị trí của chòm sao Gemini này qua hai sao sáng nhất của nó là Pollux và Castor.
Khi quan sát mưa sao băng, người xem không cần sử dụng bất cứ thiết bị quang học hỗ trợ, hay ống nhòm hoặc kính thiên văn mà chỉ cần bằng mắt thường.
Video: Mưa sao băng Geminid ở Tennessee, Mỹ. (Nguồn: Scott Kuhn)
Geminids luôn đứng đầu các trận mưa sao băng của năm bởi độ rực rỡ cũng như tần suất. Nó có nguồn gốc từ vật thể 3.200 Phaethon. Giới khoa học tin rằng vật thể này chính là phần nhân của một sao chổi nào đó còn sót lại sau những cuộc hành trình và bị gió mặt trời thổi hết lớp đá băng bên ngoài. 3.200 Phaethon trong quá khứ di chuyển cắt ngang qua quỹ đạo của trái đất và để lại một dải đá bụi.