Câu chuyện đầu tư hạ tầng sân bay tại Hà Nội nóng lên khi Sở Quy hoạch Kiến trúc TP đề xuất nghiên cứu xây dựng sân bay thứ 2 của thủ đô tại huyện Ứng Hòa, cách trung tâm thành phố hơn 40 km về phía nam.
TS Nguyễn Bách Tùng, chuyên gia về quy hoạch hàng không, cho rằng một thủ đô 10-15 triệu dân nên có 2 sân bay hỗ trợ lẫn nhau. "Bố trí ở vị trí nào để hỗ trợ, không ảnh hưởng lẫn nhau là điều phải cân nhắc rất kỹ", ông Tùng nhấn mạnh.
Nhiều bất lợi khi chọn Ứng Hòa
TS Nguyễn Bách Tùng nhìn nhận việc Hà Nội phải nghiên cứu xây thêm một sân bay cũng giống như TP.HCM có Tân Sơn Nhất rồi vẫn phải nghiên cứu xây sân bay Long Thành.
"Việc nghiên cứu xây sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô phải làm từ bây giờ là hợp lý, bởi từ lúc bắt đầu nghiên cứu đến khi khởi công tốn rất nhiều thời gian. Như sân bay Vân Đồn mất gần 20 năm nghiên cứu, sân bay Long Thành cũng trên 20 năm mà vẫn chưa khởi công", ông Tùng chia sẻ.
Sân bay tại Ứng Hòa dự kiến cách sân bay Nội Bài gần 70 km. (Ảnh: Google Maps).
Về đề xuất chọn huyện Ứng Hòa, một vùng đất phía nam Hà Nội, chuyên gia cho rằng vị trí này có nhiều khó khăn.
Thứ nhất, địa bàn Ứng Hòa trùng với đường xuống của máy bay tại sân bay Nội Bài. Máy bay phải hạ dần độ cao khi bên dưới lại có một sân bay khác hoạt động tấp nập thì sẽ ảnh hưởng lẫn nhau.
Khó khăn thứ 2 liên quan đến vị trí, địa hình, cao độ để đảm bảo cất hạ cánh. Ứng Hòa cũng tương đối gần các dãy núi, chỉ có thể bố trí sân bay theo hướng tây bắc - đông nam. Như vậy, một đầu sân bay hoạt động rất sát TP Hà Nội, mà nội thành lại là vùng cấm bay nên việc này không hợp lý.
Thứ 3, cơ sở hạ tầng đấu nối vào sân bay hầu như chưa có gì. Đường bộ, đường sắt đều rất hạn chế, phải đầu tư mới.
"Không dễ tìm kiếm một vị trí xây sân bay. Ngoài vấn đề địa hình địa chất, quan trọng nữa là quy hoạch trên không, đường ra đường vào thế nào, phải nghiên cứu kỹ", chuyên gia quy hoạch hàng không chia sẻ.
Đặt trong hay ngoài thủ đô?
Khi Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất nghiên cứu sân bay thứ 2 tại thủ đô, GS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho hay ý tưởng này đã được TP Hà Nội đề cập vào những năm 90 của thế kỷ trước.
"Tuy nhiên, khi đó, các bộ, ngành thống nhất nhu cầu vận tải hàng không chỉ cần một sân bay là đủ, nên việc này tạm gác lại”, ông kể.
Sân bay Nội Bài vẫn đang được nâng cấp, mở rộng. (Ảnh minh họa: Việt Linh)
Vị chuyên gia đánh giá sân bay của vùng thủ đô nên nằm trong bán kính 50 km tính từ trung tâm Hà Nội. Theo lý giải của ông Liên, phần lớn các chuyến bay di chuyển đến Hà Nội, TP.HCM nên việc đặt sân bay không quá xa thủ đô là điều hợp lý.
Trái với quan điểm của GS Liên, TS Nguyễn Bách Tùng cho rằng sân bay của vùng thủ đô không nhất thiết phải nằm gần thủ đô. Thậm chí, việc đặt sân bay ngoài bán kính 50 km là cần thiết.
"Sân bay có ở vùng nào thì vùng đó phát triển, nhưng những khu vực ở sát sân bay lại rất hạn chế về mặt xây dựng. Nếu đặt nó ở gần thành phố thì sẽ hạn chế sự phát triển của thành phố. Công trình không được xây cao, những show diễn chiếu đèn laser cũng phải hạn chế", TS Tùng phân tích.
Trong khi vị trí xây sân bay tại Ứng Hòa, Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) mới chỉ được đưa ra dưới dạng đề xuất, dự án sân bay tại Tiên Lãng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vào năm 2011. Mới đây, sân bay Tiên Lãng được Bộ GTVT thống nhất với UBND TP Hải Phòng điều chỉnh quy hoạch để trở thành sân bay giảm tải cho Nội Bài.
"Về cảm quan, tôi thấy làm sân bay ở Tiên Lãng có sự thuận lợi rất lớn vì ở đó không có dân cư, quỹ đất cỡ 6.000 ha. Khó khăn lớn nhất là chi phí đầu tư để xử lý nền móng công trình vì liên quan đến bãi bồi ven biển", TS Tùng nhận định .
Ông Tùng cho rằng việc chọn xây sân bay tại Tiên Lãng cũng rất thuận lợi để phục vụ nhân dân các vùng như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam... Người dân từ các tỉnh này theo đường quốc lộ đi sân bay Tiên Lãng rất gần thay vì phải dồn về Nội Bài.
Ngoài ý kiến trái chiều, các chuyên gia thống nhất quan điểm rằng Hà Nội và Bộ GTVT cần tính toán chi tiết, đưa ra dự đoán cụ thể về tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách hàng không.
Vị trí xây sân bay cũng cần được đánh giá một cách tổng thể, có sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương trong vùng thủ đô. Xây sân bay còn phải kết nối đường sá, hệ thống trung chuyển, kết nối với đường sắt đô thị, metro, buýt.
Vì sao không tận dụng các sân bay quân sự sẵn có?
Bên cạnh sân bay Nội Bài, Hà Nội hiện có các sân bay Hòa Lạc, Gia Lâm, Miếu Môn, nhưng đều phục vụ mục đích quân sự. Về ý tưởng tận dụng một trong các sân bay này, đầu tư, mở rộng thành sân bay dân dụng, các chuyên gia cho rằng không thể.
GS Liên nhận định sân bay Gia Lâm quá gần nội thành, nên không thể phát triển được mạng lưới giao thông. Còn sân bay Hòa Lạc thì diện tích quá hẹp, không thể mở rộng. Trong khi đó, sân bay Miếu Môn không có yếu tố tĩnh không, thủy văn phù hợp, gần núi đá, không an toàn cho bay dân dụng.
"Sân bay Gia Lâm bây giờ đã ở giữa lòng thành phố, không phát triển thêm được. Sân bay Hòa Lạc đã đô thị hóa xung quanh, diện tích đất không đủ để làm sân bay lớn. Sân bay Miếu Môn thì gần núi đá và nhiều mây mù", TS Tùng chia sẻ.